Theo các thông tin trên mạng, người phụ nữ làm ra loại xà phòng trên từng có kinh nghiệm làm xà phòng. Tình cờ biết người bạn có quá nhiều sữa mẹ đến nỗi con mới sinh bú không hết, chị ngỏ lời xin số sữa thừa để sản xuất xà phòng cục dùng rửa mặt, gội đầu, tắm rửa…
Từ đó, chị nhận gia công “xà phòng sữa mẹ” cho khách hàng thừa sữa. Công thức sản xuất như sau: trộn đều các loại dầu ôliu, dừa, cọ, hạnh nhân… rồi đun nóng ở 40 độ C. Sữa mẹ và xút NaOH cũng được trộn đều, đun sôi ở nhiệt độ như trên. Tiếp theo, cho 75% hỗn hợp dầu và 25% sữa mẹ vào khuôn. Giá mỗi ký xà phòng thành phẩm là 1,5 triệu đồng. "Nhà sản xuất" cũng cho biết “vì chất béo có nhiều trong sữa mẹ nên làm mềm da. Khả năng thẩm thấu của sữa mẹ qua da nhanh hơn sữa bò, dê nên dưỡng da rất tốt”.
Nói về quy trình sản xuất “xà phòng sữa mẹ”, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, bày tỏ ngạc nhiên: “Sữa mẹ vô cùng bổ dưỡng, quý giá, liệu có dư thừa sữa đến nỗi dùng sản xuất xà phòng?”.
Theo bác sĩ Diệp, 80% sữa là nước, còn lại là đạm, béo… Theo lý thuyết, khi đun sôi sữa thì hàm lượng đạm, béo vẫn còn. Tuy nhiên, sữa mẹ được đun với xút thì chất béo còn tồn tại hay không vẫn chưa có câu trả lời. “Từ trước tới giờ chưa ai dùng sữa mẹ để làm xà phòng cả nên tôi nghĩ chưa có công trình nghiên cứu xem sữa mẹ trộn với xút, đun nóng thì chất béo còn hay mất”, bác sĩ Diệp nêu quan điểm.
Thạc sĩ Huỳnh Thành Công, Phó trưởng phòng Tổng hợp hữu cơ (Viện Khoa học vật liệu ứng dụng) cho rằng, trong quá trình đun nóng giữa sữa mẹ và xút, không loại trừ khả năng chất béo trong sữa biến mất. Ngoài ra, hàm lượng đạm và axit amin trong sữa mẹ bị phân hủy và có khả năng biến thành chất khác gây bất lợi cho da.
“Để xác định 'xà phòng sữa mẹ' có làm mềm da, dưỡng da tốt hay không cần phải có công trình nghiên cứu. Tôi chỉ nghe sử dụng sữa bò, dê để sản xuất mỹ phẩm, trong đó có sữa tắm. Chưa nghe sử dụng sữa mẹ để sản xuất bất kỳ loại hóa mỹ phẩm nào”, thạc sĩ Công nói.
Ông Công phân tích thêm, giả sử hàm lượng béo trong xà phòng trên vẫn còn, nhưng khi da không hấp thu hết chất này thì vô hình trung tạo điều kiện cho vi sinh vật có hại phát triển. “Trong trường hợp người sử dụng mắc các bệnh lý về da thì liệu có nguy cơ gia tăng bệnh không? Nghi vấn đặt ra nhưng chưa có câu trả lời. Do vậy, phải cân nhắc khi dùng, nhất là đối với trẻ em”.
Chuyên gia về da liễu, bác sĩ Nguyễn Trọng Hào, Bệnh viện Da liễu TP HCM cho rằng, cấu trúc và sinh lý da giữa người lớn và trẻ em hoàn toàn khác nhau. Cơ thể trẻ nói chung và da nói riêng chưa phát triển hoàn thiện, rất nhạy cảm với các tác nhân nên dễ dẫn đến hiện tượng gây kích ứng da (nổi mẩn đỏ, ngứa, phù…) nếu sử dụng xà phòng không phù hợp (đặc biệt là hàm lượng xút cao).
Theo bác sĩ Hào, hiện chưa có công trình nghiên cứu chứng minh “xà phòng sữa mẹ” tốt cho da. Mặt khác, nếu quy trình sản xuất “xà phòng sữa mẹ” không đảm bảo các điều kiện vệ sinh, thành phần (hóa chất, hương liệu…) không đúng hàm lượng sẽ có nguy cơ gây tổn thương cho da.
Theo Phunuonline