Sau khi đọc tất cả các bình luận về bài viết “Đĩa thịt gà 250.000 đồng thì đâu có đắt” của tác giả Ben, cá nhân tôi nghĩ: chúng ta chỉ cần nhìn giá tiền của quán này (cứ cho là quán sang ở Quảng Ngãi đi) tính 2 lon nước là 100.000 đồng, sau khi trừ tiền gà và cơm thì biết ngay là quán đó có “chặt chém” hay không.
Thay vì chỉ phân tích xa xôi, chúng ta hãy chứng tỏ mình là những người tiêu dùng thông minh. Phải biết hành động, một là để tránh khỏi ôm phải “cục tức” vào người, hai là không để cho những quán kinh doanh như thế này “tung hoành”.
Gia đình tôi may mắn được đi du lịch nhiều nơi và do tính chất công việc tôi phải đi công tác ở nhiều nước châu Âu lẩn châu Á nên trong mọi dịch vụ kể cả việc ăn uống từ quán sang đến các quán bình dân tôi đã vào ăn. Nên tôi cũng tích lũy cho mình được một số vốn kinh nghiệm quý báu khi đi ăn uống.
Vì vậy, đi đâu chúng tôi cũng hầu như hài lòng với số tiền phải trả cho những gì nhận được. Tuy cũng có vài lần bị thất vọng trong các dich vụ, giá cả khi ăn ở vài nơi, không đáng kể. Hơn thế, trong mỗi lần thất vọng đó thì chúng tôi lại có thêm được nhiều kinh nghiệm và xem đó là giá phải trả cho bài học cần thiết những chuyến du lịch khác.
Chẳng hạn ở thành phố San Jose (bang California, Mỹ) là nơi có cộng đồng người Việt rất đông, có một tiệm phở ai cũng biết và giá cũng bình dân nhưng chất lượng, thịt bò thì khỏi chê.
Tiệm có từ hơn 30 năm nay và cũng rất quen thuộc với cộng đồng người Việt, kể cả người Mỹ. Giá hiện giờ cho một tô phở nhỏ là chưa tới 6 đôla/tô (nói là nhỏ, nhưng tô phở/thịt nhiều và lớn hơn so với các tiệm phở ở Việt Nam), còn tô lớn thì dưới 8 đô la (ăn xong là không còn bụng để mà uống nước hay ăn chè).
Trong khi ở thành phố và quận San Francisco (nơi tôi ở) ngoài những tiệm phở bình dân thì có những nhà hàng bán tô phở có giá từ 12,5 đôla đến 15 đôla/tô. Vì đây là nhà hàng thuộc loại sang, không phải tiệm. Nhưng đó là những nơi chúng tôi chỉ đến với bạn bè hoặc với gia đình trong những ngày đặc biệt để thưởng thức các món ăn khác nhau (không chỉ có ăn mỗi phở) trong một khung cảnh đẹp, sang trọng và ấm cúng.
Còn nếu đến những nhà hàng sang trọng đó mà chỉ để ăn mỗi phở thì chúng tôi thà tự lái xe đi khoảng một tiếng đến thành phố San Jose ăn cho nó ngon lành, rồi tự lái xe về. Bởi tiệm phở ở San Francisco ăn không ngon bằng ở thành phố San Jose thì tội gì chúng tôi không chịu khó lái xe đi ăn cho vừa miệng?
Chúng tôi có thói quen là luôn tìm hiểu trước khi đi đến một thành phố hay đất nước nào không phải là “lãnh thổ’ của mình và giá sinh hoạt nơi đó ra sao, hay thậm chí khi đi ăn uống hoặc dùng một dịch vụ gì ngay nơi mình ở. Có thế, chúng ta mới biết mình đang ở đâu, ăn gì, dùng dịch vụ gì, để tránh bớt những sự bất ngờ đáng tiếc xảy ra.
Tôi cũng thấy có nhiều bạn nói: "Nếu chê quán bán quá đắt thì về nhà tự nấu mà ăn hay mua ổ bánh mì vừa đi vừa “chén” cũng xong". Chính xác! Điều đó cũng rất đúng và tôi có thể làm được những chuyện đó, không sợ phải “tự nấu mà ăn”.
Vì bên Mỹ, người dân phần đông thường sống rất tự lập, không quan liêu, không ỷ lại người khác, hơn nữa việc mướn người làm không đơn giản và rẻ như ở Việt Nam ta. Dù có rất nhiều người có đủ điều kiện nhưng họ vẫn tự mình sắp xếp dọn dẹp trong nhà, nấu nướng. Sau khi đi làm về, vợ chồng phụ giúp lẫn nhau, không có việc “nấu ăn, rửa chén là việc của đàn bà” nên rất ít người cần phải mướn người giúp việc.
Còn những quán ăn mà họ thấy không bằng lòng, thấy bán mắc, kém chất lượng không xứng đáng với số tiền họ bỏ ra, họ sẽ không đến lần thứ hai.
Thực ra những người mở tiệm, họ cần phải có khách hàng mới sống được, còn người dân không ăn ở nhà hàng đó thì ăn ở nhà hàng khác hay ăn ở nhà, cùng lắm thì ăn đồ đông lạnh, có khi còn ngon những món nấu tươi của một vài nhà hàng.
Nói vậy không có nghĩa là chúng tôi phủ nhận công lao của những người làm ăn lương thiện khi họ phải thức khuya, dậy sớm bán hàng, phục vụ để giúp cho cuộc sống của chúng ta được dể dàng hơn, khi chúng ta không có thời giờ để tự giải quyết vấn đề nấu nướng.
Tóm lại, người tiêu dùng luôn có sự lựa chọn hơn người làm kinh doanh, vì không ăn ở ngoài thì ăn ở nhà, không ăn chỗ này thì ăn chỗ khác, không cần phải đợi để bị nhắc nhở là không thích thì đi chỗ khác.
Còn đối với những người làm ăn không lương thiện, không rõ ràng hay nói không cần khách hàng, hay làm ăn bất chính thì họ chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là phải dẹp tiệm. Vì có ai mở tiệm mà không cần khách hàng?
Vậy cách để bảo vệ cho chính bản thân mình là chúng ta nên biết cảm nhận được công lao và sự khó nhọc của những người làm ăn lương thiện, để khuyến khích, ủng hộ họ bằng cách đến ăn quán họ. Cũng từ đó để tẩy chay những loại hình kinh doanh, dịch vụ không lành mạnh.
Làm như thế thì họ sẽ không còn đất để “dụng võ". Vì nếu chúng ta làm ngơ là chúng ta đang chấp nhận, tiếp tay cho họ tiếp tục “vung dao, múa kiếm” để “chặt chém” mình.
Với kinh nghiệm đã có, từ khi chúng tôi về Sài Gòn (đã được hơn 3 tháng, hiện đang ở tại quân 1) chúng tôi thực sự đã cảm nhận được những dịch vụ tốt, vừa ý và không bị "chặt chém".
>> Xem thêm: Tiệc hải sản 10 người chỉ 1 triệu đồng
Tran
Chia sẻ bài viết về kinh nghiệm đối phó nạn "chặt chém" của bạn tại đây.