Thứ sáu, 22/11/2024
Thứ sáu, 17/1/2020, 14:16 (GMT+7)

Thả cá chép xuống sông cổ ở Hoàng thành Thăng Long

UBND TP Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội tái hiện tục thả cá chép, dựng cây nêu ngày ông Công ông Táo.

Nghi thức thả cá chép vào ngày Tết ông Công ông Táo được chuẩn bị kỹ lưỡng, đội ngũ tham gia đều mặc áo dài, đầu đội khăn xếp. 

10h tại cung cấm, chủ lễ bắt đầu nghi thức cúng cá chép. Chiếc chậu đồng đựng cá được rước đặt trước bàn lễ.

Năm con cá chép đỏ sau khi cúng lễ được rước ra sông cổ để phóng sinh.

Đoàn rước di chuyển từ số 9 Hoàng Diệu sang khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu.

Đoàn rước đi qua khu khảo cổ, nơi có nhiều di tích được trưng bày lộ thiên. Di tích 18 Hoàng Diệu rộng 45.530 m2, diện tích khai quật khoảng 19.000 m2, được chia làm 4 khu A, B, C, D.

Giữa khu A và B là dấu tích dòng sông cổ được đào vào thời Lê Sơ. Nơi đây được chọn để phóng sinh cá chép sau khi làm lễ cúng ông Công ông Táo.

Đoàn hành lễ thực hiện nghi thức thả cá tiễn ông Táo về trời tại dòng sông cổ.

Nghi thức dựng cây nêu sau đó diễn ra tại sân của Trung tâm Hoàng Thành. Theo phong tục, hàng năm cây nêu được dựng lên tại đây để đánh dấu giao thời năm cũ sang năm mới (hay còn gọi là Tống cựu nghênh tân) cầu quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, đất nước thịnh vượng. Bởi Hoàng thành Thăng Long là nơi 52 vị vua từng cư ngụ. 

Cây nêu được treo đồng tiền, con vật, chuông... làm bằng đất nung. Ngoài ra còn có thóc, gạo, cung tên, muối trắng...

Theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, việc nghiên cứu, tái hiện các nghi thức truyền thống trong cung đình và dân gian dịp Tết Nguyên đán tại Hoàng thành Thăng Long nhằm gìn giữ nét văn hóa truyền thống trong không gian di sản.

Ngọc Thành