Có mặt tại hội trường từ rất sớm, ông Nguyễn Công Trình trong bộ đồ trịnh trọng khác với ngày thường, ngồi một góc trầm ngâm. Người đàn ông 70 tuổi chốc chốc lại nhìn lên khán đài, không giấu được vẻ mong chờ, nôn nóng.
Là bí thư Nông trường Yên Mỹ (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) từ những năm 1987, sau đó nghỉ hưu, lần trở về nông trường khiến ông không khỏi bất ngờ trước sự rộn rã so với vẻ yên bình vốn có. Hàng trăm người dân nô nức đến xem lễ khởi công dự án trang trại bò sữa công nghệ cao. Mảnh đất nơi ông Trình từng gắn bó cả thập kỷ, sắp sửa có dấu mốc mới.
"Nông trường Yên Mỹ chính thức hoạt động dưới sở hữu của Nhà nước vào ngày 25/10/1955, cũng là giai đoạn Việt Nam bắt tay xây dựng nền móng cho nền kinh tế độc lập tự chủ, sau gần một thế kỷ thuộc địa, hơn một thập kỷ chiến tranh" – ông Trình hồi tưởng. Gần 10 năm làm bí thư tại nông trường, tính từ năm 1987 đến 1995, ông chứng kiến từng bước chuyển mình tại đây, từ giai đoạn trồng cà phê khi còn là thuộc địa của Pháp, tới chuyển sang các loại cây trồng khác như chè, cao su, mía.
Và hôm nay, nông trường của ông chuẩn bị sang trang.
Dự án cụm trang trại bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao của tập đoàn TH tại Yên Mỹ, Nông Cống, Thanh Hóa khởi công chiều ngày 8/5, với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nhiều lãnh đạo, đại diện bộ, ngành và sự chào đón hân hoan của người dân địa phương.
Với tổng mức đầu tư 3.800 tỷ đồng, quy mô 20.000 con tại hai cụm trang trại tại xã Yên Mỹ và xã Công Bình (huyện Nông Cống, Thanh Hóa), đây là dự án nông nghiệp lớn đột phá về quy mô, công nghệ và mô hình sản xuất tại tỉnh. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo diện mạo mới cho ngành nông nghiệp, chăn nuôi, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương.
Sau 10 năm triển khai thành công tại Nghệ An, TH tiếp tục nhân rộng những thành tựu chăn nuôi bò sữa trang trại, chăn nuôi tập trung công nghệ cao trên toàn quốc. Thanh Hóa là điểm đến tiếp theo của tập đoàn.
"Bà con sẽ không phải đi một mình mà có hợp tác xã đồng hành để nối kết doanh nghiệp, từ khâu bao tiêu sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, cung cấp thức ăn chăn nuôi, thu mua ... để tạo nên những ly sữa đồng nhất, nhằm hướng tới hai mục tiêu là phục vụ sức khỏe của cộng đồng và xuất khẩu", bà Thái Hương - Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH phát biểu tại sự kiện khởi công.
Sau Nghệ An, Phú Yên, Hà Giang, dự án Chăn nuôi bò sữa và Chế biến sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao tại xã Yên Mỹ và xã Công Bình là bước tiếp theo của lộ trình tạo dựng bản đồ sữa TH trải dài theo đất nước, để tới năm 2025, tổng đàn bò tại các trang trại tập trung của tập đoàn TH ở Việt Nam sẽ đạt 200.000 con.
Với mô hình chăn nuôi bò sữa ứng dụng khoa học công nghệ và khoa học quản trị 4.0, nông trường Yên Mỹ rộng hơn 1.300 hecta sẽ "lột xác" thành cụm trang trại bò sữa tự chủ hoàn toàn nguồn nguyên liệu tươi sạch và chế biến sữa theo chuỗi khép kín, được kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu.
Ở trang trại TH, các "cô bò" được chăm bẵm, tắm mát, nghe nhạc cổ điển để tiết ra dòng sữa ngọt ngào. Theo lý giải của những người chăm sóc, bò sữa vốn dĩ rất nhạy cảm, chỉ cần một tác động nặng lời, hoảng sợ, lo âu là ảnh hưởng tới chất và lượng sữa. Thức ăn gồm 15-16 loại ủ chua đa dạng như ngô, cao lương, hoa hướng dương. Nước uống phải là nước tinh khiết.
Những cô bò được làm mát bằng hệ thống chuồng trại chuyên biệt, hệ thống quạt phun sương công nghệ cao... để khắc chế ảnh hưởng của thời tiết.
Đặc biệt, bò được gắn chip điện tử để người chăm sóc có thể theo dõi tình hình sức khỏe, thú y, động dục của vật nuôi qua máy tính, smartphone. Nhờ con chip này, bệnh viêm vú ở đàn bò được phát hiện từ sớm (trước 4 – 7 ngày) để cách ly.
Hệ thống chuồng trại tại đây được thiết kế khoa học, đồng bộ từ quy trình chống sốc nhiệt mùa hè, chế ngự cái nắng nóng của gió lào, giữ ấm mùa đông. Nền chuồng đúng tiêu chuẩn êm, sạch chống bệnh viêm móng và tạo sự thoải mái cho các cô bò sữa.
Bộ máy trong quy trình sản xuất cũng hướng tới 4.0, như ứng dụng thông minh đo độ ẩm trên những cánh đồng. Với cánh tay tưới vươn xa 450m, hệ thống hoàn toàn tự động điều chỉnh nhịp độ cung cấp nước, điều phối toàn bộ hệ thống trang trại rộng lớn. Điều này có thể chế ngự thiên nhiên khắc nghiệt của vùng nhiệt đới, phát huy lợi thế, tiềm năng thiên nhiên.
Vấn đề môi trường cũng được Tập đoàn TH quan tâm đặc biệt. Ông Ngô Minh Hải – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH khẳng định: "Khi xây dựng nông trại ngay trên khu vực hồ Yên Mỹ, bài toán chúng tôi giải quyết đầu tiên là vấn đề xử lý nước thải và bảo vệ môi trường xung quanh nhằm có những giải pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước tại khu vực, phát triển bền vững".
Hiện hệ thống chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa của TH áp dụng nhiều mô hình từ quốc tế, như quản lý đàn bò của Afimilk (Israel), quản trị thú y của Totally Vets (New Zealand), quản trị tài chính SAP của Cộng hòa Liên bang Đức.
"Bò sữa là một trong 5 nhóm sản phẩm chăn nuôi chủ lực của tỉnh Thanh Hóa. Dự án sau khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng lớn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn bà con, đẩy nhanh quy trình chuyển đổi hóa nông nghiệp công nghệ cao trên toàn tỉnh", ông Nguyễn Đình Xứng - Phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh Thanh Hóa khẳng định.
Theo đó, cùng các dự án chăn nuôi bò sữa khác tại tỉnh, dự án của TH sẽ nâng số lượng bò sữa chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh lên trên 42.000 con, sản lượng sữa dự kiến cung cấp là 166 nghìn tấn mỗi năm.
Từ mảnh đất màu mỡ nhưng chưa phát huy hiệu quả kinh tế của nông trường Yên Mỹ hôm nay, ngày mai sẽ sản sinh ra những ly sữa Việt Nam, đủ tiêu chuẩn đi ra thế giới. Đại diện TH cho biết, ngoài trang trại tập trung công nghệ cao nơi bò được các nhân viên TH chăn nuôi, chăm sóc thì tại Yên Mỹ, TH cũng sẽ đồng hành với người nông dân nuôi bò.
Những hộ dân nuôi bò sữa, lần đầu tiên sẽ được TH đưa trở thành một mắt xích quan trọng trong quy trình chăn nuôi, sản xuất sữa tươi sạch công nghệ cao. Những công nghệ mà TH đã áp dụng cũng sẽ được ứng dụng trong các nông hộ, để đảm bảo những ly sữa từ bò của nông hộ sẽ có chất lượng quốc tế, đồng nhất về chất lượng với sữa từ trang trại tập trung của TH. Những sản phẩm của TH cũng như của người nông dân đã gia nhập quy trình công nghệ cao của TH thông qua mô hình hợp tác xã sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu ra các thị trường quốc tế khắt khe.
Đơn cử như với Trung Quốc. Tập đoàn TH là doanh nghiệp sữa xúc tiến và triển khai các hoạt động xuất khẩu sữa tươi chính ngạch vào Trung Quốc từ rất sớm. Ngày 25/4, tập đoàn TH đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược phát triển thị trường với đối tác Wuxi Jinqiao International Food City (đơn vị sở hữu trung tâm đầu mối hàng hóa lớn tại Trung Quốc) về phân phối các sản phẩm sữa tươi sạch mang thương hiệu TH true MILK tại Trung Quốc.
Theo bà Thái Hương, dự kiến đến năm 2025, số bò sữa mà tập đoàn TH đồng hành cùng nông dân thông qua mô hình Hợp tác xã công nghệ cao sẽ đạt khoảng 200.000 con, hướng tới chủ trương của Chính phủ "hành động quyết liệt vì nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, hướng về tiêu dùng, xuất khẩu".
"Cuộc sống của người dân rồi sẽ được thay đổi hoàn toàn nhờ công nghệ", Ông Trình không giấu được sự hứng khởi khi lần đầu tiên nghe đến khái niệm nuôi bò gắn chip, cho nghe nhạc giao hưởng, mô hình chăn nuôi bò sữa công nghệ cao.
"Công nghệ đã đáp ứng được đúng nguyện vọng, mong ước đổi thay của người dân nơi đây". Và Dự án Chăn nuôi bò sữa và Chế biến sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao tại nông trường Yên Mỹ, đã phần nào hiện thực hóa những điều không tưởng mà thế hệ của ông Trình và nhiều người dân mảnh đất này từng ao ước.