Công nghệ cao đã được công ty đưa vào để tạo ra một chuỗi hoàn toàn khép kín từ khâu chăn nuôi, vắt sữa đến chế biến sữa. Bò sữa được nuôi trong chuồng trại có điều hòa thời tiết theo từng giai đoạn phát triển cũng như theo nhu cầu của đàn bò chứ không phải chăn thả tự nhiên. Do đó, đàn bò có thể phát triển khỏe mạnh trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm của Việt Nam.
Tổng số lượng bò của TH theo kế hoạch dự án đạt 35.000 con vào năm 2013, sẽ tăng lên 137.000 con vào năm 2017, cung cấp khoảng 50% nguồn nguyên liệu sữa tươi của cả nước. Đến năm 2020, dự kiến đạt 203.000 con.
Giống bò sữa HF cao sản cùng quy trình nuôi dưỡng, chăm sóc và chế độ dinh dưỡng được áp dụng tại trang trại của TH đã cho sản lượng sữa mỗi con bò đạt tới 30-40 lít một ngày. Sản lượng cuối năm 2013 đạt gần 300 tấn sữa tươi một ngày sẽ tiếp tục tăng lên trong các năm tiếp theo.
Hiện cả nước có hai mô hình chăn nuôi bò sữa công nghệ cao là mô hình khép kín và mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân. Theo nhiều chuyên gia ngành chăn nuôi, rất khó để định hình một mô hình kinh doanh chủ chốt cho ngành bò sữa vì chưa đủ thời gian để khẳng định đâu là mô hình thực sự thành công.
Tuy nhiên TH đã phát triển mô hình khép kín từ sản xuất thức ăn, chế biến thức ăn đến nuôi cỏ cung cấp cho nhà máy. Với cách làm này, doanh nghiệp chủ động được cả về thức ăn, đàn bò sữa và chế biến đảm bảo chất lượng. Việc này đòi hỏi công ty phải có quy mô đất nuôi trồng tương đối lớn, tập trung việc nuôi bò gắn với chế biến thức ăn chăn nuôi và vệ sinh chăn nuôi để đưa ra thị trường những sản phẩm sữa chất lượng cao và đồng đều.
Theo bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH, cần có chính sách để doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao trong nông nghiệp được chuyển giao đất, đặc biệt là đất từ các nông lâm trường đang làm ăn kém hiệu quả, lãng phí nguồn lực tập trung, đồng thời thu hút lực lượng lao động tại chỗ, đào tạo lại để có thu nhập cao hơn.
"Khi doanh nghiệp được giao đất nông trường sẽ quản lý hiệu quả, tạo điều kiện ổn định việc làm cho cán bộ công nhân viên nông trường và cả con em họ. Đến năm 2020, TH true MILK đảm bảo cung ứng tới 50% sản lượng sữa tươi sạch thay vì 15% sản lượng như hiện nay", bà Hương chia sẻ.
Theo số liệu của Hiệp hội sữa Việt Nam, đến năm 2012, thị trường sữa Việt Nam đạt giá trị 2 tỷ USD, trong đó có tới 1 tỷ USD là nhập khẩu, số còn lại chia đều cho các doanh nghiệp sữa trong nước. Các doanh nghiệp trong nước cũng chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu thị trường, 70% còn lại là sữa bột nhập rồi hoàn nguyên thành sữa nước. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm trong khi Việt Nam tiếp tục là một thị trường tiêu thụ sữa có tốc độ tăng trưởng 15-20% một năm.
Minh Trí