"Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh" là những yếu tố không thể thiếu trong cái Tết cổ truyền của người Việt Nam. Nhưng ngày nay, những quan niệm đó không còn sâu sắc, các phong tục tập quán từ xưa đang nhạt dần. Nhiều người không còn háo hức chờ đón Tết như trước đây.
![Tết xưa và nay qua chương trình Ký ức Việt Nam](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2019/02/01/1188498940-w500-3271-1548993747.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VJqKuK1q2Nm8WmGK4OkIUg)
Chợ Tết xưa không quá nhiều mặt hàng như hiện nay nhưng vẫn luôn tấp nập, đông vui. Nguồn: Internet.
Với mong muốn làm "sống dậy" ký ức xưa của người Việt, Đài Truyền hình Việt Nam đã ra mắt dự án cùng tên Ký ức Việt Nam. Chương trình được kỳ vọng sẽ là biểu tượng của tinh thần dân tộc của người Việt thời hiện đại, góp phần gìn giữ và lan toả những giá trị văn hoá truyền thống, những giá trị mãi trường tồn qua thời gian.
Trong chương trình Ký ức Việt Nam, những người lớn tuổi sẽ có cơ hội hồi tưởng lại cái Tết nhiều lo toan, bận rộn nhưng háo hức ngày xưa, còn các em nhỏ phần nào hiểu được cái Tết thiếu thốn nhưng vui vẻ, đầm ấm khi xưa của bố mẹ, ông bà.
![Tết xưa và nay qua chương trình Ký ức Việt Nam - 1](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2019/02/01/380449416-w500-5145-1548993747.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Z-t2lCQAbL91a20Q10AI3Q)
Trong khi người lớn bận rộn đón Tết, trẻ em háo hức vui đùa. Nguồn: Internet.
Những thước phim tư liệu sẽ đưa khán giả trở lại Tết xưa với hình ảnh chợ luôn tấp nập nhưng kèm theo đó cũng là nỗi lo toan kéo dài suốt cả năm trời. Vào tháng Giêng, các bà mẹ nông thôn thường ra vườn dặm những bụi dong để Tết có lá gói bánh chưng.
Đến tháng ba, thời tiết ấm dần thì lo ấp mấy đàn gà con để Tết làm thịt hay bán đi để mua quần áo mới cho lũ trẻ. Vào mùa gặt tháng 9, 10, họ dành ra một ít gạo, đậu ngon để Tết gói bánh chưng. Đến đầu tháng Chạp lại tất bật với vại dưa vại hành rồi từ sau lễ tiễn ông Công ông Táo thì "luôn tay luôn chân" với chợ búa sắm sửa, dọn dẹp nhà cửa.
Những bà mẹ ở thành thị cũng không kém phần bận rộn, họ chờ những con gà, con ngan được người thân ở quê gửi lên, biếu tặng. Những phiếu thịt phiếu đường cũng được tính toán chi tiết để Tết lũ trẻ ăn uống ngon lành, tươm tất.
Trong những ngày giáp Tết, mọi nhà bắt đầu thịt lợn, thịt gà. Các mẹ, các chị lo vo gạo nếp và đãi đỗ, ngâm để sáng 30 sẽ gói bánh chưng. Thời xưa, gạo nếp và đỗ xanh thường được các bà, các mẹ tích luỹ sau vụ gặt, hạt nếp phải trắng tinh, tròn mẩy được cất trong chum. Đỗ xanh thường được để cẩn thận trong những chiếc lọ sành. Đến sáng tinh mơ ngày cuối năm, khi tiếng gà gáy vang, lũ trẻ còn đang ngủ vùi trong chăn ấm thì các bà, các mẹ, các cô gái mới lớn đã lục tục ngồi gói bánh chưng.
![Tết xưa và nay qua chương trình Ký ức Việt Nam - 2](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2019/02/01/926183994-w500-3241-1548993748.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MP0ZsmyyvSA_JVSgBnLwkg)
Trẻ con xưa đốt pháo chào đón Tết. Nguồn: Internet.
Chiều 30 Tết, mọi nhà đều có nồi bánh chưng luộc để dâng lên tổ tiên. Gia đình có trẻ con còn gói riêng những chiếc bánh nhỏ, từ chút gạo, thịt thừa cho con trẻ khỏi háo hức. Ngoài ra, Tết xưa không thể quên mua các món bắt buộc như măng khô, miến, mộc nhĩ, nấm hương, mắm, muối, hạt tiêu... để phục vụ mâm cỗ 3 ngày Tết.
Cũng trong chiều 30, các nghĩa trang nhộn nhịp người ra thắp hương để "mời các cụ về nhà ăn Tết". Ở nhà, các bà các mẹ đã lo bữa cỗ Tết đầu tiên đủ đầy. Lũ trẻ được tắm rửa sạch sẽ, hăng hái treo pháo ở góc nào đó trong sân, chỉ chờ thày u thắp hương là xúm vào đốt pháo. Đó chính là những tiếng pháo đầu tiên báo hiệu một năm mới sắp đến.
Đêm giao thừa, ngoài tiếng pháo nổ vang trời sẽ là tiếng trống thình thình trên các đình, đền. Nhà nào cũng sắm một mâm lễ, thường là gà luộc, rượu, cau trầu, xôi nếp... rồi bê lên đình làm lễ cầu cho gia đình một năm mới bình yên, may mắn, cả gia đình quây quần bên nhau. Sáng mùng một Tết, lũ trẻ háo hức được mặc quần áo mới, chờ người lớn mừng tuổi đầu năm, háo hức được thưởng thức những món yêu thích mà có lẽ chỉ có Tết mới được ăn như mứt, bánh kẹo, mâm cỗ ngày đầu năm được dọn lên, cả nhà nói chuyện vui vẻ và cùng thưởng thức những món ngon.
Những thước phim tư liệu "sống" ấy, không chỉ là một mảnh ghép đặc biệt tạo nên cuộc đời các thế hệ đi trước, mà còn là sợi dây vô hình gắn kết con người Việt mọi thời đại, tạo nên một tình yêu lớn. Đó là mục đích nhân văn của Ký ức Việt Nam nhằm gắn kết tình yêu thương gia đình, truyền cảm hứng, khơi dậy tình yêu đất nước và xây dựng một cộng đồng những người yêu sử Việt.
Ký ức Việt Nam gồm 1.510 phóng sự truyền hình với 6.000 phút phim màu về đất nước, con người những năm 1964 - 1981. Phim nằm trong kho phim tư liệu thời chiến tranh của Hãng truyền hình Nhật Bản NDN và đã được Đài truyền hình Việt Nam VTV mua bản quyền. Chương trình được phát sóng vào 21h, thứ 2, 4, 6 hàng tuần, trên VTV News và các nền tảng số của VTV, bắt đầu từ ngày 18/1.
Hải My