Là nơi đóng đô của triều đại phong kiến cuối cùng, tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là các lễ nghi của ngày Tết cổ truyền. VnExpress có cuộc phỏng vấn tiến sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế xung quanh chủ đề này.
- Thưa ông, tết cổ truyền ở Huế ngày xưa diễn ra như thế nào, nhất là chốn cung đình triều Nguyễn?
- Tết ngày xưa theo quan niệm của ông bà mình là kết thúc một vòng quay, chu trình của vũ trụ trong thế giới tự nhiên sau 365 ngày. Tết có cả hai ý nghĩa là sự khép lại một chu kỳ tự nhiên và mở ra chu kỳ mới. Do đó, đây thường là dịp người ta đánh giá, nhìn nhận lại thành quả của một năm, cả sự may mắn, hên xui, đồng thời chuẩn bị cho một năm mới với mong ước tốt đẹp, may mắn hơn, đạt nhiều thành công hơn.
Đối với người Việt Nam, Tết cũng là dịp gia đình sum họp, con cháu tề tựu về đông đủ. Mọi người nghỉ ngơi, chia sẻ với nhau thông tin, tâm sự một năm qua. Trước Tết, con cháu thường cùng nhau đi tảo mộ thắp hương cho ông bà, thể hiện tấm lòng và sự biết ơn đối với tổ tiên, cùng nhau hướng về nguồn cội. Bởi vậy, Tết có ý nghĩa rất thiêng liêng trong đời sống tinh thần, nó chính là một nhân tố hết sức cần thiết để người Việt Nam gắn bó với nhau hơn.
Thật ra, tết cổ truyền của người Huế cũng mang những đặc điểm chung của người Việt Nam, song Huế là kinh đô cuối cùng của chế độ quân chủ nên việc đón Tết cổ truyền của người Huế vẫn ít nhiều mang ảnh hưởng phong vị của chốn cung đình thời Nguyễn. Việc chuẩn bị cho Tết của người Huế công phu và đầy đủ hơn so với những nơi khác. Các món ăn chuẩn bị Tết của người Huế được làm rất cầu kỳ và tinh tế. Bên cạnh đó, truyền thống của người Huế vốn coi trọng tổ tiên, nhiều người giữ thói quen dành ngày đầu tiên của năm mới để đi viếng mộ tổ tiên và người thân. Đó là một phong tục rất đẹp.
Trong cung đình triều Nguyễn xưa, vua quan thường tổ chức lễ dựng nêu (lễ Thướng tiêu) vào ngày 23 tháng Chạp. Theo quan niệm truyền thống, đây là ngày đưa ông Táo về trời để trình báo công việc năm qua dưới trần gian. Bởi vậy, dựng nêu cũng là sự đánh dấu kết thúc một năm làm việc. Ngày tết bắt đầu được báo hiệu từ ngọn nêu trong cung, "tết từ trong ấy ban ra", và theo đó nhà nhà mới nô nức dựng nêu đón tết. Huế là nơi tập trung rất đông đội ngũ quan lại, thân vương quý tộc nên lễ tết càng mang đậm bản sắc của văn hóa cung đình, từ nghi thức tập quán đến ăn uống ẩm thực...
Ngày tết trong chốn cung đình người ta coi trọng phần lễ hơn phần hội mà nổi bật là các nghi lễ thờ cúng tổ tiên ở các miếu và lăng tẩm hoàng gia. Đây là thời gian hương đèn nghi ngút cả ngày lẫn đêm trong các miếu thờ.
Triều Nguyễn đặc biệt quan tâm đến việc cúng bái tổ tiên và có quy định rõ ràng về việc dâng phẩm vật, hương đèn cho các miếu thờ. Vào sáng ngày mùng Một, triều đình làm lễ triều hạ, nhà vua lên ngai vàng ở điện Thái Hòa để bá quan văn võ chúc tụng. Sau lễ, nhà vua ban lộc cho mọi người.
-Thưa ông, Tết cổ truyền ở Huế ngày nay có gì khác biệt so với trước?
- Trong thời kỳ hội nhập, cũng như nhiều nơi khác, Huế chịu ảnh hưởng của yếu tố văn hóa mới khiến cái cũ mất đi hoặc phôi pha. Mâm cỗ ngày tết của người Huế đã có sự thay đổi, có những món ăn mới, rượu tây, bia ngoại, một số loại bánh mứt truyền thống nay đã không còn hoặc rất ít thấy.
Ngày nay, người dân đã sử dụng thức ăn, thức uống từ phương Tây để dùng trong ngày Tết, đó là xu hướng thay đổi tất yếu của xã hội. Thay vì uống rượu cổ truyền, thay vì uống trà nhiều người lại uống rượu tây, uống bia, đó là cái khác biệt. Tuy nhiên, đó chỉ sự thay đổi hình thức bên ngoài, còn cái chiều sâu bên trong, tết là dịp sum họp đoàn viên, hướng về tổ tiên, hướng về các mối quan hệ gắn kết gia đình, đó là cái Huế đang giữ tốt nhất. Bởi vậy, mặc dù có sự thay đổi nhưng Huế vẫn gắn bó với truyền thống và dựa trên nền tảng của di sản truyền thống để phát triển.
- Là nhà nghiên cứu văn hoá, ông nhận xét như thế nào về những thay đổi trong cách người Huế ăn tết cổ truyền?
- Tùy theo cách nhìn mà mỗi người có thể nhận xét sự thay đổi của tết xưa so với nay là tốt hay xấu. Với tôi, sự phát triển theo thời gian là xu thế tất yếu và hợp lý, tuy nhiên cũng có những cái chưa phù hợp, thậm chí là rất đáng tiếc. Huế là cố đô nên mang đặc tính tương đối bảo thủ, chậm thay đổi, chậm tiếp nhận cái mới, nhờ vậy nhiều yếu tố truyền thống của Huế vẫn giữ được theo thời gian; các yếu tố mới du nhập vào Huế sẽ được chọn lọc, giúp hạn chế khá nhiều điều không phù hợp.
Những thay đổi của văn hóa Huế, bao gồm cả phong tục lễ tết là xu thế tất yếu, không có xã hội nào cưỡng lại được. Ngay như một quốc gia giữ được truyền thống rất tốt như Nhật Bản thì người ta vẫn tiếp nhận những yếu tố mới, hiện đại. Vấn đề là giữa cái cũ và cái mới làm sao phải hài hòa và có lợi cho cộng đồng, cho sự phát triển.
Đối với Huế, tôi cảm thấy tiếc nuối khi một số phong tục truyền thống đã mất đi hoặc phai nhạt, chẳng hạn trong nghệ thuật ẩm thực, Huế đã thất truyền nhiều món ăn vốn được làm cho ngày tết, nhất là một số món mứt bánh cung đình.
Ngày nay, do cuộc sống mưu sinh vội vã, nhiều gia đình đã không còn chuẩn bị các món ăn truyền thống để đón Tết mà đi mua sắm bên ngoài. Các món ăn của Huế phải được chuẩn bị và chế biến rất cầu kỳ, mất nhiều thời gian.
- Có ý kiến cho rằng nên bỏ tết cổ truyền hoặc ghép chung tết cổ truyền vào tết dương lịch, ông nghĩ sao?
- Như tôi đã nói, ngày tết ở Việt Nam rất quan trọng vì tết là dịp các gia đình đoàn viên, sum họp sau một năm mưu sinh vất vả. Tôi cho rằng đề xuất bỏ tết âm lịch hoặc nhập chung vào với tết dương lịch là ý kiến chưa được cân nhắc thấu đáo và hơi cực đoan. Người ta mới chỉ nhìn ở khía cạnh hạn chế của lễ tết, vì cho rằng thời gian nghỉ dài, ăn chơi nhiều quá, lãng phí nhiều thứ... song đó chỉ là một khía cạnh thôi.
Nhìn xuyên qua những hạn chế đó ta sẽ thấy cái Tết cổ truyền là rất cần thiết cho đời sống tinh thần của người Việt. Tết là dịp để xây dựng, củng cố quan hệ gia đình, gia tộc, cả cộng đồng cùng hướng về tổ tiên, về cội nguồn, từ đó nền tảng văn hóa của dân tộc được củng cố, sức mạnh dân tộc được bồi đắp. Đó cũng là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của một dân tộc, một đất nước.
Những năm qua, bên cạnh công tác bảo tồn, trùng tu các di tích, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế còn nỗ lực phục hồi các giá trị văn hóa phi vật thể như nhã nhạc, lễ dựng nêu, lễ tế Giao, tế Xã Tắc, tế Âm hồn... nhằm phục hồi những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, đậm chất Huế.
Hiện nay, Huế đang xây dựng thương hiệu Kinh đô ẩm thực, Trung tâm cũng nỗ lực nghiên cứu, phục hồi lại một số món ăn cung đình tiêu biểu cho nghệ thuật ẩm thực Huế. "Đó là những món ăn không chỉ được chế biến rất cầu kỳ, công phu mà còn mang những giá trị văn hóa rất cao", TS Phan Thanh Hải cho biết.