Đêm qua mơ giấc xuân dịu dàng
Mai vàng đào thắm đón mùa sang
Kìa bánh chưng xanh, hạt dưa đỏ
Kìa trẻ thơ, vui đón xuân về
Đêm qua mơ bếp lửa xum vầy
Má hây hây, ửng hồng chờ đón bánh
Chợt nghe sao thấy lòng quạnh vắng
Xuân về rồi, con vẫn còn xa quê
![cánh đồng ngô sau nhà](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/04/10899624-870256193032286-89953-9096-5987-1423035502.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UsSVAB82wudYjkg9ywl7EA)
Cánh đồng ngô sau nhà.
Xuân về rồi, cái lạnh của trời đông dường như cũng vơi đi phần nào. Khắp phố phường người ta rộn ràng bán mua, người đi mua sắm, kẻ đón chào khách ghé qua. Phía bên vài shop quần áo vê đường là những đứa trẻ được ba mẹ dẫn đi mua đồ Tết, nhìn chúng trong tôi bỗng hiện cái Tết những năm khi tôi còn bé.
Ngày ấy gia đình tôi còn khó lắm, quần áo của anh em chúng tôi mặc phần lớn là của anh em họ cho, rồi đứa lớn nhường lại cho đứa nhỏ hơn, và khi tết về mẹ đều cố gắng sắm cho chúng tôi một bộ quần áo mới theo đúng nghĩa. Mỗi độ gần Tết, thi thoảng mẹ lại mua một túi bánh kẹo mang về cất vào tủ. Tôi chưa từng thắc mắc tại sao mẹ không mua nhiều bánh kẹo như người ta, sao không mua nhiều quần áo đẹp cho chúng tôi như ba mẹ của những đứa trẻ khác hay làm. Bởi tôi hiểu, chỉ nhờ vào ghánh rau hằng ngày mẹ mang ra chợ, thì những thứ chúng tôi nhận được là quá đủ.
![ngọn lửa sum vầy ngày Tết](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/04/10949799-870256303032275-50625-1227-4058-1423035502.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5pdrsa79EhhIvxNW1ewtiQ)
Ngọn lửa sum vầy ngày Tết.
Những ngày cận Tết, để chuẩn bị cho việc gói bánh tét tôi hay theo anh hai đi rọc lá chuối quanh nhà và trên rẫy, anh hai rọc lá còn tôi xếp chúng vào bao cho gọn và không bị rách lá. Nhiệm vụ của tôi khi về nhà là phơi lá cho héo để dễ gói bánh rồi sau đó mang vào nhà lau sạch, anh tôi thì phụ mẹ vo gạo nếp để làm bánh. Đến công việc mà tôi thích nhất: gói bánh tét. Nói thế thôi chứ tôi chẳng làm gì được ngoài việc tạo thêm "công ăn việc làm" cho mọi người cả. Cũng chen vô xin mẹ gói bánh như anh chị nhưng có cái nào ra hình bánh đâu, mà có đi nữa cũng chẳng thể nào gọi cái mớ lá chuối cuộn nếp đổ từ trong ra ngoài là bánh được.
Ba hay la tôi "quậy" còn mẹ thì cười bảo "để nó làm cho quen". Vào những ngày cuối năm trời thường hơi lạnh nên cái việc ngồi quanh bếp lửa hồng thật chẳng gì bằng. Cả gia đình ngồi với nhau, mẹ kể cho tôi nghe những câu chuyện thời thơ ấu, về cuộc sống trong chiến tranh loạn lạc. Đôi lúc tôi ngâm nga theo khi ba bắt đầu hát những bài nhạc xưa mà tôi chẳng biết tên.
Đêm ba mươi, đêm cuối cùng kết lại sau một năm dài đằng đẵng, ba mẹ chuẩn bị mâm cơm cúng ông bà tổ tiên, anh em chúng tôi loay hoay với xâu "pháo hạt bưởi" chờ giao thừa, mùi nhang thoảng thoảng càng làm tôi náo nức trong lòng. Có tiếng pháo bắt đầu vang lên, có tiếng vỗ tay ở đâu đó khi một góc trời chợt sáng, xóm nhỏ yên ắng bỗng chốc hóa rộn ràng, khắp nơi người ta chúc nhau một năm mới an lành, hạnh phúc. Giao thừa rồi, Tết rồi.
![những ngày gần kề TẾT phụ mẹ chăm sóc những đám rau](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/04/10943564-870256593032246-99807-3834-5084-1423035502.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vTX3qgJYO2QFYu-HSFwNOg)
Những ngày gần kề Tết phụ mẹ chăm sóc những đám rau.
Thế rồi nhiều cái Tết đi qua, anh em chúng tôi cũng đã trưởng thành và cuộc sống gia đình cũng đã được cải thiện hơn, mọi thứ trong nhà cũng đầy đủ hơn nhưng dường như Tết chẳng còn như xưa nữa. Cuộc sống hối hả cứ xoay, chẳng còn cái không khí rộn ràng như xưa, chẳng còn mấy cái cảnh cả gia đình ngồi bên bếp lửa hồng chờ bánh chín. Trẻ con bây giờ cũng chẳng trong đợi tết như xưa nữa, đối với chúng bây giờ chỉ như những ngày nghỉ phép được nhận lương mà thôi. Tôi nhớ Tết xưa, nhớ mùi hương Tết dịu nhẹ, nhớ cái cảnh gia đình quây quần bên nhau, nhớ từng đòn bánh tét nghi ngút khói lấy ra từ trong nồi. Tôi thấy nhớ - cái Tết của ngày xưa.
Nguyễn Thị Thu Hà
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Gửi bài dự thi tại đây. |