Chưa đầy một tuần nữa bước sang năm mới Mậu Tuất, tuy bận rộn công việc, vợ chồng ông Lữ, ở thành phố Cypress, thuộc quận Cam, bang California, vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để chuẩn bị cho một cái Tết xa quê hương trọn vẹn.
Sang Mỹ định cư đã 36 năm nay và lần ăn Tết ở Việt Nam gần nhất là từ cách đây 20 năm, nhưng Tết trong tâm thức của ông Lữ không chỉ là dịp tiễn năm cũ, đón năm mới mà đã trở thành một điều thiêng liêng biểu trưng cho văn hóa Việt, là cơ hội để dạy cho con cháu về truyền thống đẹp của quê cha đất mẹ và để cộng đồng người Việt xa xứ xích lại gần nhau.
"Thế nên, sau lễ Tạ ơn nặng bụng và lễ Giáng sinh nặng túi, chúng tôi vẫn xốn xang khi có cơ hội lớn để khép lại một mùa vui", ông Lữ chia sẻ với VnExpress. "Ông bà mình có câu: 'Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè. So sánh một cách khôi hài thì chúng tôi cũng được dịp mỗi năm 'ăn chơi' từ cuố́i tháng 11 cho đến tháng hai!".
Những ngày này, không khí Tết đã rất sôi động ở khắp quận Cam, nơi gia đình ông Lữ sinh sống. Các trung tâm thương mại tấp nập người mua kẻ bán. Bánh chưng, bánh tét, các loại mứt, bò khô, giò chả... chẳng thiếu thứ gì. Chợ hoa xuân cũng đã mở cửa đón khách đến tham quan, lựa chọn.
Vợ ông Lữ, bà Võ Lan, một cựu nhà giáo, rất thích trang trí nhà với hoa mai, hoa đào và mâm quả. Do các giống mai Việt Nam không sống được trong thời tiết lạnh ở Mỹ nên bà Lan cũng như nhiều người Việt khác phải dùng hoa mai Mỹ, có cành bé, dài, cánh hoa nhỏ, để thay thế.
"Tôi cũng dưỡng được vài cây mai cỏn con để gìn giữ truyền thống và kỷ niệm của bố tôi. Năm nào tôi cũng nhặt lá cho cây chờ Tết", ông Lữ cho hay.
Bà Lan cũng chuẩn bị rất nhiều món ngon cho Tết như tôm khô, củ kiệu, dưa hành, giò thủ, nhất là phải có bánh chưng và bánh tét để tượng trưng cho tình bắc duyên nam của hai vợ chồng.
Tết của gia đình ông Lữ là cái Tết xa nhà nhưng gần đồng hương. Ngày đầu năm mới, vợ chồng ông và hai con đến thăm nhà bạn bè người Việt, đi hội chợ, nghe pháo nổ tí tách trong tiếng trống lân rộn rã, quây quần chơi tôm cua cá bầu. Trẻ em thì háo hức được người lớn lì xì phong bao đỏ mừng tuổi. Không khí Tết tràn ngập khắp nơi.
Ông Lữ rất vui khi các con muốn học làm bánh chưng, thích mặc áo dài. Đó là cách thế hệ sau gìn giữ truyền thống tổ tiên và thể hiện niềm hãnh diện về văn hóa Việt Nam trên đất Mỹ.
"Không khí Tết ở đây dường như còn rộn ràng hơn ngày tôi ở Việt Nam. Có lẽ đi xa mới thấy quý", ông nói. "Nếu không còn Tết thì đó là một sự mất mát lớn. Chúng tôi cần có một ngày tôn vinh văn hóa Việt Nam nơi xa xứ cho mình và cộng đồng.
Anh Ngọc
Mời độc giả ở nước ngoài chia sẻ cảm xúc, ảnh, video về hoạt động đón Tết tới email: banthegioi.vnexpress@gmail.com. Email viết bằng tiếng Việt có dấu. |