Đây là cái Tết thứ hai ở Việt Nam của chàng trai Mexico 30 tuổi. Từ khi cưới vợ và sinh sống ở Thanh Hóa, Tết là dịp anh thấy kiệt sức nhất vì có quá nhiều hoạt động. Anh cùng vợ đi mua sắm, mất vài ngày để ngắm nghía chọn đào, quất rồi đi hỏi thăm, biếu quà tết họ hàng.
"Nghỉ lễ nhưng cả gia đình vợ tôi còn bận hơn ngày thường, mất cả tuần để lau dọn nhà cửa. Đến Tết cũng cúng bái, nấu hàng chục món cho mâm cỗ, quét dọn, ăn uống liên tục ba, bốn hôm", Roberto nói.
Chàng rể người Mexico nói "choáng" khi lần đầu ra mắt nhà vợ vào Tết năm ngoái. Để được công nhận là con cháu trong nhà, anh phải mời rượu tất cả. Mâm cơm được xếp trải dài, mọi người ngồi thành vòng tròn, đợi anh tới cụng ly và giới thiệu bản thân.
"Bữa tiệc hôm đó có gần 30 người. Vì chưa từng ăn, uống với nhiều người như thế trong một bữa nên tôi khá thấm mệt", Roberto cho biết.
Richard Peter, 41 tuổi, vẫn nhớ cú sốc hồi Tết 2021 khi thấy đoàn múa lân đột ngột mở cửa, tràn vào nhà ở quận 11, TP HCM. Họ nhảy múa, chúc mừng năm mới và được gia chủ tặng tiền trong khi chàng rể người Anh chưa hết hốt hoảng. "Ở Anh, việc tự ý vào nhà người khác là tối kỵ", anh nói. Nhưng với người Việt, Tết là dịp họ mở cửa và đón mọi người vào nhà.
Richard kết hôn năm 2020, sau đó chuyển đến ở rể gia đình ba thế hệ của Hồng Vân, 34 tuổi.
Năm đầu đón Tết ở Việt Nam, anh được tặng phong bao đỏ, nghĩ nó là "túi may mắn" của người Việt, không biết có tiền bên trong. Vài ngày sau, anh cũng mua bao lì xì trên đường đi làm về để tặng lại. "Cả nhà đã cười rất to khi nhận bao lì xì không", anh nhớ lại.
Anh cũng bắt đầu làm theo nhưng gặp khó khăn trong việc ghi nhớ các ngôi xưng. Trong tiếng Anh, xưng hô đơn giản nhưng tiếng Việt sẽ có anh, chị, em, chú, dì, cô, bác, ông, bà.
Dịp Tết, mọi người sẽ quây quần ở phòng khách hàng chục người. Dù Richard cố học thuộc cách xưng hô theo vị trí, độ tuổi, nhưng không tài nào nhớ hết tất cả.
Tuy nhiên, những buổi họp mặt gia đình giúp Peter cảm nhận rõ văn hóa Việt. Ở Anh, mọi người tập trung vào gia đình hạt nhân, gồm bố mẹ và con cái nhưng người Việt chú trọng cộng đồng. Họ đặc biệt quan trọng các nghi lễ cúng bái tổ tiên.
Richard và Roberto là những chàng rể Việt đã trải qua sốc văn hóa trong dịp Tết. Tờ Medium từng liệt kê ba trải nghiệm văn hóa người nước ngoài nên biết khi hẹn hò với phụ nữ châu Á, gồm được bạn trai/ bạn gái dẫn về ra mắt gia đình, đề cao cảm xúc cá nhân hơn tình cảm thể xác và tránh trao đổi chủ đề nhạy cảm hoặc các hành động thân mật trong những lần gặp đầu tiên.
Nhà nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết dịp Tết ở nhiều nước là thời gian nghỉ ngơi, đi du lịch chứ không đặt nặng văn hóa phong tục như ở Việt Nam. "Để tránh cho chồng/vợ người nước ngoài bị sốc văn hóa, đặc biệt dịp Tết, đối phương nên giới thiệu, cho xem qua hình ảnh video trước để họ bớt bỡ ngỡ", ông Trung nói.
"Kể cả khi người Việt lấy người nước ngoài cũng phải tìm hiểu văn hóa ở nước họ để làm tròn trách nhiệm của một người vợ/chồng", chuyên gia khuyến cáo.
Về việc ăn uống, nhậu nhẹt hay tham gia các hoạt động thờ cúng, chuyên gia Ngọc Trung cũng cho biết nên cho họ thích nghi từ từ, không ép buộc phải làm đúng mọi thủ tục bởi nhiều trường hợp sẽ sốc hoặc ám ảnh.
Na Eop Dong, 44 tuổi, ở tỉnh Nam Gyeongsang, Hàn Quốc, lấy vợ quê huyện Gò Quao, Kiên Giang hơn 10 năm nhưng ba năm nay anh mới ăn Tết Việt với gia đình vợ. Chàng trai Hàn Quốc cho biết đã nhiều lần du lịch Việt Nam nhưng phải làm rể mới hiểu rõ hơn về văn hóa nơi này.
Lần đầu ăn Tết năm 2022 ở Kiên Giang, vừa tới nơi, chàng trai ngạc nhiên khi điều đầu tiên phải làm vào thắp hương tổ tiên để xin phép được ngủ nhờ nhà vợ vài ngày Tết. "Vợ nói dù là chồng hay bạn bè từ xa tới đều phải xin phép người đã khuất trong gia đình", anh Eop Dong nói.
Vì muốn ra dáng rể Việt, lấy lòng cô dì chú bác, anh cũng mặc quần xà lỏn, áo phông, đội nón lá cùng mọi người đi chợ Tết. Ngỡ giao thông ở quê sẽ vắng vẻ hơn so với thành phố lớn như nhưng chàng trai "sốc" vì cảnh ùn ứ, hỗn loạn ở chợ. Đặc biệt ở các hàng hoa, hàng thịt, hàng trăm người chen chúc. Chàng rể người Hàn cũng ngạc nhiên khi đến Tết người Việt trang trí rất nhiều loài hoa rực rỡ, nhà vợ tôi mua hơn 35 chậu hoa cúc vạn thọ, cúc mâm xôi, mai đặt từ trong ra ngoài.
"Dù có nhiều điều bỡ ngỡ nhưng tôi thích nhất là cảnh cả làng cùng đốt pháo hoa, mọi người đều chạy ra ngõ cùng xem và reo hò, thấy rất ấm cúng", Eop Dong thừa nhận đây là thứ không thể có được khi ở Hàn Quốc.
Năm nay, chàng rể Hàn đã quen hơn với văn hóa ăn Tết. Ngày 25 tháng Chạp, anh đã có mặt để cùng gia đình vợ dọn dẹp, sắm sửa dịp Tết, chuẩn bị bao lì xì cho các cháu, cùng vợ đi làm từ thiện giúp các hoàn cảnh khó khăn ở quê.
"Bởi không thạo tiếng nên thấy người lớn làm gì tôi làm theo, tôi mong chờ đến Tết để được hát hò từ đêm đến sáng. Thấy may mắn khi được làm rể Việt", người đàn ông 44 tuổi nói.
Còn với Roberto, dù vẫn lạ lẫm nhưng điều anh thích nhất là khoảnh khắc vừa bật nhạc Tết với giai điệu sôi động vừa dọn nhà cùng gia đình vợ.
"Thật kì lạ khi nghe nhạc tôi như được tiếp sức để làm việc, cùng nhau dọn dẹp cũng là cách các thành viên gắn kết với nhau sau một năm", chàng rể người Mexico nói.
Nga Thanh - Ngọc Ngân