Tôi là thành viên của một đội tình nguyện. Công việc của chúng tôi là thăm hỏi và tặng quà cho người vô gia cư quanh ga Hà Nội và chân cầu Long Biên. Như thường lệ, hôm nay chúng tôi lại làm tiếp công việc của mình trước khi về nghỉ Tết. Những người vô gia cư chỉ đến khi đêm xuống, phố xá vắng queo thì họ mới tạm đặt đôi quang gánh mưu sinh xuống và ngủ. Giấc ngủ của họ chập chờn ở nơi mái hiên, gầm cầu. Chỉ một mảnh chăn rách tươm, vài tấm nilon cỡ lớn đủ để đắp lên người che đi cái lạnh giá của Hà Nội.
![ban-hang-rong-tren-pho-1423849178.jpg](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/15/ban-hang-rong-tren-pho-1423849178.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=irHcphwfPkTd72KW3dmGPg)
Hôm nay cũng vậy, tôi lên xe chuẩn bị về, đang miên man với dòng suy nghĩ của mình thì bất chợt nghe thấy tiếng rao: “Ai khoai nướng nào, khoai nướng đây”. Tiếng rao vọng lại từ đầu phố Lê Duẩn. Dài lê thê, não nề, tôi nghe mà nao cả lòng. Bỗng hẫng một nhịp, tôi nhớ lại cũng khoảng thời gian này năm ngoái, tôi gặp chị mà đến tận bây giờ vẫn có ấn tượng chẳng thể quên được.
Chị có dáng người dong dỏng, tôi không hỏi chị bao nhiêu tuổi nhưng nhìn thoáng qua tôi đoán chị cũng ngoài 35 rồi. Nước da xám ngoét nhăn nheo bị ánh đèn đường chiếu hắt vào lại càng thêm khắc khổ, quầng mắt thâm, những lọn tóc mái lưa thưa phủ xuống che đi một phần vầng trán cao của chị. Tôi nghe chị kể về người chồng mà trước đây, hồi còn trẻ chị yêu say đắm đến nỗi bỏ dở cả công việc yêu thích để vào Nam với anh. Rồi hai người cũng có một đám cưới. Những ngày đầu theo anh về chị bảo: “Hạnh phúc lắm em à, khổ mấy anh chị cũng nương tựa nhau được”.
Chị nhìn xa xăm lắm, rồi chị kể chị có mang đứa đầu lòng nhưng bị hỏng, gia đình lục đục từ đó. Sau đó một năm chị lại có và sinh ra một bé gái, nhưng số phận run rủi, em bé bị câm bẩm sinh. Chị bị chồng hắt hủi đuổi đi, chị bơ vơ giữa một nơi toàn người xa lạ. Tôi nghe tiếng chị nấc trong cổ họng mà không khỏi xót xa. Tôi cũng buồn cho chị, nhưng buồn hơn khi chị kể về chuyện mang đứa con tội nghiệp về quê mà không được đón nhận, chị cắn răng ứa nước mắt van nài cho con mình vào trại trẻ mồ côi.
![mot-hinh-anh-bat-gap-duoc-tron-7876-2567](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/15/mot-hinh-anh-bat-gap-duoc-tron-7876-2567-1423968175.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=sv6kGxWLiwtZ_giBBYAFfA)
Chị bỏ ra Hà Nội, đau đớn vì thương con lẫn xót thương cho bản thân mình. Chị bảo rằng chị không phải là người mẹ tốt, không có khả năng nuôi nổi con mình đành phải tha hương tứ xứ, tích cóp từng đồng từ buôn sắt vụn, buôn mớ rau, rồi làm đôi quang gánh đi bán khoai dạo. Những ngày gần Tết, rồi giao thừa, người ta ấm áp bên người thân gia đình, còn những người như chị vẫn phải quẩy gánh đi suốt đêm. Mệt thì nghỉ, mỏi thì dừng rồi lại đi, đi miết. Tôi thấy thương chị.
Câu hỏi của chị cứ làm tôi day dứt mãi: “Em hiểu Hà Nội được bao nhiêu, ở cái nơi này dù cho có bị hắt hủi vẫn phải cắn răng chịu đựng, những người như chị muốn được sống thì phải nuốt nước mắt vào trong thôi em ạ”. Tôi còn nhớ niềm khao khát lớn nhất của chị là được trở về đón lại đứa con mà chị đã dứt ruột bỏ lại. Cái Tết năm đó chị vẫn tha hương nơi đất khách, tha thiết muốn biết con chị thế nào, cuộc sống của chị sẽ ra sao. Tôi bần thần, khóc cho bao cảnh ngộ như chị. Bao giờ những người như chị mới được no đủ. Hạnh phúc với chị chẳng phải đơn giản lắm sao, chỉ cần có một mái ấm dù đói dù nghèo cũng được.
Chị bảo Tết rồi, chị nôn nao lắm không thể về quê, chẳng có nhiều tiền mà trang trải chi bằng ở lại luôn nơi này. Trong tâm thức chị chẳng định nghĩa nổi một chữ “Tết”. Một năm rồi, Tết cũng cận kề, giờ chị thế nào. Tôi khẽ gạt nước mắt. Nếu chị vẫn còn ở đấy thì sắp giao thừa rồi chị sẽ được ngắm pháo hoa và ước mơ cho những điều tốt đẹp của năm mới. Nhưng chị à, chị vẫn chỉ có một mình thôi sao?. Có ai đó từng nói: “Hà Nội không phải nơi để mơ. Có nhiều giấc mơ không thể lớn lên ở Hà Nội. Nhưng Hà Nội là nơi để chờ. Hà Nội là nơi để mong nhớ”. Tôi nhớ chị, không biết giờ này chị ra sao, đã về đoàn tụ với con mình chưa hay vẫn còn lang thang quẩy gánh hàng rong.
![giac-ngu-cua-nguoi-vo-gia-cu-1423849367.](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/15/giac-ngu-cua-nguoi-vo-gia-cu-1423849367.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UfNSVbvir5tKFkQKCAh5-Q)
Có những mảnh đời gắn bó với đôi gánh hàng rong, những nặng nợ của người tứ xứ bươn chải nơi đất khách, vẫn miệt mài trong giá rét để tích cóp từng đồng bạc, để mong có được điều ước là sống thanh thản và một cuộc sống bớt nhọc nhằn hơn.
Ước gì trong cái Tết này, những đôi vai cơ nhỡ khó khăn kia sẽ nhẹ hơn khi vào những giờ cuối của đêm giao thừa, họ về nhà với đôi quang gánh mới, tràn đầy niềm tin vào những bàn tay nhân ái, hào phóng mua giúp cho họ tất cả số hàng hóa ít ỏi còn lại.
Lê Thị Kim Lan
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Gửi bài dự thi tại đây. |