Thế nên mỗi độ xuân về, nó luôn nhớ lạ những cái Tết nghèo mà ấm áp của ngày xưa. 12 năm ăn Tết Sài Gòn. Mỗi năm cứ tầm độ 25 tháng chạp đến giao thừa, chạy xe ngoài phố thường bắt gặp những "thùng phuy" nấu bánh ven đường, không chỉ các khu hơi xa trung tâm, có không gian khá thoáng đãng, mà ngay cả góc vỉa hè nhỏ hẹp khu vực quận 1 nào đó cũng có. Chất đốt thường là những cây gỗ dầu hay ván ép, cộng thêm thùng phuy xung quanh có chất nhựa, ta nói khói đen khét lẹt. 12 năm, lần nào chạy ngang những "thùng phuy" như vậy nó cũng phì cười. Một chút gì đó vui vui. "Nấu bánh dã chiến", củi không ra củi, nồi chẳng ra nồi, lại chiếm dụng lề đường. Nhưng ít ra, xét về mặt tích cực, vẫn còn nhiều gia đình gìn giữ văn hoá Tết.
Thuở bé thơ, Tết với nó là những ngày hội quan trọng và vui vẻ nhất trong năm. Quê nó, xóm nó và nhà nó còn nghèo. Có lẽ vì nhiều cái nghèo cộng lại nên chỉ dịp Tết gia đình nó mới tạm cất hai từ "tiết kiệm" vào một chỗ. Một năm nó được bao nhiêu bộ đồ mới, đều dựa vào "Tết" cả. Vì mẹ chỉ sắm cho mỗi một lần để chuẩn bị "ăn Tết" mà thôi và thường sắm áo trắng quần xanh, rồi sau Tết cất vào tủ, để dành đến tháng 9 cho năm học mới luôn một thể.
Nhà nội nó làm nông. Dường như ngày xưa nhà nông nào cũng nhiều con cháu. Bởi tư tưởng "trời sinh voi sinh cỏ", con cái là lộc của trời. Nó có tổng cộng đâu khoảng 13-14 cô, chú, bác gì đó. Người nào lập gia đình rồi thì mỗi người một nơi, cả năm chỉ đầy đủ đôi ba lần vào dịp Tết và đám giỗ, cộng thêm nào thím nào dượng, nào lũ lượt trẻ con, thật tình nó cũng chưa nghiêm túc ngồi đếm một lần nào cả.
Nhà nội nó không giàu, nhưng rộng. Căn nhà ngói mấy gian, vườn xum xuê cây trái. Mỗi năm, Tết đến, gia đình nào ở xa thì tay xách nách mang về trước đôi ba ngày, gia đình nào ở gần thì về cận hơn, nhưng đảm bảo sáng ngày cuối cùng của năm, tất cả con cháu đều tề tựu đủ nhà Nội. Tờ mờ sáng, cánh phụ nữ đã dậy nấu nước pha trà, nấu cháo gà hoặc thổi cơm. Ở quê thường ăn sáng rất sớm, tầm 6-7h là đã lên mâm rồi. Ông nội có thói quen uống trà từ 5h sáng, vì vậy cánh đàn ông cũng dậy theo, ngồi hầu chuyện với ông.
Phòng khách nhà nội, chính giữa là bàn thờ tổ tiên và bộ bàn ghế ngồi uống trà, với bình trà là một chiếc bình sứ quai dây kẽm đặt trong trái dừa khô đã được khoét ruột. Hai bên là hai tấm phản lớn, nơi tán gẫu hoặc dùng cơm. Bên trái là mâm đàn ông, bên phải là mâm đàn bà.
Dùng cơm xong, cánh phụ nam vẫn ở "nhà trên" vãn chuyện. Cánh phụ nữ bắt đầu lui xuống bếp, chuẩn bị gói bánh tét. Nhà bếp có một tấm phản to hoành tráng, tha hồ bày biện nào lá chuối, nào nếp, nào chuối, thịt heo, giây lát... Tất cả nguyên vật liệu đều là sản phẩm tại gia hết. Đến mùa thu hoạch, ông nội luôn dành những bao nếp ngon nhất, để riêng dùng gói bánh tét, nấu xôi. Mỗi năm ông nuôi một cặp heo, cuối năm xẻ thịt vừa làm bánh vừa ăn với con cháu mấy ngày Tết, còn dư thì "chia cho tụi nó đem về". Lá chuối và chuối quanh năm sẵn trong vườn nhà. Có hẳn một ao nhỏ trồng lát, đến dịp nhổ phơi làm giây. Mỗi người một tay, sum vầy, náo nhiệt và vui vẻ lắm.
Các bà, các cô vừa làm vừa tán đủ thứ chuyện từ gia đình, công việc đến trên trời dưới đất, vừa nghỉ giải lao lo bữa trưa, lo cho bọn trẻ. Đến chiều, những đòn bánh chắc - đẹp cũng chuẩn bị xong. Bánh thịt thì giây đơn, dài. Bánh chuối thì dây đôi, ngắn. Kiểm lại xem số lượng là bao nhiêu, bao nhiêu đòn biếu, bao nhiêu đòn "chia phần" cho con cháu, bao nhiêu đòn để ăn.
Tầm 17h-18h, chú nào đó sẽ rinh 3 tảng đá lớn sang vườn ổi bên hông nhà, làm ông táo. Một chiếc nồi đen thui lui to vật vã được mang ra, xếp bánh vô, những cây củi to chất thành đống bên cạnh. Vài đứa trẻ lớn lúc này được giao một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đó là canh lửa. Củi tuỳ kích thước, một lần chỉ chụm 1-3 cây. Nói chung giữ lửa vừa, không được lớn, và không để tắt. Canh đến gần giao thừa là xong nhiệm vụ.
Thuở đó, ở quê chưa có điện. Đêm giao thừa trời tối đen, chỉ có những vì sao lấp lánh trên cao. Căn nhà mấy gian mở rộng cửa, rôm rả tiếng nói cười, đèn dầu trở nên sáng lạ. Ánh lửa bập bùng, tiếng côn trùng cãi nhau ỏm tỏi, những đứa trẻ lăng xăng chạy vòng quanh bếp lửa, ríu rít đùa chơi, thi nhau xem ai thức giỏi.
Thuở đó, ước gì nó có máy chụp hình để ghi lại từng khoảnh khắc cho bây giờ.
Sáng mùng một, mọi người đều phải chỉnh tề lúc 5h, cắt bánh cúng tổ tiên, xếp hàng lần lượt chúc Tết ông bà, nhận lì xì. Sau đó chia nhau ra ngồi bên hai tấm phản, có bánh tét vừa cắt ra, bánh tét chiên, thịt kho tàu, chén mắm ớt đỏ tươi.
Thời nay, không phải đợi tới tết mới được ăn bánh tét. Bánh Tét được bán quanh năm. Nhưng đã nhiều năm rồi nó không đụng tới, cảm thấy thiếu thiếu một cái gì không giải thích được, có ăn cũng không cảm thấy ngon.
Sau khi bà nội qua đời, thị xã nơi nhà nó ở cũng đã thành thành phố, những cánh đồng quanh khu nhà nội được qui hoạch, phát triển thành khu dân cư, con sông lớn xuôi thuyền về thăm nội ngày nào bị thu hẹp đáng kể. Con nội chẳng còn ai làm nông. Nhà nội chị còn lại mình ông nội và chú út đã đến tuổi lập gia đình, thôi thì chuyển ra thành phố sống để thuận tiện hơn cho con cháu.
Dần dà, con nội nhà ai cũng khá giả, vài người có chức có quyền. Ai cũng bận rộn lo cho công việc, cho gia đình riêng, chạy đua với nhịp sống mỗi ngày mỗi thêm hối hả. Thời gian là vàng bạc, dành 1-2 ngày chuẩn bị cho việc gói bánh ư? Thật là xa xỉ quá...
Ba mẹ nó ly hôn, mỗi người một nơi, nó lên Sài gòn học xong cũng không biết đâu là chỗ quay về, cứ một thân một mình mà sống. Tết cũng không còn là Tết nữa.
Đêm giao thừa vừa qua, khi kim đồng hồ vừa điểm 00:00, nó nhận được cuộc điện thoại từ phương trời Tây xa xôi "Happy lunar new year. Panda, Happy Vietnam Tết. I want to tell you, some days earlier I just study to make "Bánh Tết" from one my lovely Vietnam friend here. Next Tết, we will prepare for Tết with Bánh Tết together, in Vietnam...bla...bla...".
Cúp máy, nó khẽ cười một mình, liệu 20 năm sau có đứa trẻ nào ngồi viết "Tết và tuổi thơ" nội dung giống nó bây giờ, nhưng bằng tiếng Anh hay ngôn ngữ nào... không nhỉ...
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Tran Le Phung