Ai đã có lần đi xa sẽ có cảm giác nhớ nhà, nhớ những người thân thương.
Mấy hôm nay từng cơn gió lạ mang theo hơi lạnh thổi ngang qua người tôi, có khi cũng chỉ là một nụ hoa mới nở hay một chồi lộc tươi non mơn mởn mà tôi vô tình bắt gặp trên đường, tất cả đều báo hiệu một mùa xuân nữa sắp về. Mùa xuân đến mang theo bao niềm vui và nỗi bâng khuâng trong lòng người, mùa của đất trời. Và một cái Tết mới lại đến gần. Không khí ngày Tết thật là nhộn nhịp, tivi liên tục quảng cáo ngày Tết, ngoài đường thì các biển quảng cáo, logo được dán khắp mọi nơi, bến xe, bến tàu thì ngày càng đông những người lên xe lên tàu chuẩn bị về nhà về quê. Không khí nhộn nhịp như thế nhưng tại sao tôi lại bồi hồi khó tả. Tôi bỗng nhớ đến cái Tết năm ngoái, Tết đầu tiên tôi xa nhà, xa bố mẹ và gia đình để hòa mình vào không khí rộn ràng ở nơi đây - mảnh đất Sài Gòn tấp nập, nhộn nhịp.

Tôi bồi hồi nhớ lại những ngày ấy...
Trời Sài Gòn như đang có sự chuyển mình. Cái se lạnh của buổi sáng sớm làm tôi nhớ mùa đông ở quê. Đâu đó trên đường, góc phố hay hàng hiên những ngô nhà đã chưng mấy cành mai còn chưa tỉnh giấc dài ngủ đông. Tôi đã bắt đầu cảm thấy thoang thoảng đâu đó cái hương vị của mùa xuân, của ngày Tết đang đến rất gần. Lòng tôi thấy xốn xang và nhớ quê nhà vô cùng.
Những ngày Tết sắp đến thì ngày nào mẹ cũng gọi điện hỏi: “Con học hành thế nào rồi?” Mẹ nói: “Cả nhà mong con về nhiều lắm, cả nhà nhớ con lắm, ở dưới này mọi người đều trông con về!”. Nghe mẹ nói mà tôi như bủn rủn hết người, nghe lòng đau nhói, muốn chạy ngay về thăm gia đình và người thân xung quanh tôi lại không về được. “Mẹ ơi! Xuân này con không về”.
Ở quê tôi, từ 23 tháng Chạp không khí Tết đã rộn ràng khắp làng quê. Khắp làng trên xóm dưới chộn rộn sửa sang nhà cửa, gói bánh. Quê tôi, có hai loại bánh để cúng ông bà trong ba ngày tết là bánh chưng và bánh tét. Thường thì mỗi nhà chỉ cần vài chục cái nên thường thường ba bốn nhà sẽ cùng nhau làm bánh.
Những ngày giáp Tết, tôi và mẹ thì lo chuẩn bị đồ ăn. Còn ba, em gái và anh tôi thì lo dọn dẹp nhà cửa. Mọi người ai nấy mỗi người mỗi việc, bận nhưng mà vui. Còn nhiệm vụ cao cả nhất là gói bánh chưng và bánh tét sẽ giao cho bà nội tôi. Không năm nào là không gói, bà bảo Tết mà không gói bánh chưng, bánh tét thì coi như không phải Tết. Và năm nào bà cũng hướng dẫn các bác rồi đến chúng tôi gói bánh. Bà gói bánh chưng đẹp nhất và vuông vắn nhất. Bà bảo các cháu phải tập làm để biết thế nào là Tết của cha ông, để sau này còn truyền lại cho các em và những thế hệ sau nữa. Cả nhà đông vui nhiều người làm nên tôi chỉ chạy chân lăng xăng lấy đồ và chăm chú nhìn ngắm mọi người làm. Tôi nhìn cách bà cẩn thận là lượt lá chuối, cách bà ắp gạo, đậu, thịt và cách bà khéo léo gói bánh, buộc chặt dây lạt, chẳng biết đến bao giờ tối mới thấm thía hết lời bà dạy. Mỗi năm đến Tết là bà lại già thêm một tuổi, nhưng tấm lòng bà thì càng đằm thắm thêm theo thời gian.
Cái thú của ngày Tết đó là không khí sum vầy ấm áp. Ngày Tết là ngày của gia đình, là ngày sum họp. Những ngày ấy, không hôm nào là không rộn tiếng cười. Chúng tôi cùng nhau gói bánh chưng, bánh tét, các em nhỏ hơn thì đùa nghịch ngoài sân. Nhắc đến Tết, là nhắc đến chiều 30. Bà đun nồi nước bồ kết cho chúng tôi gội đầu. Bà bảo phải gội thật sạch, cho mọi bụi bẩn, mọi nỗi buồn của năm cũ qua đi, để đầu óc nhẹ nhõm hơn, thanh thản hơn, để chào đón một khởi đầu mới. Mùi bồ kết thơm thơm, gội xong tóc chúng tôi ai mềm mượt. Anh chị em chúng tôi ra giếng gội đầu cho nhau, xuýt xoa, rôm rả!
Chiều 30 là khi cả nhà lên khói nhộn nhịp làm bữa cơm tất niên, khi mâm cơm rộng rãi và đông đúc, khi hơi ấm, khói hương nghi ngút bốc lên lan tỏa khắp gian nhà. Tết là đêm 30, ngồi trông nồi bánh chưng, ngồi đánh bài tiến lên rồi thi nhau búng tai đến đỏ rát vẫn chưa thôi. Rồi mắt lim dim theo những đốm lửa nổ lép nhép và chờ nghe tiếng pháo hoa vang lên trong đêm tối. Chúng tôi cùng nhau xem pháo hoa qua ti vi, cùng nhau chờ những tia lập lòe, chớp nhoáng vang lên. Thời khắc ấy đã bao lần trải qua nhưng lần nào cũng háo hức, lần nào cũng hồi hộp và nguyên vẹn. Có cảm giác như một điều gì đó rất thiêng liêng trong phút giao thời ấy.

Tập quán "Mùng một Tết cha" quê tôi vẫn còn lưu giữ đến ngày hôm nay. Sáng mùng một, con cái đến thắp hương mừng tuổi ông bà, cha mẹ, sau đó đi thắp hương họ hàng, láng giềng. Ở quê tôi, nếp này được giữ gìn rất chặt chẽ. Vì thế mối quan hệ của gia đình, dòng họ, láng giềng ngày càng thắt chặt. Người ta lấy lễ nghĩa, lấy chữ tình, chữ tin để đãi nhau. Rồi ngày mùng 2, 3 chúng tôi cùng nhau diện những bộ đồ mới nhất, đẹp nhất theo chân ba mẹ đi chúc Tết họ hàng, hàng xóm láng giềng và háo hức nhận những bao lì xì đỏ.
Người dân quê tôi ăn Tết rất dài, đến tận mùng 7 ngày hạ rồi sau đó còn có thể kéo dài dến tận rằm tháng Giêng như đúng câu ca ngày xưa "tháng Giêng là tháng ăn chơi". Sở dĩ người dân có thể nghỉ ngơi dài ngày như thế bởi họ quan niệm rằng: xởi lởi trời cho... quanh năm làm lụng vất vả, lênh đênh trên biển khơi rồi bây giờ hãy ăn chơi, hãy tiêu những đồng tiền chính đáng rồi sau đó lại nhọc nhằn với cuộc mưu sinh.
Người ta nói Sài Gòn là miền đất tứ xứ, đông vui cả năm nhưng lại vắng vẻ khi xuân về. Người Sài Gòn có cách ăn Tết rất riêng, không cầu kỳ, không ồn ào như những vùng quê khác, Sài gòn có Tết của những người con xa quê, có Tết của người Sài Gòn vàng rực rỡ màu nắng, màu hoa mai và hoa cúc. Người Sài Gòn ăn Tết không cầu kỳ bằng người Huế quê tôi, mâm cỗ đón xuân cũng đơn giản và không nhiều món như ở Huế... Sài Gòn ăn Tết bằng bánh tét. Nhà nào rộng rãi, đông người thì 27 Tết đã thấy lục đục sửa soạn nồi nấu bánh, trước là để cúng ông bà, sau biếu hàng xóm láng giềng. Nhà ít người hoặc bận rộn suốt ngày thì tranh thủ ghé chợ hay siêu thị mua về vài ba cặp để ăn dần trong ba ngày Tết. Trong ba ngày Tết, nhà nào cũng chuẩn bị mâm cơm cúng ông bà để tỏ lòng thành kính.
Thấy lũ bạn học chung thông báo ngày về quê ăn Tết thì mình cứ cười mà nói câu: “Happy new year! Về quê ăn Tết vui vẻ nha!”, đám bạn hỏi lại thì “Mình không về đâu, mình ở lại đây ăn Tết, mình đăng ký ăn Tết ở trường rồi!”. Lớp tôi cũng tổ chức một buổi tiệc cho các bạn đón tết xa nhà. Những giây phút như thế làm lòng những đứa sinh viên như tôi ấm áp biết bao. Ở phòng trọ, căn nhà nhỏ cũng vui không kém, tôi và nhỏ bạn cùng phòng hùn tiền nhau mua hai châu hoa đặt trước của phòng rồi cùng dọn dẹp trang trí phòng. Tôi nhớ những ngày này ở quê, những lúc tôi đã cùng mẹ làm bánh mứt, ra vườn với ba hái lá chuối để làm bánh chưng bánh tét.
Đêm 30 Tết, tôi với nhỏ bạn cầm tay nhau ra đường hòa cùng dòng người tấp nập đón giao thừa, khoảnh khắc năm mới đến, hai đứa ngửa mặt lên để nhìn những chùm pháo hoa nở rộ trên bầu trời đêm Sài Gòn. Lúc ấy, tôi chợt nhớ lắm cái mùi khói cay xè của nồi bánh, nhớ cả tiếng chuông chùa ngân vang khi trời đất chuyển giao giữa năm cũ - năm mới. Tôi nhớ lắm mùi hương trầm lan tỏa khắp không gian vào đêm giao thừa ở quê, thèm cảm giác được đi vào đền hái lộc rồi mang về nhà xông đất, thèm cái khoảnh khắc cùng gia đình cúng tất niên, cả nhà quây quần bên mâm cơm với những tiếng cười, tiếng vỗ tay. Khi đó, sao mà nhớ nhà quá, chỉ mong sao được về nhà sà vào lòng mẹ. Có tiếng khóc nức nở của nhỏ bạn đứng cạnh tôi vì nhớ nhà cũng làm làm khóe mắt tôi cay cay. Tôi muốn được về nhà… Sao tôi thèm những lúc ấy quá.
Vậy là một cái Tết nữa lại sắp đến. Tết này đối với tôi có thật nhiều thay đổi. Tôi đã ra trường, đã tốt nghiệp đại học, không còn là một cô sinh viên ngây thơ như ngày nào nữa. Tôi biết trong tương lai mình phải học tập nhiều hơn, học cách sống, cách làm người cũng như trau dồi những kỹ năng cần thiết để hòa nhập tốt hơn với môi trường xung quanh. Mong một cái Tết với nhiều trưởng thành. Mong một cái Tết đầm ấm sum vầy sẽ lại đến với thật nhiều ý nghĩa cho gia đình tôi và cho mọi người tôi yêu.
Tôn Nữ Phương Như
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Xem thể lệ cuộc thi chi tiết tại đây. Gửi bài dự thi tại đây. |