Miền Trung quê tôi nắng lắm, mưa nhiều. Ngày hè đất Hương Sơn nắng như thiêu đốt cây cỏ ngoài đồng héo khô, đất ruộng nứt nẻ. Ngày mưa thì dài lê thê, lũ đến nhanh rút chậm, cả vùng quê của tôi chìm trong biển nước. Lắm lúc, lũ khiến mùa màng mất trắng, biến ngày hội trăng rằm thành ngày tang thương như trận lũ lịch sử năm 2000. Người quê tôi gọi đó là đêm nước mắt. Đất quê khó mưu sinh nên quê người làm ăn tứ xứ. Bố tôi cũng vậy, bố hết ngược xuôi Nam - Bắc rồi sang đất Viêng làm ăn nuôi chị em tôi nên người.

Tôi đã là sinh viên đại học - một nữ nhà báo tương lai, nhưng sâu trong ký ức của mình, tôi vẫn nhớ như in những ngày khóc ầm xóm vì bố đi Nam làm ăn, “quát” mẹ vì “không giữ bố lại cho con”. Hay những lúc lấy than củi viết tên bố thiếu nét, mặt mũi lấm lem nước mắt với nhọ than, nhưng vẫn đếm từng ngày đợi bố về. Còn nhớ, hồi đó tôi đếm mãi, đợi bố mãi mà bố chưa về. Và, với suy nghĩ của một đứa trẻ tiểu học tôi đã khóc bắt đền, ăn vạ mẹ không thôi.
Lúc bé, tôi được bố chăm bẵm từng ngày nhưng lớn lên một chút gia đình gặp tai ương nên thời gian được ở bên bố ít dần. Một trận hỏa hoạn đã khiến gia đình tôi trắng tay, chỉ còn ba con người dưới màn trời chiếu đất. Từ đó, những chuyến đi của bố tôi dài hơn và nỗi nhớ, số ngày đếm đợi bố về của tôi lại “phải” nhân lên.
Ngày đó, tôi chỉ mong bố đi làm xa nhanh về với hai mẹ con, đâu hiểu được gánh nặng trách nhiệm mà bố tôi đang đỡ lấy cho cả gia đình. Tôi trách bố sao không ở nhà với con mà không hề biết xa tôi, bố mới là người xót nhất. Bố muốn ở gần mẹ con tôi lắm chứ, bố muốn được cõng tôi đi học vào ngày đường đất đỏ lầy lội, che chở gia đình ngày mưa to, bão về nhưng nào đâu có được. Bố tôi phải đi, phải đi làm kiếm tiền về sắm sửa từng tý một, từng đồ vật nhỏ trong nhà vì sau trận hỏa hoạn nhà tôi chẳng còn gì ngay cả một cái bát ăn cơm. Ấy vậy mà, tôi ngày đó cứ trách bố hoài.
Mỗi năm bố tôi sẽ về hai lần. Ngày mùa về giúp mẹ và ngày Tết cổ truyền sum họp. Trước, bố tôi đi xa làm ăn để lo nơi ở, cái ăn, cái mặc cho chị em tôi, giờ đôi vai gầy của bố lại nặng hơn vì nuôi tôi học đại học. Từ ngày tôi vào đại học, bố tôi già hơn, mái tóc đã bạc ít nhiều, đôi mắt nặng trĩu nỗi lo và thời gian tôi được ở bên bố cũng chỉ tính ngày. Bởi lẽ, lúc tôi về hè thì ngày mùa đã xong bố tôi lên đường đi xa làm ăn và hai bố con lại không được gặp nhau. Một năm, tôi chỉ được gặp bố vào mỗi dịp Tết. Những ngày Tết ít ỏi.
Nhiều lúc, tôi làm một phép tính nhẩm và tôi đã bật khóc khi có đáp án. Một năm tôi chỉ được gặp bố vào dịp Tết, vậy là chỉ bằng một phần số lẻ trong 365 ngày của năm. Bố tôi không còn trẻ, người làm con như tôi gần bố mẹ được bao nhiêu?
Tết này, con muốn được nắm chặt tay bố, nắm đôi bàn tay gầy khô, xù xì đầy chai sạn đã hy sinh hết mình vì con cái. Đôi bàn tay của bố nay khô hơn, cứng hơn và nhiều vết sẹo dài hơn. Con muốn được đôi bàn tay ấy vuốt tóc, cốc vào trán dô bướng bỉnh và lau nước mắt mỗi khi con khóc. Tết này, con muốn được tranh phần em gái nhổ tóc sâu cho bố, học gói bánh chưng theo bố mặc dù biết bánh mình gói sẽ không vuông. Con thích được lẽo đẽo theo bố đi chúc Tết mọi người và tuyên bố “gánh” rượu phần bố như cách hồi nhỏ con vẫn thường làm.

Làm báo, đôi chân con đi nhiều nẻo, gặp nhiều cảnh đời, cảnh người và không ít lần rơi nước mắt. Những lúc đó bờ vai con có thể vững cho họ mượn dựa vào, tâm sự, con nghe họ nói, đồng cảm và dùng ngòi bút của mình để nói lên nỗi lòng của họ. Làm báo, đôi tay con cầm chặt những đôi tay yếu, kém may mắn hơn con để động viên, chia sẻ và viết thật hơn những ước mơ, hoài bão của họ. Nhưng, con không được làm điều đó với người con yêu thương nhất. Con không được gần bố, không được nắm chặt bàn tay bố hay khóc òa với bố khi bị vấp ngã, tổn thương. Con không được lắng nghe những suy nghĩ, nỗi nhớ hay tận mắt chứng kiến cảnh vất vả lao động của bố và nhiều thứ nữa con không được...
Con đếm ngày đợi Tết, đếm ngày để bố con sum vầy.
Phan Thị Huyền
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Xem thể lệ cuộc thi chi tiết tại đây. Gửi bài dự thi tại đây. |