Tiếng còi tàu rú hồi còi dài để dừng lại sân ga Thanh Hóa, tiếng loa phóng thanh của một giọng nữ trong nhà chờ "Chuyến tàu S4 TP HCM - Hà Nội đã về ga Thanh Hóa dừng tại đường số 1, khách khẩn trương mang hành lí ra trước cửa để về sân ga...". Lời nói đó nhắc đi nhắc lại nhiều lần thúc giục hành khách xuống tàu. Lòng tôi xốn xang được về quê ăn Tết.
Về đến nhà, tôi ngạc nhiên nhiều lắm. Quê tôi khá giả lên nhiều. Tối đến, tuy thời tiết lạnh lắm nhưng bè bạn năm xưa đến chơi với tôi đông vui lắm. Họ nhìn tôi với nhiều điều khác lạ. Chúng nó ngó trước, ngó sau xem có phải tôi ngày xưa hay đi bắt cua, bắt ốc nữa không. Rồi đột nhiên một tràng cười tập thể vang lên văng vẳng và rồi tuổi thơ ùa về với những chuyện ngày xửa, ngày xưa.
Chúng nó kể tới đâu, tiếng cười vang theo đến đó, tranh nhau kể về tuổi thơ của mình. Có lẽ tuổi thơ đã đi qua đời tôi rất lâu rồi với những kỉ niêm êm đềm như dòng sông hiền hòa chảy mãi về Biển Đông. Hôm nay đây Tết đến, xuân về, giữa dòng đời cuồn cuộn chảy với thời gian, tôi đã không còn trẻ nữa. Ngồi với đám bạn bè xưa, lòng tôi mơn man nhiều nỗi nhớ. Rồi chẳng bao lâu, tôi lại phải xa quê hương cùng đám bạn bè thuở xa xưa mưu sinh, kiếm sống miền đất phương Nam với cái nghề tôi đã chọn: Người giáo viên nhân dân.
Làng quê tôi thời đó nghèo khó lắm, cái đói triền miên đi theo câu tục ngữ "Tháng ba, ngày tám" vương vào lòng chúng tôi, như tấm áo mỏng tang khoác lên vai người nghèo khó.
Tuổi thơ của tôi gồng mình với những việc mong làm sao có cái ăn cho no bụng. Mùa hè oi nồng cũng như mùa đông buốt giá. Anh em chúng tôi phải mò cua bắt ốc bươn chải với cuộc sống đời thường thênh thang không bến đỗ. Ngày nào cũng vậy, cứ mờ sáng, anh em chúng tôi xách cái giỏ bên mình đi nhặt con ốc rạ ngoài đồng xa. Chúng tôi chia nhau ra mỗi đứa một khoảnh đồng bì bõm lội nước, đạp lên những thửa ruộng khi người ta đã cắt còn trơ cuống rạ lại nhặt ốc. Khi trời hừng đông thì công việc đã hoàn tất, mỗi đứa đầy những giỏ ốc mang về để mẹ tôi mang đi chợ bán đổi lấy gạo về nấu cơm. Cái nghèo đeo đẳng gia đình tôi năm này qua năm khác.
Tết đến, người ta có cái ăn, cái để, sắm sửa, trang trí nhưng nhà tôi anh em tôi hiểu lắm, không đòi hỏi nhiều gì ở cha mẹ. Mẹ tôi ứa nước mắt lo cho cả đàn con bằng bè bạn nhưng vụ gặt vừa tới thì trong nhà vẫn không còn gì cả. Tuổi thơ mà!
Dù thế nào đi chăng nữa, trong nhà không có gạo để ăn nhưng Tết phải có bánh chưng xanh. Mẹ tôi dạy cho chúng tôi gói bánh, cái bánh chưng xanh đã ăn vào tiềm thức anh em chúng tôi. Cái đêm 30 Tết là cái đêm vui vầy nhất, hình như anh em chúng tôi không ngủ, thức để đón giao thừa, đốt pháo. Mặc áo mới để sáng mai mùng một Tết không còn là người của năm cũ. Mẹ tôi dặn anh em chúng tôi, mồng một Tết không được buồn, mà phải vui lên chứ không cả năm đeo đẳng xui xẻo.
Chúng tôi lớn lên, tuổi thơ theo suốt mãi đời tôi với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Tôi mang trong mình và nhớ mãi. Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ Tết đến, xuân về lòng tôi xốn xang nhớ về miền tuổi thơ nơi ấy có cha mẹ tôi, anh chị em tôi đang ngóng tin tôi từ miền Nam xa xôi đầy nắng và gió. Nơi ấy, bạn bè tôi cười chảy nước mắt cảm thông.
Mùa xuân năm nay, tôi phải gác lại miền quê hương yêu dấu trong kỷ niệm. Mẹ tôi không còn nữa, người đã bỏ anh em chúng tôi với bao nhiêu kỷ niệm đói nghèo về thế giới bên kia để ngậm cười nơi chín suối. Thắp nén hương thơm mát dạ người, hương hoa tỏa khắp căn nhà con ở. Tuổi thơ tôi.
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Phùng Văn Định