Tết ba miền của tác giả Lê Rin khắc họa không khí ngày hội cổ truyền Bắc, Trung, Nam với loạt tranh minh họa bằng màu nước. Ấn phẩm viết về các phong tục, nét sinh hoạt đặc trưng mỗi vùng miền, từ cảnh gói bánh tét bên bếp lửa hồng, làm hoa giấy ở làng Thanh Tiên (Huế), nghệ thuật chế tác đầu lân ở Chợ Lớn (TP HCM), chợ hoa Sa Đéc (Đồng Tháp). Từ đó, sách gợi ký ức xưa về ngày Tết, góp phần giúp người trẻ hiểu thêm về giá trị cội nguồn, sự giao thoa giữa truyền thống, hiện đại.
Qua loạt tranh, tác giả lồng ghép các không gian văn hóa, bài học nhân nghĩa về tình yêu thương, sự sẻ chia. Những phong tục như vẽ tranh Đông Hồ, làm mứt dừa, chơi bài Tam Cúc cũng được phác họa lại theo phong cách giàu trực quan.
Sách dành phần lớn kể không khí chuẩn bị đón xuân của người Việt từ ngày 15 tháng Chạp đến hết mùng ba Tết. Một trong những dấu hiệu báo Tết đã về là khi mọi người dựng cây nêu với niềm tin xua đuổi tà ma, cúng ông Công, ông Táo, cùng gói bánh chưng, bánh tét dâng lên tổ tiên. Sau đó, người thân quây quần bày mâm ngũ quả, mua sắm Tết ở chợ hoa, làm các món ăn quen thuộc như dưa hành, nem rán, giò thủ.
Phát hành kèm sách là hộp thẻ Tết ba miền, với 30 mảnh ghép về chủ đề mùa xuân. Bộ thẻ được rút gọn từ nội dung trong ấn phẩm, gửi gắm từng câu chuyện nhỏ để mang đến cho độc giả trải nghiệm đọc sách mới. Đó là khoảnh khắc cả gia đình chuẩn bị mâm cúng Tất niên với các món ăn truyền thống và mứt Tết, hay cảnh gia đình cùng nhau ra chợ lựa các cành mai, nhánh đào. Bộ thẻ được sử dụng để tổ chức các trò chơi đố vui dân gian, hoặc đơn giản là để cùng nhau kể câu chuyện về ngày Tết.
Lê Rin, 35 tuổi, quê Ninh Thuận, là họa sĩ minh họa ẩm thực. Tốt nghiệp ngành Tạo dáng công nghiệp (ĐH Công nghệ Sài Gòn), anh làm thiết kế đồ họa trong lĩnh vực thời trang suốt bốn năm. Sau một chuyến phượt từ TP HCM ra Quảng Ngãi bằng xe máy, anh nảy sinh ý tưởng vẽ các món ăn đặc sản khắp vùng miền, như canh chua cá hú, cá lóc kho tộ, bánh mì. Anh từng ra mắt một số artbook như Việt Nam miền ngon, Việt Nam dọc miền du ký.
Mai Nhật