Lại qua rồi, một cái Tết thật buồn. Không bánh chưng, không mua sắm, không đào, mai, mứt Tết, không giầy dép, áo quần xúng xính như những đứa con gái khác cùng trang lứa... Tết đến, những ký ức đầm ấm bên nồi bánh chưng đêm 30, những bức ảnh đầu năm và nụ cười của bố... chợt ùa về. Tôi co mình trong cái vỏ ốc xù xì và hoài niệm về cái tết tuổi thơ đầy hạnh phúc, chìm trong mùi hương của nước lá "mùi" sáng ngày mùng 1.
Tết ấu thơ trong tôi... là nụ cười hạnh phúc của bố mẹ khi nhìn 3 chị em tôi tranh nhau cái bánh "út" đầu năm. Tết là được nghe giọng cười giòn tan của thằng em bé bỏng bên nồi bánh chưng nghi ngút khói. Tết là những buổi học cuối năm, chúng tôi chụm đầu vào nhau tính từng giây, từng phút... không biết bao giờ mới đến ngày nghỉ Tết. Rồi háo hức đón chờ những tràng pháo tép nổ tưng bừng, giấy đỏ bay đầy ngõ, bay cả vào những trang sách đang viết dở...
Tết là cảm giác sung sướng, xúng xính với chiếc áo len rộng thùng thình mẹ mới mua cho trong phiên chợ 30. Mẹ bảo "Áo rộng, để năm sau có lớn thì con vẫn mặc vừa". Nhưng tôi thì thấy nó hợp với cái quần len năm ngoái lắm, mặc vào chắc sẽ rất giống cái cô gì xinh xinh trong đĩa Xuân Hinh mà tôi lén xem khi đi qua cửa hàng bán TV đầu phố. Cho đến tận bây giờ tôi mới biết, cái cô xinh xinh ngày xưa của tôi là "em bé Hà Nội - Lan Hương".
Tết là buổi sáng 29 trời mưa phùn tôi theo mẹ đi chợ Tết, phiên chợ quê đông đúc, ồn ào náo nhiệt nhất trong năm. Mọi thứ hàng hóa bày la liệt trên sạp, đầy màu sắc và lôi cuốn. Tôi thường "bị" đứng coi xe ngoài cổng chợ cho mẹ vào mua hàng. Lúc về, thế nào trên tay mẹ cũng xách một làn thật nặng...
Tết là cảm giác tự hào, khi được phân công rửa lá dong cho bố gói bánh, được nằm trong ổ rơm canh nồi bánh chưng, ngửi mùi khói gỗ mít thơm lừng. Nhớ những lúc ba chị em tôi ngồi quây lấy nồi đậu xanh mẹ đồ chín còn nghi ngút khói, chờ bố gói bánh xong để tranh nhau ăn những hạt đậu còn thừa lại. Không phải vì đói, cũng không phải vì thèm mà đơn giản vì chút tự hào được ăn thừa đồ cúng các cụ đầu năm. Bố mẹ tôi thường nói đó là lộc, ăn vét nồi như thế sang năm sẽ gặp nhiều may mắn. Dù lúc ấy còn rất bé, nhưng tôi vẫn có cảm giác linh thiêng và trân trọng lắm. Có thể thật trẻ con nhưng khi lớn lên tôi mới hiểu, bố mẹ đã dạy cho chị em tôi một cách đón Tết rất riêng - Tết hướng về nguồn cội.
Sáng mùng 1, chúng tôi dậy từ rất sớm để rửa mặt bằng nước lá mùi. Gọi là nước lá mùi thế thôi chứ thực ra không phải, đó là những cây rau mùi đã trổ hoa được mẹ hái về phơi khô để dành đến Tết. Mẹ không bao giờ mua cây ở chợ vì mẹ nói những cây ấy không thơm như cây trong vườn nhà. Tôi thì không biết có thơm hơn hay không, nhưng mỗi khi ngửi thấy nước lá mùi là em tôi lại reo lên "Tết về đến nhà rồi chị ạh".
Tôi đã đón rất nhiều cái Tết thật buồn kể từ khi bố, bà nội, em trai tôi ra đi. Mọi không khí Tết ngày xưa không thể tìm lại được, duy chỉ có mùi thơm của nước lá mùi thì mẹ tôi vẫn giữ. Giữ cho những người đã khuất một không khí, một mùi hương ngày xưa để tìm về. Giữ cho đứa con gái tật nguyền không thể tự mình ngồi dậy được và giữ cho hy vọng vào một năm mới thật nhiều may mắn và bệnh tật sẽ bị đẩy lùi...
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, dù không thể tự mình đi lại được nhưng có lẽ Tết năm sau tôi sẽ phải tìm lại một chút không khí của tết xưa, để cho mẹ, cho tôi, cho những người đã khuất không phải chạnh lòng.
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
nguyenthuy.tb2012