Khi còn nhỏ, Tết mang đến cho tôi thật nhiều niềm vui. Tôi thích nhất lúc được ông ngoại chúc Tết và mừng tuổi. Tôi còn được gặp nhiều người thân và được ăn ngon hơn ngày thường. Thời chiến tranh và sau đó là bao cấp, ăn uống thật là một gánh nặng và cũng là một điều quá quan trọng với lũ trẻ. Sau này khi đã lập gia đình, Tết luôn mang đến cho tôi một hy vọng. Niềm hy vọng ấy dù không rõ ràng lắm, nhưng thực sự là một xúc cảm tuyệt vời, khiến cho tôi cảm thấy thanh thản khi phải đón nhận những gánh nặng của cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Nam Phương thích tự tay nấu nướng cho gia đình. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Hai con gái của tôi rất thích đêm giao thừa, khi chúng được đi ra ngoài đường đón giao thừa cùng ông bà nội và bố mẹ và về nhà xông đất. Đêm giao thừa Hà Nội thật đặc biệt bởi không khí se se lạnh và lất phất mưa bay, sự thân thiện, vui vẻ của những người ra ngoài đường đón Tết và hân hoan ngắm nhìn pháo hoa, cầu mong cho năm mới hạnh phúc.
Tiếc là bây giờ các con tôi không còn được xem gói bánh chưng, để có thể đặt thêm vào nồi cặp bánh xinh xinh cho mình, rồi lanh chanh chêm củi vào bếp, rồi luýnh quýnh quẩn chân người lớn lúc vớt bánh. Các con tôi không được nghe thấy tiếng pháo, ngửi thấy mùi diêm sinh đầy căn phòng và ngắm nghía xác pháo hồng đầy bậu cửa như chúng tôi ngày nhỏ. Nhưng chúng vẫn còn được về quê thắp hương lên mộ mời các cụ về ăn Tết; được cùng các ông bà, chú bác và các em ở quê ăn bữa cơm tất niên có hành muối và giò thủ nhà tự gói. Chúng vẫn được cùng mẹ đi mua hoa về trang trí phòng khách, được trang trí cành đào bằng những tấm thiệp chúc Tết, trang trí bàn khách bằng những món mứt cổ truyền, làm cỗ cúng đón năm mới, và nhận những phong bao lì xì màu đỏ với lời chúc năm mới của người thân.
Bà Nguyễn Thị Nam Phương là chuyên gia tư vấn phát triển quản lý của công ty OCD, chuyên sâu vào các lĩnh vực liên quan đến quản lý và phát triển nguồn nhân lực và quản lý hệ thống thông tin, đặc biệt là các vấn đề Chiến lược quản lý nguồn nhân lực, Tuyển dụng và chọn lựa nhân viên, Đánh giá kết quả công việc, Quản lý đào tạo, Phát triển nghề nghiệp, các kỹ năng quản lý và lãnh đạo, các kỹ năng làm việc và kỹ năng phục vụ khách hàng. Bà Phương có 14 năm kinh nghiệm làm quản lý nhân sự và dự án tại một số doanh nghiệp, đã tư vấn phát triển tổ chức và thiết lập hệ thống nhân sự cho các doanh nghiệp như các công ty thành viên của FPT, Xí nghiệp Dịch vụ Thương mại Mặt đất Nội Bài (NIAGS), Tổng công ty Tài chính Dầu khí, các công ty chứng khoán như Chứng khoán Sài Gòn (SSI), CK APEC, VNDirect, CK Tân Việt, và một số cơ quan hành chính công như Dự án hỗ trợ tăng cường năng lực Văn phòng Chính phủ Việt Nam, dự án Tăng cường năng lực toàn diện về quản lý ODA (Bộ Kế hoạch và đầu tư), Bộ Thủy sản (cũ). Gần đây, bà Phương là trưởng nhóm tư vấn OCD thực hiện các dự án tư vấn xây dựng hệ thống đãi ngộ cho Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) và các công ty thành viên, tư vấn tái cơ cấu cho Công ty Cổ phần Hòa Việt (thuộc Vinataba), xây dựng chiến lược và hệ thống quản lý theo phương pháp Bảng điểm cân bằng (BSC) cho Tập đoàn TMS, Cty CP PayNet, Cty CP BaAn... |
Tôi luôn cố gắng giúp con cảm nhận được sâu sắc ý nghĩa của những phong tục cổ truyền, qua mỗi sự kiện nhỏ trong những ngày Tết. Nhất định bữa cơm tất niên chiều 30 của nhà tôi sẽ phải có đầy đủ gà luộc, bánh chưng, giò lụa, măng và miến. Cô con gái 15 tuổi của tôi đã học được cách làm mấy món truyền thống, và rất hứng thú chờ Tết để trổ tài. Khi bằng tuổi nó, tôi đã thử làm món mứt khế. Bố tôi rất hài lòng vì con gái có ý thức”tu dưỡng” chữ đầu tiên trong bốn chữ “công dung ngôn hạnh” các cụ để lại, nên kết quả có thế nào thì ông cũng đều thấy tuyệt vời.
Tết năm đó, ông luôn mang món mứt khế của tôi ra mời khách với một giọng hóm hỉnh: “Mời bác nếm thử món quai guốc cháu nó mới làm”. Tôi dám chắc rằng, dù bạn có là người ghét ăn uống đến mức nào, thì nghe vậy bạn cũng rất muốn thử một miếng xem sao. Tôi cũng kể lại hoặc nhắc lại với con gái câu chuyện ấy như một lời động viên những nỗ lực chế biến món ăn cho ngày Tết của cháu.
Bún thang là món mà gia đình tôi thường ăn để kết thúc các bữa liên hoan Tết với quá nhiều rượu mừng, mứt ngọt và bánh chưng. Mỗi khi làm món này, tôi cứ tự hỏi sao các cụ lại nghĩ ra một món phối hợp bốn vị “gà, giò, trứng và tôm” hợp lý đến vậy. Người Hà Nội xưa không chỉ ăn bằng vị giác, mà còn bằng thị giác nữa. Nghe mẹ tôi kể lại, bà ngoại tôi luôn đặt 2 chiếc đũa bắt chéo qua miệng bát để 4 vị này được đặt đều tăm tắp trên mặt bát bún, còn nước chan thì luôn phải trong vắt, không có mỡ mà vẫn đủ vị ngọt của xương gà.
Tương tự như bánh chưng, măng nấu chân giò hay cá chép kho khô, bún thang không chỉ tạo nên sự ngon miệng cho người thưởng thức, mà còn tạo nên sự thú vị và hứng khởi cho người nấu. Đấy cũng chính là hồn Việt trong món ăn Việt mà ngày Tết mang lại cho chúng ta. Nếu mai này vật đổi sao rời, tôi cũng chỉ cầu mong sao Tết Việt vẫn gắn liền với những giá trị văn hóa ẩn sâu trong những món ăn thuần Việt, để hương vị ngày Tết mãi vẫn là niềm mong ước của mỗi người Việt xa nhà.
Nguyễn Thị Nam Phương