Cuối tháng chạp, tiết trời hanh khô, se lạnh, thi thoảng lất phất vài cơn mưa phùn. Trên những cành cây khẳng khiu đâm ra triệu triệu chồi non xanh biêng biếc. Chợt giật mình nhận ra, mùa xuân đang đến rất gần.
Sắc xuân len lỏi trong từng kẽ lá, khe khẽ về cùng hơi gió thở. Xuân bay bổng giữa cánh đồng hoa ngào ngạt sắc hương, dịu dàng và e ấp trên những nụ mai vàng chớm nở. Đi khắp phố phường, đâu đâu cũng tràn ngập bao khúc ca rộn ràng vui xuân đón tết.
Tôi khẽ hít hà hương vị Tết đang phảng phất đâu đây. Trong tôi, bỗng có cảm giác lâng lâng, xuyến xao đến lạ lùng. Dường như, đó chính là cảm xúc của một đứa trẻ đang chờ đón tết về, cái cảm xúc ấy rất đỗi hoang sơ và vẹn nguyên, như những ngày còn thơ ấu.
Bỗng có mùi hương trầm bay thoang thoảng, đôi khi lại ngào ngạt như đang ở rất gần. Phải chăng, nó từ miền ký ức dội về. Lội ngược dòng thời gian, tôi trở về tìm lại những ngày Tết xưa kia.
Tết trong ký ức tuổi thơ tôi in trên cành đào phai bố chăm chút từng ngày. Tết gắn liền với mùi hương trầm ông đốt mỗi sớm mai, mùi khói rạ cay nồng bên vạt áo mẹ, là mùi hương còn vương trên chiếc áo mới, là màu xanh của tàu lá dong bà ngắt để gói bánh chưng. Tết của tôi lưu lại cùng những phiên chợ rộn ràng, hối hả trong buổi sáng tờ mờ sương của một miền quê nghèo ngày cuối năm.
Tôi còn nhớ, năm nào cũng vậy, cứ sáng ba mươi Tết, căn nhà nhỏ của tôi lại rộn rã tiếng nói cười. Tiếng chuông leng keng trên chiếc xe đạp của mẹ chuẩn bị đi cho kịp phiên chợ Tết. Tiếng nô đùa ríu rít, khúc khích của lũ trẻ chúng tôi tựa bầy chim non trong nắng sớm. Tiếng xoong nồi loảng xoảng chuẩn bị cho bữa cỗ tất niên đầm ấm. Tiếng gà gáy te te vang vọng trong màn sương quánh đặc, chú lợn bị chọc tiết kêu eng éc xé tan màn đêm lạnh lẽo. Những âm thanh ồn ào, náo nhiệt ấy đã đánh thức làng quê nghèo luôn chìm trong tĩnh lặng, trở dậy đón không khí rộn ràng của ngày Tết.
Trời chưa sáng hẳn, hàng cây ngoài vườn vẫn còn ướt đẫm sương đêm và được bao trùm bởi một màn sương bàng bạc. Trong bếp, ánh lửa bập bùng, bố tôi đun nồi nước thật to để mổ lợn. Chú lợn cỏ bà nuôi cả năm, chỉ chờ đến ngày Tết để mấy gia đình trong xóm "ăn đụng". Cái không khí ấm cúng, nhộn nhịp và hối hả trong lúc mổ lợn "ăn đụng" vẫn mãi in sâu vào tâm trí tôi, chẳng thể phai mờ.
Trong ký ức tuổi thơ tôi, buổi sáng ba mươi tết thực sự là một ngày hội của đại gia đình. Trong cái ngày hội ấy, ai ai cũng tất bật và bận rộn, nhưng khuôn mặt luôn rạng ngời và ánh lên một niềm vui khó tả.
Ba mươi Tết cũng là lúc ông tỉ mỉ trang trí mâm ngũ quả và bàn thờ gia tiên. Bà ngồi rửa lá dong bên cầu ao, trò chuyện râm ran cùng các bà các cô hàng xóm về phiên chợ sáng nay. Mẹ cặm cụi nấu cỗ cúng tất niên, vừa làm, mẹ vừa chỉ dạy cho chị gái cách làm những món ăn ngon, đậm đà hương vị Tết. Bố trải chiếu trước thềm, chuẩn bị nào gạo, nào đỗ, thịt để gói bánh chưng.
Lũ trẻ chúng tôi chạy loăng quăng khắp nhà, khi thì ngó vào bếp hít hà thật lâu mùi thơm của món ăn mẹ nấu, lúc lại đứng bên ông ngắm câu đối đỏ ông vừa viết, giúp ông dựng cây nêu trước sân nhà. Nhưng có lẽ chúng tôi thích nhất là được ngồi nhìn bố gói bánh chưng và tự tay gói những chiếc bánh nhỏ xíu, vuông vức và xinh xắn cho mình.
Năm nào cũng vậy, cứ trưa ba mươi Tết, mẹ lại ra vườn hái nắm lá mùi già, đun nồi nước thật to cho cả nhà tắm, như một lời cầu mong gột bỏ mọi bụi bặm của năm cũ và đón một năm mới nhiều may mắn, an lành. Nồi nước mùi già bốc khói nghi ngút, tỏa hương thơm ngào ngạt khắp nhà. Cái mùi hương ấy cay cay, thoang thoảng mang đậm hồn quê, ngấm sâu vào da thịt, để rồi cho đến bây giờ và sau này tôi vẫn còn nhớ mãi.
Chiều ba mươi Tết, chúng tôi theo ông ra đồng thăm mộ các cụ, dọn dẹp sạch những ngôi mộ và đốt nén hương trầm mời gia tiên về ăn Tết, vui vầy cùng con cháu. Giữa đất trời bao la, mùi thơm của đất, của mạ non hòa quyện với mùi khói nhang thơm nồng tạo nên một hương vị mùa xuân rất riêng và đầm ấm.
Có lẽ, khoảnh khắc thiêng liêng nhất đó chính là thời khắc giao thừa, chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong giây phút đó, gia đình chúng tôi được đoàn tụ sum vầy bên nhau, cùng gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến cho ông bà, cha mẹ. Còn lũ trẻ chúng tôi được nhận những phong bao lì xì đỏ thắm.
Thời gian cứ thế trôi đi, tôi đã trưởng thành và không còn được đón tết như ngày xưa ấy. Nhưng đó mãi là miền ký ức đẹp gợi cho tôi nhớ về cội nguồn, về những cái Tết và một tuổi thơ êm đềm bên gia đình.
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Phạm Thị Hoan