Đêm giao thừa phòng cấp cứu nồng nặc mùi thuốc pháo. Khoa Bỏng, khoa Mắt, khoa Chấn thương là bận rộn nhất. Những ca bệnh tôi gặp thường có màu đen sẫm. Mặt mũi bệnh nhân đen như củ khoai nướng cháy, tóc và lông mày xoăn tít, hốc mũi và khoang miệng toàn muội khói đen.
Y tá dồn dập báo cáo tình hình: "Huyết áp bệnh nhân xuất huyết tiêu hoá từ 90/60 tụt xuống 60/40, mạch 115. Bệnh nhân mới vào chưa có chỉ định cận lâm sàng và y lệnh. Buồng lưu ghép ba bệnh nhân một giường không còn chỗ".
Các bác sĩ mổ gần như 24/24 giờ, giữa các ca mổ họ sẽ thay phiên nhau xuống phòng khám cấp cứu thực hiện đi tua, ra y lệnh và chỉ định mổ. Nhóm sinh viên Y năm thứ hai như chúng tôi phải hỗ trợ phụ mổ, nhưng công việc chính vẫn là trực phòng khám cấp cứu ngoại, khám bệnh nhân, ra y lệnh chụp chiếu xét nghiệm, y lệnh theo dõi và điều trị, giải quyết bệnh nhân về nhà theo dõi ngoại trú, theo dõi bệnh nhân nằm lưu, sơ cứu bệnh nhân tai nạn, cắt lọc vết thương, làm tiểu phẫu.
Trực ngày Tết bận rộn vất vả hơn rất nhiều so với ngày thường. Phòng khám cấp cứu nội khoa, nhi khoa, hồi sức chống độc đều chật kín bệnh nhân suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, viêm phổi... Số ca bệnh nhiều hơn, nhưng số nhân viên y tế trực ít hơn. Mỗi ca bệnh vẫn từng đó y lệnh, từng đó hoạt động cấp cứu. Y bác sĩ làm việc trong tình trạng căng thẳng hơn nhiều, và còn phải đối mặt với người nhà, thường là đã có chút hơi men từ các cuộc nhậu Tết. Rượu chè dường như tiếp sức, khiến họ hăng máu hơn, sẵn sàng chửi mắng, đòi đánh đập y bác sĩ và sinh viên thực tập thay vì cảm ơn và chúc Tết.
Trong bệnh viện không có Tết.
Khoảng 4h chiều 30, tôi đến căng tin mua một suất ăn trưa. Vì trực Tết lần đầu, tôi không biết nhà ăn đóng cửa. Các ngõ phố xung quanh không còn một quán ăn nào, cửa hàng tạp hoá nào cũng đã nghỉ bán. Đói và mệt, đầu óc trống rỗng, tôi không biết lấy gì để lấp đầy cái dạ dày được ăn bữa gần nhất từ tối hôm trước. Điều may mắn là một chị y tá mang cho tôi một gói mì tôm, cái bát và phích nước nóng.
Các y bác sĩ cũng trong cảnh tương tự, sau bữa trưa bằng gói mỳ lúc 4h chiều là lại quần quật cho tới bữa tối lúc 21h. Khoảnh khắc giao thừa ở các khoa chấn thương nặng vẫn chỉ là tiếng y tá báo cáo tình trạng bệnh nhân, mạch, huyết áp, tần số thở, nhiệt độ xen kẽ tiếng kêu la vì đau đớn của bệnh nhân.
Thời sinh viên năm nào tôi cũng phải trực Tết. Ra trường, trở thành bác sĩ, tôi thường trực hai ngày Tết mỗi năm, trong đó có một ngày 30 hoặc mồng Một. Đón Tết trong bệnh viện, khi quanh mình là những con người ở ranh giới sự sống và cái chết, giao thừa đối với chúng tôi cũng chỉ là một khoảnh khắc sinh tồn. Với nhiều đồng nghiệp, trong giây phút chuyển từ năm cũ sang năm mới, họ còn không thể rời mắt ra khỏi màn hình đo nhịp tim của bệnh nhân. Có nhiều năm, chúng tôi đối diện với cảm giác tuyệt vọng khi chứng kiến những người bệnh trút hơi thở cuối cùng ngay trước thời khắc giao thừa.
Nhưng bên ngoài bệnh viện, vẫn có nhiều người phung phí mạng sống của mình trong những ngày Tết.
Những năm sau lần trực Tết đầu tiên, khi Nhà nước đã cấm pháo, số bệnh nhân gặp các thương tích liên quan đến pháo, thuốc nổ giảm hẳn. Nhưng các ca bệnh đêm giao thừa không vì thế mà vơi đi. Các thương tích khác do tai nạn giao thông, say rượu đánh nhau, nghiện hút sốc thuốc gia tăng đột biến.
Theo thống kê của Bộ Y tế, bảy ngày Tết vừa qua có hơn 26.400 ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, 217 ca tử vong; 403 ca tai nạn do pháo và các vật liệu nổ (tử vong 2), 11.964 ca tai nạn sinh hoạt (tử vong 19) và 3.041 ca tai nạn do đánh nhau (tử vong 10).
So với cùng kỳ Tết Nhâm Dần, số ca cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông tăng 13,5%; cấp cứu do pháo nổ tăng 34,5%; do đánh nhau tăng gần 2%.
Những báo cáo về các ca tử vong sau Tết chính là mất mát lớn nhất của kỳ nghỉ được trông đợi nhất này.
Đây cũng chính là nỗi ám ảnh của tôi khi trực Tết - chứng kiến những ca cấp cứu, những cái chết không phải do bệnh tật hay tuổi tác, phần nhiều còn rất trẻ, mà do sự bất cẩn, do vui chơi quá đà hoặc không kiểm soát được cảm xúc, hành vi của bản thân vào dịp Tết.
Sinh mạng con người là điều quý giá nhất và chỉ có một. Kể câu chuyện trực Tết, tôi không nhằm than khổ về công việc của một bác sĩ, mà chỉ muốn chia sẻ rằng: giữ gìn, bảo trọng để không gây tổn thất cho chính mình và người thân chính là điều quan trọng đầu tiên để có một cái Tết đoàn viên trọn vẹn.
Trần Văn Phúc