Đặc biệt trẻ nhỏ luôn háo hức mong chờ ngày Tết với quần áo mới, tiền mừng tuổi (lì xì) và được bố mẹ cho đi chơi thăm anh em, họ hàng. Dù đang ở bất cứ nơi đâu lòng luôn hướng về quê hương mỗi dịp Tết đến xuân về đó chính là nét đẹp văn hoá truyền thống, nhân văn đầy ý nghĩa.
Tết là dịp mỗi chúng ta ai ai cũng hướng về quê hương, nơi chôn rau cắt rốn, hướng về gia đình, mong ngày sum họp cùng nhau bên mâm cơm tất niên đầm ấm để chờ đón phút giao thừa thiêng liêng. Đó là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, hướng về bạn bè "đồng môn" thủa cùng nhau cắp sách tới trường mong ngày gặp mặt hội tụ. Chúng ta lại bước vào một vòng quay mới của thời gian, một mùa xuân mới "Xuân Quý Tỵ" với đầy ước mơ và hy vọng.
Nhớ lại những năm 80 của thế kỷ 20 trong thời kỳ bao cấp đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Ở quê mình Hải Hậu, ước tính có khoảng 70% đến 80% gia đình thiếu đói, nhưng không khí chuẩn bị đón Tết thật vui. Nhà nhà, người người trong những ngày giáp Tết đều tất bật chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, quét vôi trắng làm sạch ngôi nhà. Việc chuẩn bị dụng cụ lương thực thực phẩm, lá dong để gói bánh chưng thờ cúng ông bà tổ tiên và làm quà đi chúc Tết anh em họ hàng diễn ra rất đều đặn.
Những gia đình nào có con trai cưới vợ trong năm phải chuẩn bị thật nhiều để đi ăn Tết rể, thường mỗi gia đình theo luật bất thành văn tiêu chuẩn được hai chiếc (một cặp)... Hồi đấy tôi còn nhỏ gần đến Tết được bố mẹ nhắc là chuẩn bị gói bánh chưng thì phấn khởi lắm và thường đăng ký trước Tết từ rất lâu với bố, mẹ là được xin một xuất được phụ giúp trông nồi bánh chưng, trước đó cùng với các anh, chị tích cực chuẩn bị củi để đun bánh... Đồng thời chờ xem năm nay đội sản xuất thịt bao nhiêu con lợn, có bao nhiêu con trâu già, ốm yếu không thể kéo cày được nữa thì đem giết thịt để chia cho các xã viên hợp tác xã theo tiêu chuẩn, nhân khẩu dù thịt trâu hồi đó rất dai. Nhưng ai cũng vô cùng hóa hức với món thịt trâu xào với rau cần thơm phức trong ngày 30 Tết. Thật là "một miếng khi đói bằng một gói khi no".
Còn Tết ngày nay thì không được ăn thịt trâu già nữa mà thịt trâu đã trở thành đặc sản rồi... "không dai" như trước. Hiện nay, đối với nhà nông, con trâu không còn là "đầu cơ nghiệp" nữa, mà thay vào đó là máy móc, cơ giới hóa phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiêp nông thôn.
Thời gian trôi đi thật nhanh, có lẽ việc chuẩn bị Tết của những năm trước đây giờ chỉ còn trong ký ức của mỗi người, nhưng đó là những ký ức rất đẹp về một thời đã qua. Tết đến, khoảng khắc giao thừa sâu lắng, thiêng liêng, những người sống ở xa quê luôn hướng về quê hương. Có một câu châm ngôn rất hay được cả thế giới tin dùng nhắc nhở chúng ta không được phép quên quá khứ "Nếu anh bắn súng lục vào quá khứ thì tương lai sẽ nã đại bác vào anh". Chúng ta nhìn lại quá khứ để chuẩn bị hành trang cho một hành trình mới, cầu chúc cho tương lai một năm mới tốt đẹp hơn và nhắc nhở chúng ta rằng "Có trước thì mới có sau", "quê hương mỗi người chỉ một" và luôn gắn bó với tuổi thơ thật đẹp của mỗi người.
Tết... Tết... Tết... Tết đến rồi. Tết đến trong tim mọi người.
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
vuquanghuy1974