Em - người con gái miền Trung gió Lào mặn chát. Em - 25 tuổi, yêu anh bởi thứ giọng nhẹ như hát để rồi theo cái rét miền Bắc làm vợ anh, làm dâu cha mẹ. Bạn bè bảo em dại khi cưới vào tháng 12, không ở ăn nốt với thầy mẹ một cái Tết. Để rồi Tết năm ấy em khóc như mưa khi tất cả ùa về thổn thức.
Nhớ lắm! Tết quê em đã về từ đầu tháng 12 âm lịch, trong những chầu nước chè xanh người lớn đã bàn tán gieo cấy có kịp đón tết không, năm nay đụng thịt lợn nhà nào, "đụng" cá ao nhà ai, nhà ai có lá giong riềng xanh để mà xin... Người lớn bảo chẳng lo gì bằng củi đun và cỏ cho trâu bò ăn ba ngày Tết. Vậy nên, trước Tết, sau khi gieo cấy xong, đến việc quan trọng hàng đầu là "đi củi". Nói là "đi củi" bởi mẹ và chị cùng mọi các dì, các bác phải đi cả ngày đường lên đồi, lên núi lượm lặt những lá thông, củi khô và cả cỏ cho trâu bò nữa. Trẻ con ở nhà vừa chơi vừa trông củi, hễ trời động cơn mưa là phải thu gom vào kho ngay. Bao giờ cũng thế, khoảng ngày 23 âm lịch là củi khô, cỏ khô đã chất thành từng đống gọn gàng, thơm nồng. Ngày đó em chỉ chăm chăm đếm ngược thời gian, ì xèo đòi quần áo mới chứ nào đâu hiểu Tết là bao vất vả, lo toan của thầy mẹ.
Nhớ lắm! Hôm thầy gói bánh chưng, các anh ngồi thắt lạt thành chong chóng và bó bánh tét, chỉ có em và chị tư là được ăn số bột đậu còn sót lại. Thương làm sao dáng mẹ gầy ngồi bên bếp lửa canh nồi bánh, nướng cho bọn em từng cọng miến trắng ngần.
Phải nhẹ nhàng thôi, mạnh tay giành nhau là miến gãy ngay. Miến nướng khen khét, giòn rụm, dễ gãy. Dẫu hoan hỉ với cuộc đời đang từng ngày sung sướng thì từng cọng miến nướng vẫn còn mãi cho đến về sau. Năm nào cũng vậy, em không thức chờ nổi đến lúc "bánh con" chín, để sáng mai khóc ầm lên khi chị Tư bảo "Chị chơi bánh con từ tận tối qua rồi cơ". Thế mà... em lấy chồng trước chị tư. (Bánh con là loại bánh chưng, bánh tét được gói thật nhỏ để cho trẻ con trong gia đình. Khi nấu, bánh con thường chín trước nên trẻ con hay thức nấu bánh để cố đợi lấy bánh chơi và sau đó ăn).
Nhớ lắm! Sáng sớm, gió se lạnh, em lẽo đẽo theo thầy đến ao cá, nhận cá được chia, đến nhà đụng thịt lợn nhận phần. Nào cá mè, cá chép, cá trôi, cá trắm... nằm la liệt, trắng sáng lấp lánh. Cá to thì được cân chia đều, cá nhỏ thì phát theo số lượng con. Ai cũng vui mừng, ì ạch bê cá về nhà. Tết trong tuổi thơ em, không có thịt bò, không có giò chả, sang lắm chỉ có cá và thịt lợn thôi. Nhưng nhiều món lắm: thịt đông, thịt giả cầy, xương hầm, cá kho nghệ, cá kho riềng, cá kho tương... chỉ khổ cái thân mẹ gầy gò với những chiếc nồi đất nung nâu, gia vị và những mâm cơm cúng đều đặn 3 bữa cho những ngày Tết.
Đêm giao thừa, cả nhà thức trắng, hì hục làm gà, làm bánh trôi, xào rau cải với miến để thầy kịp mời ông bà về ăn Tết. Giao thừa, thầy cúng một mâm ngoài sân nữa, thầy bảo: "Cúng cho những vong hồn không có gia đình". Mắt em nhòe đi khi nhớ đến miếng bánh trôi mật ngọt lịm, thơm mùi gừng, nhớ đến bộ quần áo mới màu hồng mẹ mua cho em. Mẹ bảo thích màu hồng là khờ dại lắm.
Nhớ lắm! Quên làm sao được, nên em bỗng kể lể như một bà lão 80 mất rồi. Mà không, chắc phải là tuổi 90 mới đúng vì những gì em kể không thứ tự, rành rọt, cứ nhập nhằng như hồi ức trong em. Trong muôn vàn thứ nhập nhằng đó, chỉ có niềm vui, ăn uống, quần áo mới... mà thiếu đi một điều. Đó là sự thấu hiểu cho những vất vả, cực nhọc, tằn tiện của thầy mẹ để cho em những mùa tết tuổi thơ ấm áp. Trẻ con vốn vậy, hay chỉ khi làm dâu xứ người em mới thấm cái mặn mòi của tình máu mủ?
Em - 25 tuổi, xa nhà đi học hơn 10 năm, chợt nhớ nhà, nhớ thầy mẹ, nhớ anh chị, nhớ mùi nồng nồng âm ấm của quê hương biết mấy. Anh chị em trong nhà đều đã có gia đình, chỉ còn chị tư với thầy mẹ già yếu. Nước mắt em chảy dài. Anh lo lắng "Em làm sao thế?". Em yêu anh, cả đời em sẽ gắn bó với anh và bố mẹ, với những mùa Tết nơi đất Bắc nhưng giờ đây mắt em mờ đi, chỉ thấy màu trắng của cá, màu xanh của bánh chưng, màu hồng của quần áo mới. Vỡ òa như đứa trẻ, sà vào lòng anh, em tức tưởi "Mẹ bảo em dại cũng đúng. Răng lấy chồng xa làm chi không biết"...
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Nguyễn Phan Hoa