Thứ hai, 2/12/2024
Thứ năm, 14/2/2019, 00:00 (GMT+7)

Tết Nhảy, nghi lễ lớn nhất trong đời người Dao Quần Chẹt

Phải lập gia đình, người Dao Quần Chẹt mới được tổ chức Tết Nhảy một lần trong đời.

Những ngày cuối tháng Chạp là thời điểm người Dao (Tuyên Quang) tổ chức lễ Tết Nhảy, đây là nghi lễ một lần trong đời của các thế hệ trong gia đình. Lễ hội văn hoá riêng có của người Dao Quần Chẹt cư trú chủ yếu ở huyện Sơn Dương. Mỗi năm chỉ một gia đình trong bản được tổ chức nghi thức Tết này.

Ngày 13/2, lễ hội Tết Nhảy được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) trong sự kiện Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc.

Tết nhảy hay “Nhiang chằm Đao” là nghi lễ cúng Bàn Vương - thủy tổ của dân tộc Dao. Sau khi chọn được ngày làm lễ, chủ nhà sửa sang thay mới ban thờ. Lễ có con lợn (khoảng 10-15 kg), năm chiếc bánh dày hoặc bánh ống. Nhà nào không có lợn thì thịt một con vịt hoặc ba con gà đặt lên ban thờ.

Trong một năm, đồng bào Dao Quần Chẹt ăn rất nhiều Tết như Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng), Hàn thực (3/3 Âm lịch), Đoan ngọ (5/5 Âm lịch), Nguyên đán, song Tết Nhảy là lớn nhất. 

"Linh vật" của lễ cúng là chiếc mũ giấy bốn mặt, được coi là hoá thân của con ba ba. Mỗi mặt mũ vẽ các vị thần của người Dao. Mũ được treo cao trên ban thờ để làm lễ. Đạo cụ chuẩn bị cho lễ cúng gồm: giấy màu, que tre làm cán cờ, kiếm, rìu, búa, súng, lệnh bài… 

Lễ cúng thường bắt đầu vào mờ sáng và kéo dài khoảng 3 ngày đêm.

Điệu múa bắt ba ba là điệu nhảy xuyên suốt trong buổi lễ. Các động tác diễn tả hành động bắt ba ba, đem mổ, băm, xào, nấu dâng cúng Bàn Vương, cầu Bàn Vương phù hộ độ trì cho gia chủ, bản làng được bình yên, mùa màng tươi tốt.

Sáu người tham gia nhảy các điệu mô phỏng hành động phát cây mở đường, đâm chém thú dữ, tự vệ khi kẻ thù tấn công… 

Điệu múa kiếm thể hiện nghi lễ tạ ơn tổ tiên và các vị thần đã bảo vệ cuộc sống cho dân làng.

Kết thúc nghi lễ, thầy cúng mời rượu các vị thần và hóa tiền vàng mong các cụ phù hộ độ trì cho con cháu, xóa tai ương, bệnh tật, xua đuổi tà ma…

Thầy cúng vẩy những nắm gạo quanh nhà để kết thúc ba ngày làm lễ. Cộng đồng dân tộc Dao ở Tuyên Quang hiện có hơn 77.000 người, chiếm 11% dân số toàn tỉnh (đứng thứ ba sau dân tộc Kinh, Tày). Dân tộc Dao có 9 ngành: Dao Đỏ (Đại Bản), Dao Tiền (Tiểu Bản), Dao Quần Chẹt, Dao Áo Dài (Dao Tuyển), Dao Thanh Y, Dao Quần Trắng, Dao Coóc Ngáng, Dao Coóc Mùn, Dao Ô Gang (có nơi gọi là Lồ Gang - Thanh Phán) cư trú chủ yếu ở miền núi phía Bắc.

Ngọc Thành