![]() |
Ông Lê Bắc Huỳnh: "Tết trời có rét nhưng vẫn thích hợp để du xuân". |
- Xin ông cho biết cụ thể hơn tình hình thời tiết từ nay đến Tết?
- Chiều tối nay (22/1), Bắc Bộ, sau đó là Bắc Trung Bộ sẽ chịu ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh tăng cường yếu, gây mưa nhỏ, mưa phùn, nhiệt độ trung bình ngày giảm đi chút ít so với mấy ngày qua. Gió đông bắc trong đất liền không mạnh, chỉ cấp 2-3 và không có khả năng rét đậm. Trời sẽ tiếp tục rét, nhưng có khả năng khô ráo, thuận lợi cho bà con chuẩn bị sắm Tết.
Trong các ngày 27-28/1 (tức 25-26/12 âm lịch), Bắc Bộ lại tiếp tục chịu ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh tăng cường yếu gây mưa nhỏ, mưa phùn, gió đông bắc trong đất liền cấp 3-4. Trời có thể rét hơn.
Vì có nhiều đợt không khí lạnh tăng cường nên vùng Nam Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên, trời sẽ mát hơn vào mấy ngày Tết (khác với mọi năm, thường nắng nóng).
- Bắc Bộ liệu có khả năng rét đậm, rét hại và tuyết rơi ở một số khu vực núi cao?
- Cho đến nay, chúng tôi chưa thấy những dấu hiệu của một đợt rét đậm, rét hại kéo dài trong 10-15 ngày tới. Hơn nữa, cũng ít thấy khả năng có tuyết rơi ở các khu vực Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Sapa (Lào Cai), Đồng Văn (Hà Giang). Nói theo ngôn ngữ kỹ thuật thì vậy, song thời tiết, khí hậu bây giờ ngày càng “đỏng đảnh” hơn trước, diễn biến rất bất thường.
- Còn tình hình khô hạn, thiếu nước trong những tháng tới sẽ như thế nào?
- Thời gian qua, ở Bắc Bộ trời ẩm, lượng nước sông, hồ khá nhiều. Thậm chí trong những ngày đầu tháng 1 đã xảy ra trận lũ lớn rất hiếm thấy trên hệ thống sông Hồng. Hiện nay, tuy đã bước sang thời kỳ những tháng khô kiệt nhất trong năm, nhưng nước các sông Bắc Bộ vẫn đang ở mức trung bình hoặc cao hơn trung bình nhiều năm. Các hồ chứa, đặc biệt là hồ Hoà Bình có thể đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất cho vùng đồng bằng trong các tháng 2-4. Tuy nhiên, tại một số nơi miền núi, trung du Bắc Bộ, nơi không có hồ chứa phải đề phòng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất.
Tại Trung Bộ, nước sông ở mức trung bình nhiều năm. Từ tháng 4 đến 7, bà con cần đề phòng khả năng thiếu nước, khô hạn. Tại Nam Bộ, dòng chảy các sông có thể tương đương cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do việc khai thác nguồn nước cho sản xuất tăng rất mạnh trong những năm gần đây, nên cần đề phòng nước mặn xâm nhập và thiếu nước sinh hoạt.
Riêng khu vực Tây Nguyên, tình hình khô hạn, thiếu nước sẽ diễn biến phức tạp hơn. Hiện nay, dòng chảy các sông ở khu vực này thấp hơn trung bình nhiều năm, tuy không nhiều, khoảng 10-20%. Thời gian tới, Tây Nguyên có thể không mưa hoặc ít mưa kéo dài, dòng chảy các sông, hồ chứa sẽ giảm dần và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khoảng 30-40%. Cá biệt một vài nơi, lượng dòng chảy giảm hụt tới trên 50-60%. Vì vậy, Tây Nguyên cần chủ động đề phòng khả năng khô hạn và thiếu nước nghiêm trọng trong 2-3 tháng tới.
Đánh giá một cách tổng quát, tình hình khô hạn, thiếu nước tại Nam Bộ, Tây Nguyên sẽ không nghiêm trọng như mùa khô các năm 1997-1998, 1998-1999 và 2001-2002. Đến cuối tháng 4-5, hai khu vực này sẽ bắt đầu mùa mưa, chấm dứt tình trạng khô hạn.
- Nhiều người cho rằng, sự khô hạn ở Tây Nguyên hiện nay là do ảnh hưởng của El Nino. Ông có ý kiến gì về việc này?
- Theo nhiều thông báo gần đây của các trung tâm khí tượng lớn trên thế giới, El Nino bắt đầu hoạt động từ tháng 11/2002, nhưng rất yếu và không mạnh như năm 1997-1998. Những biểu hiện cụ thể là: lụt lội trên diện rộng ở châu Âu, giá rét kéo ở hầu khắp Bắc - Đông - Trung Á, thậm chí cả ở Ấn Độ, Banglades... Tại Việt Nam, đến nay chưa có dấu hiệu rõ rệt cho thấy thời tiết, khí hậu chịu ảnh hưởng rõ rệt của El Nino năm nay. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta được chủ quan, bởi nếu xuất hiện, El Nino sẽ gây khô hạn, thiếu nước và ngay sau đó là mưa lớn, bão mạnh, lũ lụt.
Như Trang (thực hiện)