Chia sẻ với báo chí chiều 25/12, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết đã xong khâu chuẩn bị cung ứng tiền mặt đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân trong dịp Tết, cả về số lượng và cơ cấu mệnh giá. Ngoài chỉ đạo điều chuyển tiền mặt tới các tỉnh, thành để dự trữ cuối năm, Phó Thống đốc cũng yêu cầu các ngân hàng tăng cường tiếp quỹ ở các máy ATM trong dịp Tết.
Riêng về việc đưa vào lưu thông tiền mệnh giá nhỏ từ 2.000 đồng trở xuống, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết năm nay sẽ hạn chế in mới loại tiền này.
Ông Đào Minh Tú cho biết, cứ đến dịp Tết, nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ của người dân rất cao nhưng lại chủ yếu nhằm phục vụ cho việc lễ hội, đi chùa. "Lượng in mới chỉ đủ để thay thế số tiền cũ đã rách, nát hư hỏng chứ không nhằm mục đích phục vụ đi lễ chùa", ông Tú nói. Thay vào đó, nhà điều hành sẽ đưa vào lưu thông lượng tiền 2.000 đồng, 1.000 đồng, 500 đồng... đã qua sử dụng một lần để tránh gây lãng phí.
Với các loại tiền mệnh giá từ 5.000 đồng trở lên, Ngân hàng Nhà nước cho biết không có nhiều thay đổi so với các năm và vẫn đảm bảo nhu cầu tiền mới lì xì của người dân.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hằng năm cho thấy, chỉ một phần lượng tiền mới mệnh giá nhỏ (từ 2.000 trở xuống) được dùng vào phương tiện thanh toán sau khi lưu thông. "Số còn lại chủ yếu dùng cho các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng. Sau Tết, số tiền này lại quay về ngân hàng và rất khó đưa lưu thông trở lại", đại diện Ngân hàng Nhà nước chia sẻ. Do đó, nhà điều hành khuyến cáo người dân hạn chế những tiêu cực khi sử dụng tiền mệnh giá nhỏ.
Phân tích thêm về sự tốn kém trong chi phí in ấn loại tiền mệnh giá nhỏ nhưng tần suất sử dụng không lớn, Phó Thống đốc cho biết, riêng chi phí in ấn mệnh giá từ 2.000 đồng trở xuống mất khoảng 300 tỷ đồng. "Chưa kể các chùa chiền cử người kiểm đếm, ngân hàng phải tổ chức nhận tiền lại, chuyển tiền... Trong điều kiện ngân sách còn đang khó khăn, 300 tỷ này có thể sử dụng vào rất nhiều mục tiêu khác", Phó Thống đốc nói.
Tết Quý Tỵ 2013, Ngân hàng Nhà nước cũng không in thêm tiền mới mệnh giá 500 đồng. Ở các mệnh giá nhỏ còn lại, nhà điều hành cũng in mới hạn chế bởi lượng tiền trong quỹ còn dư khá lớn.
Theo phân tích của lãnh đạo Cục Phát hành Kho quỹ, in tiền lẻ thường tốn kém hơn rất nhiều so với mệnh giá lớn. Ví dụ muốn in 1.000 đồng thì chi phí phải cao gấp đôi. Trong khi đó, những mệnh giá nhỏ như 1.000 đồng hay 500 đồng chủ yếu dùng để đi lễ chùa.
Thanh Thanh Lan