Mẹ sinh con ra trong bao khó khăn nhọc nhằn, vì cái đói nghèo của đất Thanh Hóa thật không đơn giản để kiếm miếng cơm manh áo. Thế nên, dứt ruột ra đi vào Nam tìm một tương lai tươi sáng hơn, chúng ta trở thành người tha hương, đất khách quê người.
Những năm tháng cái đói nghèo bám riết, lấy mất tuổi thanh xuân của mẹ, mẹ làm đủ mọi nghề để con được như chúng bạn. Những bữa cơm đạm bạc chỉ có mắm mặn và rau dại mà ngon quá, tiếng cười giòn tan của con xua tan mọi mệt nhọc đời mẹ. Đáp lại sinh công thành dưỡng dục, con tặng mẹ món quá nhỏ là giấy khen, là quần áo và xe đạp khi giành được phần thưởng học sinh giỏi, khi đạt danh hiệu “Trò nghèo vượt khó”, khi đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh và quốc gia. Mỗi lần như vậy, mắt mẹ lại nhòe lệ, nước mắt của giây phút đó không còn mặn chát mà thật ngọt ngào, con yêu mẹ lắm.
Mười tám tuổi bước chân vào giảng đường sư phạm, ước muốn trở thành một cô giáo, ước mơ mà đời mẹ bỏ dở vì cái đói nghèo được con tiếp bước. Bốn năm trời mẹ tần tảo gửi tiền cho con ăn học, lưng mẹ còng hơn, bệnh tật đeo bám mẹ trong từng giấc ngủ, trở mình nặng nhọc. Mỗi tháng cầm tiền mẹ gửi con đều cay xè khóe mi, mẹ đã bỏ biết bao nhiêu mồ hôi, công sức để con được học hành nên người.
Ngày con tốt nghiệp, con xinh đẹp, thiếu nữ đôi mươi rạng rỡ bên mẹ hiền. Con ra trường, con đi làm, rồi con cũng yêu và tìm được người đàn ông mà con tin rằng đó là một nửa còn lại. Giây phút con lên xe hoa về nhà chồng mẹ đã khóc, con cũng khóc như chưa từng được khóc, cảm giác đó con không bao giờ quên.
Ngày xưa, con vẫn nghe người ta nói “Ngày đủ lông đủ cánh, có con chim nào không bay đi, có mấy ai hiểu hết nỗi lòng cha mẹ”. Con mặc áo cô dâu theo chồng về nhà người khác, còn lại mẹ yêu buốt lạnh, góc bếp lửa không còn nồng ấm nữa. Xô bồ cuộc sống, công việc bận rộn quá kéo con đi, những lo toan của cơm áo gạo tiền khiến những rung cảm của trái tim con như nguội lạnh.
Mỗi cuối tuần con tranh thủ gọi cho mẹ, tỉ tê mẹ nghe những vui buồn của một người phụ nữ có chồng. Con hỏi mẹ kinh nghiệm giải quyết, dung hòa những bất hòa của đời sống vợ chồng, nhờ mẹ chỉ dạy nữ công gia chánh. Mẹ lại trở thành một người bạn tâm giao chỉ dạy con từng chút một. Đôi khi con có cảm giác mẹ giống như bà tiên trong giấc ngủ trẻ thơ của con ngày xưa, mẹ ạ.
Thời sinh viên, một tháng ít nhất một lần con về với mẹ, đôi khi chỉ đợi mỗi cuối tuần để dậy thật sớm ra bắt xe bus về ngay với mẹ. Giờ đây, có hạnh phúc riêng rồi, tự nhiên con chểnh mảng, những chuyến xe về với mẹ thưa dần. Thay vào đó là những lần ra bưu điện gửi tiền biếu mẹ, muốn mẹ ăn uống đầy đủ, khám bệnh thường xuyên vì giờ đây kinh tế đã khá giả. Để rồi mỗi khi nhận tiền mẹ lại gọi lên mắng yêu “Mẹ có cần tiền đâu mà gửi. Có thời gian hai vợ chồng về nhà ăn cơm là được. Tiền con gủi mẹ để dành sau này mua đường sữa, tã lót cho cháu ngoại thôi”. Mẹ cũng như bao bà mẹ Việt Nam khác, cả đời chăm chồng, chăm con, rồi lại đợi chờ những đứa cháu, chẳng bao giờ mẹ sống cho mình.
Con thấy nhớ mẹ lắm, bao lâu rồi con chưa về với mẹ. Con biết mẹ không quen cuộc sống đất Sài Gòn, mẹ yêu mái nhà ở quê có làng xóm, có mảnh vườn xanh mướt mắt, ao cá bọt tung trắng xóa hơn, mẹ không ở cùng vợ chồng con. Vậy nhưng nghĩ đến cảnh mẹ con mỗi người một nơi, con thương mẹ quá, con cảm thấy mình bất hiếu quá mẹ ạ.
Thế nên con muốn thời khắc chuyển giao năm mới 2015 này sẽ về với mẹ, vợ chồng con muốn mẹ cười thật tươi, muốn được ăn cơm mẹ nấu, muốn nhìn thấy bếp hồng đỏ lửa của mẹ. Con yêu mẹ lắm, chờ con nhé mẹ, con sẽ về cho kịp năm mới 2015 để cả nhà ta cùng đón khoảnh khắc vàng.
Mai Trang
Cuộc thi “Thời khắc yêu thương” do Công ty TNHH Sapporo Việt Nam phối hợp với VnExpress thực hiện. Đây là nơi để bạn chia sẻ những kế hoạch, dự định ý nghĩa đến người mà bạn mong muốn gửi lời tri ân, yêu thương và cùng họ trải qua những thời khắc cuối cùng của năm. Chương trình kéo dài từ ngày 26/11 đến ngày 23/12 trên trang Đời sống, báo VnExpress. Độc giả gửi bài tham dự tại đây. |