Chỉ đón Tết ở quê, con mới cảm nhận hết hơi ấm của tình mẫu tử, mới thấy được trọn vẹn những giá trị thiêng liêng về nguồn cội mà ngoài quê hương - chẳng nơi nào có được.
Năm nào cũng vậy, cứ đến đầu tháng Chạp, tôi lại bắt đầu đếm lùi từng bữa. Vợ chồng tôi đều lập nghiệp xa quê, Tết là dịp để chúng tôi được về quê thăm người thân, để các con tôi được gần gũi ông bà và thỏa sức cho cha mẹ chúng ôn lại những kỷ niệm thời xưa cũ.
Tôi nhớ đến nôn nao những ngày Tết êm đềm thời thơ ấu. Đó là những chiều 28, tôi cùng mẹ và chị gái rửa lá rong bên sân giếng, bố quét lại vôi ve cho cửa nhà thêm sáng. Đến tối, cả gia đình tôi quây quần quanh bếp lửa hồng trông nồi bánh chưng. Cha thường kể chuyện tiếu lâm cho mẹ con tôi nghe để quên thời gian đang chầm chậm trôi về sáng.
Về quê ăn Tết, tôi được đi giữa không gian thanh bình, yên ả, được hít hà mùi khói bếp cay nồng sống mũi. Nhưng vui nhất có lẽ là khoảng thời gian tôi cùng cả nhà đi chúc Tết. Tiếng cười nói ríu ran suốt cả buổi, ra đường gặp bất kỳ ai, từ làng trên đến xóm dưới đều thấy quá đỗi thân quen. Có những bạn bè, anh em lâu ngày không về quê, gặp nhau trên đường, ai nấy đều mừng vui khôn tả. Những nụ cười thật tươi, những cái nắm tay, ôm nhau nhau thật chặt như chẳng muốn rời.
Lớn lên, tôi đi học xa nhà rồi lập gia đình. Cũng như gia đình tôi, nhà chồng tôi rất coi trọng những lễ nghi trong dịp Tết. Trong bữa cơm tất niên, dù ai bận công việc gì cũng phải gác lại chuyện riêng để về tụ họp. Vào tối giao thừa, sau khi đồng hồ điểm mười hai tiếng chuông, cha thắp thêm hương lên bàn thờ gia tiên rồi gọi chúng tôi lại cùng bật sâm-panh. Chúng tôi ngồi quanh cha mẹ để được nghe lời chúc đầu năm và được nhận những bao lì xì đỏ thắm.
Lời chúc đầu năm bao giờ cha mẹ cũng mong chúng tôi luôn giữ được cái đức, cái tâm của nghiệp làm báo: “Tâm có sáng thì đức mới bền. Cha mẹ mong các con ngày một trưởng thành và làm được nhiều điều có ích”. Chỉ bấy nhiêu thôi nhưng không bao giờ chúng tôi quên được những lời chúc mà cũng là những lời căn dặn đầy tình thương yêu của đấng sinh thành.
Giờ thì cha mẹ chồng tôi không còn nữa. Sau khi ăn Tết cùng cha con tôi, vào một sớm tinh mơ của ngày mồng bốn, mẹ thanh thản xuôi tay. Niềm đau chưa nguôi thì cùng năm đó- cũng vào một ngày gần Tết- cha tôi lại đột ngột ra đi. Người ta mất mẹ còn cha, đằng này trong một năm, anh em tôi mồ côi cả cha lẫn mẹ. Chẳng đớn đau nào có thể sánh được, xót xa “như rụng bàn tay”.
Giao thừa năm đó, chúng con đứng trước bàn thờ cha mẹ mà nước mắt như mưa. Những tiếng khóc không thể kìm nén cứ thế bật lên thành lời. Chưa năm nào chúng con đón một giao thừa mà trong lòng thấy trống vắng và hụt hẫng như vậy. Chúng con không còn được cha bật sâm-panh chúc Tết nữa, không được mẹ ân cần dặn dò những điều hay lẽ phải. Những kỷ niệm đẹp và thiêng liêng ấy, giờ chỉ còn trong ký ức.
Nhưng cũng đã 6 năm rồi, kể từ ngày mẹ cha khuất núi, không năm nào chúng con quên về quê đón Tết. Nhiều người vẫn bảo: “Ông bà, bố mẹ mất cả rồi, về quê làm gì nữa”. Dù cha mẹ không còn nữa nhưng vẫn còn đây nếp nhà cũ, còn những cây bưởi, cây bòng do cha trồng và những bụi mẫu đơn ngày ngày mẹ vẫn từng vun xới. Con vẫn nghe đâu đây, trong rì rào tiếng lá giọng nói trầm ấm của cha. Và đất dưới chân con như đang thì thầm, rằng cha mẹ chưa lúc nào thôi nghĩ về chúng con. Cha mẹ không còn những vẫn luôn ngóng đợi chúng con về quê đón Tết - con tin như vậy.
Tết vắng bóng mẹ cha, vắng cả hình dáng thân quen của vại hành muối mà cha thường để nơi góc bếp, vắng những món bánh từ hạt gạo nếp dẻo thơm mẹ vẫn làm. Nhưng chưa năm nào chúng con thiếu những món ăn ngày Tết; hàng xóm láng giềng ai cũng thương quý chúng con, san sẻ cho chúng con từng củ hành, củ kiệu.
Chỉ về quê đón Tết, chúng con mới cảm nhận hết hơi ấm của tình mẫu tử và tình nghĩa xóm làng thân thuộc, mới thấy được trọn vẹn những giá trị thiêng liêng về nguồn cội mà ngoài quê hương- chẳng nơi nào có được.
Cám ơn mẹ cha đã cho chúng con ký ức đẹp về những cái Tết đầm ấm, thân thương. Chúng con đội ơn đấng sinh thành đã dạy cho chúng con những bài học đầu tiên về đạo làm người. Tết này, chúng con sẽ lại về quê.
Vân Thanh
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Gửi bài dự thi tại đây. |