Khâu nhục là món ăn không thể thiếu trong các đám cưới hỏi, lễ tết của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn. Nếu thắc mắc về cái tên lạ tai này, bạn sẽ được trả lời rằng “khâu” nghĩa là hấp chín đến mềm gục, “nhục” là thịt”. Một số nơi còn gọi là nằm khâu.
Đây là món ăn được chế biến theo quy trình vô cùng cầu kỳ, tốn thời gian, phải đầy đủ các loại gia vị cần thiết, dù thiếu một thứ cũng không thành vị món khâu nhục. Thịt lợn ba chỉ rửa sạch, cắt miếng to chừng 0,5 kg, luộc sơ qua, vớt ra, rồi dùng tăm tre đâm nhiều lỗ qua lớp bì để khi nấu được ngấm gia vị sau đó đem quay, vừa quay vừa phết mật ong cho vàng bì. Nếu không có dụng cụ để quay thì đem chiên trên chảo mỡ nóng, chỉ chiên phần bì cho vàng, giòn. Vớt ra, thái thành miếng dày chừng 2 ngón tay, mỗi miếng đều có bì, mỡ, thịt.
Khoai môn loại ngon, cắt khúc, rán vàng. Hỗn hợp gia vị để nấu khâu nhục rất cầu kỳ, gồm hành, tỏi, gừng, húng lìu băm nhuyễn, đường, tiêu, dầu hào, ngũ vị hương, một ít rượu trắng… Không thể thiếu lá tàu soi - một loại rau muối mặn của người Tày, Nùng, băm nhỏ. Cho thịt đã thái cùng hỗn hợp trên vào xoong lớn, ướp chừng 15 phút cho ngấm hết gia vị.
Chuẩn bị một chiếc đĩa và bát tô có đường kính tương ứng nhau. Khi xếp lên đĩa, lá tàu soi xếp dưới cùng, xếp khoai môn vào giữa và xếp các miếng thịt xung quanh sao cho phần bì quay lên trên, thịt ôm trọn gia vị và khoai vào lòng, tạo thành hình một ngọn đồi nhỏ. Úp bát vào, lật lại để nguyên đĩa và xếp từng bát vào nồi hấp cách thủy trong khoảng 4-5 h cho thịt chín nhừ. Khi lấy ra ăn thì khéo lật úp bát thịt ra đĩa, mở bát ra là mùi thơm ngào ngạt tỏa ra cùng màu vàng ngon mắt.
Khâu nhục có thể ăn kèm cơm, bánh mì và các loại rau trong bữa sáng hoặc bữa chính. Thịt heo mềm nhừ, ngấm vị khoai môn cùng gia vị đậm đà, phần bì hơi ngòn ngọt vị mật ong, phần mỡ ngậy nhưng không hề tạo cảm giác ngấy. Tất cả hòa quyện trong một món ăn khiến người thưởng thức thấy ấm lòng hơn giữa tiết trời xứ lạnh.
Bài và ảnh: Thanh Tuyết