Mùa đông năm nay trong tôi dường như có chút gì đó lạnh lẽo cô đơn hơn... Không phải cái lạnh do thời tiết mà là cái lạnh trong tâm trí, trong suy nghĩ khi phải xa gia đình lần đầu tiên. Hơn thế với cái thời tiết se lạnh cuối đông phảng phất chút mưa, khiến tôi lại càng thấy buồn nhiều hơn vì khi đó người ta lại nghĩ tới mùa của những tháng ngày cuối cùng trong năm. Đó là mùa mà người ta liên tưởng tới sự đầm ấm yêu thương và cũng là lúc mọi người đang hối hả hoàn thành công việc còn đang dang dở của năm cũ, để bắt đầu sắm đồ cho ngày Tết sắp đến rất gần.

Nhớ lại ngày này mọi năm gia đình tôi đang bắt đầu chuẩn bị lễ để tiễn ông Táo về trời và sắm đồ Tết rồi. 25 Tết là ngoài đường xe cộ đi lại tâp nập, các bà các mẹ thì đi sắm đồ Tết, các thanh niên nam nữ cùng nhau đi chợ tình chơi, tên là chợ tình vì chỉ giành cho các bạn nam nữ và hầu như năm nào ngày này cũng mưa lác đác, nhưng năm nay không biết trời sẽ thế nào?
Ở làng xóm cũng bắt đầu nhộn nhịp không khí Tết hơn. Gần Tết là có những cây vông, cờ đỏ được treo khắp nơi, tối đến ra đường là thấy đèn lồng sáng chói khắp các ngõ, đường phố, lại còn được nghe những bài hát mở trên đài phát thanh thôn với những ca khúc mùa xuân, hay những bài hát năm mới làm cho không khí ngày Tết lại ấm áp nhộn nhịp hơn.
Vào ngày 28, 29 Tết là gia đình tôi lại bắt đầu chuẩn bị những nguyên liệu như lá dong, gạo nếp... để gói bánh chưng rồi. Mặc dù cái Tết gia đình tôi không được to như gia đình khác, nhưng chứa trong đó là rất nhiều tình thương yêu, sự ấm cúng. Khi đó tôi cũng tập tành gói bánh trưng, tuy tôi gói bánh không được đẹp nhưng rất thích gói và cũng dậy sớm để chuẩn bị cùng gói bánh với gia đình. Thời tiết này ngồi đun bánh chưng, rồi cùng mọi người kể những câu chuyện phiếm cho nhau nghe thấy vui và ấm áp lắm. Sau đó đêm 30 Tết, tôi phụ giúp mẹ chuẩn bị lễ để thắp hương và đón giao thừa cùng mọi người, cảm giác đó hạnh phúc lắm. Tối đến chúng tôi lại được đi chơi những trò chơi dân gian do thanh niên thôn xóm tổ chức cùng với mấy đứa bạn. Mùng 1, 2 thì đi chúc Tết với gia đình và đi hái lộc… Năm nay không khí Tết ở nhà ra sao, không khí Tết quê năm nay có gì mới không nữa?
Ngày trước lúc, tôi thích Tết để được lì xì, được đi chơi, không phải đi học hay thích cái trò đi xông đất mấy nhà bác ở hàng xóm xong cười chạy về. Tết này không biết ai xông đất nhà mình mẹ nhỉ? Bây giờ con chỉ thích cái Tết được bên cạnh gia đình thôi… Cái cảm giác tình thương, sự sum vầy thật ấm áp biết bao giờ đây khi xa gia đình thì mới thấy trân trọng hơn.

Nhưng giờ phút này đây, vào dịp Tết, tôi không còn có được không khí Tết bên gia đình nữa, không được ngồi bên bếp lửa đun bánh chưng, không được đi chơi với những đứa bạn thân, cũng như không được đón giao thừa cùng gia đình, không có cái không khí Tết quê hương quen thuộc. Khi đó tôi mới nhận ra rằng chẳng có điều gì mà ý nghĩa hơn khi mà được đón Tết tại nơi mà ta sinh ra và lớn lên cả, cũng không có điều gì hạnh phúc hơn khi được bên gia đình mình.
Khi cuộc sống quá bộn bề ngoài kia thì giờ đây tôi nghĩ hạnh phúc nhỏ nhất và chan chứa yêu thương nhất là được bên cạnh gia đình, được đón Tết cùng gia đình, bỏ hết những mệt mỏi trong học tập những khó khăn của năm cũ và cùng gia đình thực hiện một cái Tết đúng nghĩa, truyền thống từ bao đời nay.
Cho dù có một cái Tết lớn nhưng xa quê thì cũng không bao giờ hạnh phúc và ý nghĩa đặc biệt như tại quê hương nơi mình sinh ra, lớn lên “Đông đến xuân sang lòng háo hức, đón Tết quê hương ấm áp tình thương yêu”.
Hôm nay trong đầu tôi vẫn đang văng vẳng những bài hát mùa xuân đó, nhưng Tết năm nay trong tôi có chút buồn. Gia đình mình lại không đầy đủ thành viên rồi mẹ ơi... Ngồi nghe những bản nhạc không lời, hay nhưng bài hát mùa xuân trong khoảnh khắc cuối năm này con lại thấy lạnh lắm mẹ à!
Khóe mắt tôi chợt cay nồng!
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Xem thể lệ cuộc thi chi tiết tại đây. Gửi bài dự thi tại đây. |
Lê Thị Lệ