Tết là những buổi chiều hí hửng ra đồng với mẹ đốt đống rơm rạ để chuẩn bị cấy cho kịp Tết, mùi khói thơm nồng... Cũng có thể, Tết là những phiên chợ đông nghịt ở cái miền quê quanh năm vắng vẻ, là sự háo hức ngồi chờ xem bộ quần áo mới mẹ mua. Tết là tiếng pháo đì đùng khắp xóm, là sự sung sướng khi xúng xính quần áo đẹp đi chơi Tết, được thật nhiều lì xì, rồi vênh váo khoe với bạn bè là cái bút này, quyển vở này... mua bằng tiền lì xì của tao đấy... Nhưng có lẽ, Tết cũng chỉ đơn giản là những chiếc bánh chưng con ông gói...
Từ hồi còn bé xíu, cứ nhắc đến Tết là thể nào mình cũng nghĩ ngay đến nồi bánh chưng nghi ngút khói! Hồi ý còn ở với ông bà, mấy nhà góp gạo gói bánh chưng, Tết nào cũng gói một nồi bánh chưng to đùng. Tết là những buổi ngồi trông bánh chưng sôi ùng ục,khói cay xè mắt, thế mà vẫn ham. Ngồi rúc vào lòng ông nghe kể chuyện, rồi ngủ quên lúc nào không biết, củ khoai vùi vào tro bếp từ đời nảo đời nào cũng quên chả bời ra... Ấy thế mà cứ mở mắt ra là ông lại đưa cho củ khoai nướng ăn lót dạ, khoai chín vàng vừa đủ,thơm phức, ngọt rụm...
Thế mới tài! Nhưng vui nhất phải kể đến những cái bánh chưng con... Ngày ấy, cuộc sống còn khó khăn, cả nồi bánh chưng phải già nửa là bánh chưng sắn, có ít bánh chưng làm nguyên bằng gạo nếp lắm, gọi là mỗi nhà một hai cái để đặt lên bàn thờ ông bà ông vải! Ông bả "Khó thế nào thì cái bánh đặt lên bàn thờ cũng phải làm nguyên bằng gạo nếp, không ông bà của! Cả năm mới được cái tết, phải làm cho tử tế, cho ông bà được ấm lòng".
Năm nào, ông cũng đặc biệt gói riêng cho mình cái bánh chưng con bằng nguyên gạo nếp, nhân đỗ xanh, lại còn có thịt nữa. Bánh nhỏ xinh, chỉ bằng một phần tư những cái khác, trên đầu buộc một cái quai dài gấp đôi những cái khác để cái đứa trẻ con láu táu như mình có thể đeo vào cổ, khỏi quăng đi đâu mất. Vì bánh nhỏ nên lúc luộc bao giờ cũng được xếp lên trên, rồi lại được vớt ra đầu tiên. Lần nào mình cũng hí hửng cầm bánh chưng con đi khoe khắp xóm! Ngày ý, xóm mình neo trẻ con lắm. Mình là cháu đầu lòng, cả xóm có mỗi mình mình bé, làm gì có ai có bánh chưng con như mình đâu, thế nên mình tự hào lắm.
Được cái ngày ấy mình cũng ngoan ngoãn, trắng trẻo nên ai cũng quý, cứ gặp mình là phải bế lên nựng vài cái mới được. Chắc bởi vậy nên lúc nhà các cô các bác gói bánh, còn thừa gạo thừa đỗ là lại làm cái bánh chưng con rồi đem cho mình. Năm nào mình cũng rủng rỉnh bánh chưng con, đeo mấy cái trên cổ, lại còn xách 2 cái hai tay cũng không hết, ấy thế mà ai hỏi xin cũng nhất định không cho. Bà bảo trông mình chả khác nào cái móc treo bánh chưng cả.
Nhiều bánh là thế mà không biết mình mải chơi để quên ở đâu hết, có khi bị mấy cô chú lừa đem ăn hết rồi không chừng. Nhưng dù làm mất cái nào nữa đi, mình cũng luôn giữ được cái bánh ông gói. Có lẽ vì nó là cái gói đẹp nhất, xinh nhất cũng nên. Mọi người vẫn bảo ông mình khéo tay nhất làng mà. Cái bánh ý, mình giữ thật lâu, thật lâu rồi mới chịu ăn. Bánh xanh ngắt màu lá dong, thơm mùi gạo nếp, hạt tiêu, béo ngậy vị thịt ba chỉ, vị ngon thấm vào đầu lưỡi, vào tim, vào ruột, làm người ta nhớ mãi không quên.
Ông đã về với tổ tiên hơn chục năm rồi. Từ năm mình biết nhớ cho đến lúc ông đi, năm nào ông cũng gói bánh chưng con cho mình, dù bố mẹ bảo mình đã lớn và cô chú mình cũng có thêm mấy đứa con nhỏ nữa. Nhưng ông bảo "Lớn rồi vẫn là cháu ông, ông gói bánh chưng con cho mày đến lúc mày lấy chồng thì thôi"! Ông nói vậy mà lại làm không được...
Năm nay, mẹ dạy mình gói bánh chưng. Mẹ bảo "Phải học gói bánh cho đẹp. Lấy chồng đến nơi rồi, sau này có con, tết về còn biết đường mà gói bánh chưng cho nó, cho nó hưởng cái không khí ngày tết. Tết mà không có nồi bánh chưng thì gọi gì là tết...". Mình biết, Tết nhất định phải gói bánh chưng, để con mình cũng được hưởng cái hương vị hạnh phúc của ngày tết như mình từng được hưởng... Mình sẽ gói một cái bánh thật đẹp, thật vuông để đặt lên bàn thờ ông, cho ông được ấm lòng... "Ông ơi, cháu đã lớn rồi, đã biết gói bánh rồi đấy, ông xem có đẹp không..."
Có lần bà bảo trong mấy đứa cháu, mình là đứa khổ nhất nhà, ở với ông bà, ăn khổ, sống khổ, Tết còn phải ăn bánh chưng sắn, may mà lớn lên vẫn học hành giỏi giang, thi đỗ đại học... Mình rất muốn nói với bà rằng không phải thế, nhưng lời nói cứ nghèn nghẹn trong cổ họng. Hình ảnh ông lại hiện ra, đôi mắt hơi nheo lại chăm chú, tay thoăn thắt trải lá, đổ gạo, gói bánh, thân ảnh gầy gầy mờ đi vì khói bếp, giọng nói trầm ấm, khàn khàn vị thuốc lào và khe khé của nước chè đặc gọi mình đang ngái ngủ "Dậy đi, bánh chưng con chín rồi này. Dậy mà còn ăn khoai rồi lấy bánh này, không ông ăn hết bây giờ..."
Mình không nhớ ngày bé mình khổ như thế nào, chỉ nhớ năm nào cũng có bánh chưng con bằng nguyên gạo nếp ông gói cho, năm nào cũng được xách cả tá bánh chưng con đi khoe hàng xóm...Đấy là thứ mĩ vị tuyệt vời nhất, ngon nhất, quý nhất mình từng được nếm, là yêu thương, cưng nựng của cả gia đình đong đầy trong hạt gạo dẻo thơm cho đứa cháu đầu lòng, là món quà quý giá không gì sánh được...
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Hà Huyền