Tết lại về, năm nay nhà còn mỗi mình tôi và bố mẹ. Anh chị ai cũng yên bề gia thất, người về quê chồng, người lại ở xa…còn nhớ những mùa tết trước, khi anh trai chưa ở riêng, khi chị gái chưa lấy chồng. 26, 27 Tết là cả nhà rôm rả, người giặt chăn màn, người lau bàn ghế… rồi cả nhà cùng gói bánh chưng.
Tôi luôn được ưu tiên công việc nhẹ nhất là lau lá chuối. Bố chẻ lạt, mẹ xóc nếp, anh làm khuôn, chị gói bánh…Giản dị nhưng sao ấm cúng, hạnh phúc lạ thường. Mùi nếp mới pha lẫn thịt heo ướp hành thơm ngậy, cả mùi đậu xanh tán nhuyễn, ngửi mùi thôi là đã thấy thèm rồi. Rồi khi đã làm đủ những cặp bánh cúng, mẹ ưu tiên cho tôi một vài cái bánh nhỏ xíu xiu “Tí nữa chín con được ăn nhé!”.
Gói bánh xong, tôi lại hí hửng xem bố nhóm lửa nấu bánh. Bố nấu cả buổi chiều, cả buổi tối. Thích nhất vẫn là cảm giác gia đình quây quần quanh nồi bánh chưng. Lửa sưởi ấm cái lạnh của những ngày giáp Tết, bố mẹ lại kể chuyện ngày xưa…những câu chuyện tình cứ ngỡ cổ tích, cả những câu chuyện chân thực về cái nghèo, cái khó bố mẹ đã trải qua..Ngầy ấy mẹ đã đem trả trầu của người khác để chọn bố làm chồng, bố đi bộ đội một mình mẹ gánh gồng nuôi con…
Bởi vậy, bố thương mẹ lắm, chưa bao giờ to tiếng với mẹ, có giận nhau, bố lại xách cuốc ra vườn, mẹ lại tay xách ấm trà, tay xách nãi chuối ra sau, rồi hai ông bà lại cười nói với nhau lúc nào không biết! Rồi anh chị kể về những điều mới lạ nơi chốn thị thành, nào xe xịn, nào du thuyền… toàn những cái xa lạ mà trước giờ tôi chỉ được xem trên tivi mà thôi. Tôi cứ nghe kể mà miệng mồm há hốc! Có một ngày mình sẽ được đến đó, nơi có đèn hoa rực rỡ, có nhà cao tầng, có kem bán ngay ngoài cửa, không phải ngồi đợi mỏi mòn lâu lâu mới có người bán như ở đây! Mẹ chỉ cười: ráng học đi rồi con cũng được đi như anh chị!...
Những câu chuyện, tiếng cười cứ thế trôi đi, để rồi con nhóc lúc nào cũng sợ bánh chín có người lấy mất cái bánh bé bé xinh xinh của tôi lại lăn ra ngủ từ lúc nào. Chỉ biết, thỉnh thoảng tôi lại mơ màng thấy mẹ lại gọi bố dậy coi nồi bánh chưng…
Sáng thức dậy, tôi đã thấy tất cả bánh được bày ra trên bán, được ép cẩn thận. Và mẹ không quên dành cho tôi chiếc bánh đã để phần. Chao ôi! Mùi bánh thơm phức, loáng một cái là đã hết, thế mà những ngày tết dù có mời đến mấy tôi vẫn lắc đầu nguây nguẩy không chịu ăn…
Tết đến, những đứa trẻ con như tôi nô nức, còn bố mẹ thì hiện nỗi lo lắng hơn. Bởi Tết đến phải sắm biết bao nhiêu thứ, nào bánh kẹo, nào đồ ăn, và dù có khó khăn đến mấy mẹ cũng không quên sắm cho mấy chị em những bộ đồ mới. Rồi chị tôi lại cặm cụi bên chảo mứt dùa thơm phức. Đứa háu ăn như tôi không quên ngồi chờ bên cạnh, có miếng nào lỡ cháy, vụn vặt chị lại cho! Nghĩ lại những ngày ấy sao mà vui quá! Giờ chỉ cần ra tạp hóa, biết bao nhiều loại mứt, bánh kẹo nhưng vẫn thấy nhớ và thèm hương mứt dừa của chị ngày xưa..!
Cuộc sống cứ thế trôi... Tôi cũng lớn khôn, cũng được đến nơi mà mình ao ước. Nhưng sao thấy nơi phồn oa sao xa lạ quá, không có cây khế để trèo hái, không có suối để bắt cá mỗi chiều, không được ăn nồi cá kho tiêu của mẹ…Những mùa Tết cứ thế qua đi, thế nhưng có bận cỡ nào gia đình tôi cũng ráng gói vài đòn bánh chưng tết. Có năm chị sinh, mẹ phải đi chăm. Thế là tôi trở thành nội trợ chính, cũng mò mẫm ngồi gói bánh, nhưng sao thấy thiếu, thấy buồn. Khi đã lớn, tôi dành ngồi coi bánh cả đêm để bố nghỉ ngơi. Thế mà có lúc lại giật mình tỉnh thức khi nghe tiếng bố mở nắp nồi xem bánh... lại có đứa ngủ quên!
Giờ tôi đã lớn, anh chị ai cũng có gia đình riêng. Tết chỉ biết chúc nhau qua điện thoại. Không còn quây quần như ngày xưa, nhưng bố mẹ vẫn giữ thói quen gói bánh để chưng. Thế đấy, Tết với tôi và gia đình tôi rất giản dị, chỉ cần biết nhớ đến nhau, biết cố gắng làm thật tốt để Tết được tận hưởng những ngày vui vẻ.
Ngoài kia ấy, có biết bao người không được nghỉ ngơi ngày Tết, có người không có mái ấm để về… vì vậy, chúng ta hãy biết trân trọng những gì đang có, biết thương cha mẹ, gia đình. Tết là để yêu thương!
Đinh Thị Nguyễn
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". |