Tết năm nay sân bay Tân Sơn Nhất không còn nhộn nhịp cảnh các gia đình miền Tây thuê xe lên đón Việt kiều về ăn Tết. Biến chủng Omicron đã có mặt trên 40 quốc gia và tiếp tục ngăn chia các thành viên trong gia đình. Sau lưng Omicron là những biến chủng mới nào của Covid-19, và sau Covid-19 là gì nữa, không ai trả lời được.
Tôi vừa trở lại Sài Gòn sau bốn ngày xa thành phố. Bốn gia đình mà người trụ cột đang bước vào độ tuổi 50, thân nhau từ thời đại học, đã chọn cách nghỉ Tết khả dĩ tại một resort vùng biển Nam Trung bộ. Chúng tôi chọn đi chơi trước Tết vì các khu nghỉ dưỡng lúc này khá vắng, chi phí cũng dễ chịu hơn ngày thường. Tụi con nít sáng sáng vẫn mở laptop học và thi online, giáo viên vẫn đóng cửa phòng dạy học, bác sĩ vẫn khám bệnh qua phone, doanh nhân vẫn điều hành cuộc họp liên quốc gia qua ứng dụng Zoom. Các bữa ăn chủ yếu diễn ra trong nhà thay vì nhà hàng, đảm bảo mục tiêu an toàn, tiết kiệm nhưng vẫn đủ ấm cúng vì có bạn bè. Chỉ khác là sáng sớm được chạy bộ, bơi cùng nhau, chiều cùng uống trà ngắm biển, tối khuya nhâm nhi ly vang và ôm đàn hát nhắc nhớ kỷ niệm thời đi học.
Thời sinh viên, chúng tôi đều là những đứa ghét khuôn khổ và dư thừa mầm nổi loạn. Hầu như đứa nào cũng từng ước có một cái Tết không phải về nhà với ba mẹ, mà được đi phượt, được "xõa" với bạn bè. Tôi thời trẻ dại không ít lần ước những ngày giáp Tết không phải lăn lưng cọ sàn, chà bóng đồ dùng, kê dọn đồ đạc trang hoàng năm mới; ước đêm 30 không cặm cụi vặt lông gà mà được ra đường hòa vào dòng người náo nhiệt; ước mùng một mùng hai không phải theo bố mẹ đi thăm họ hàng, mở "máy ghi âm" trong họng ra để chúc những câu trùng lặp.
Khi có gia đình riêng, tôi vẫn ấp ủ ý định hô biến đống chén bát khổng lồ như núi sau mỗi đợt họ hàng ghé thăm. Tôi từng khát khao được đón giao thừa trên đỉnh núi cao nhất thế giới rồi sớm mùng một gieo mình xuống dòng thác cuồn cuộn chảy với một sợi dây cáp đủ chắc để neo mình ở lại với thế giới. Tôi cũng từng ước có một sớm đầu năm thức dậy ở một thành phố lạ, chẳng ai biết mình.
Tôi nhớ một giao thừa Tây lịch cách đây hơn 20 năm, tình cờ bắt gặp một vị khách trong bar có thần thái giống diễn viên Harrison Ford. Ông đội mũ và đeo kính mát. Tôi và bạn trai nghĩ ra cách viết cho ông một mẩu giấy gửi qua bồi bàn: "Xin lỗi, có phải ngài là Harrison Ford?". Ông viết lại: "Tôi không chắc lắm. Lúc này tôi chẳng nhớ mình là ai cả...". Rồi ông khẽ nhấc một bên kính mát ra nheo mắt nhìn chúng tôi. Nhưng chúng tôi không tiến đến xin chữ ký. Tôi nghĩ ông chọn Việt Nam để dạo chơi vì nghĩ rằng nơi này còn lạc hậu, có thể ông không bị nhận ra. Tôi viết lại: "Chúng tôi yêu thích những bộ phim ông đóng. Chúc ông một kỳ nghỉ trọn vẹn ở đây". Chúng tôi quyết định để ông được tận hưởng giây phút "chẳng nhớ mình từng là ai cả" bởi chính tôi cũng chẳng ít lần khao khát được như thế.
Trở lại Tết năm nay, sau một năm chẳng dễ dàng với những đợt lockdown quá dài và dồn dập tin tức đau buồn, chúng ta mất đi bạn bè, đồng nghiệp, người thân, hàng xóm. Tuy vậy, chúng ta đã sống sót và vẫn phải sống tiếp. Dù lòng tin và cảm hứng sống từng bao lần chạm đáy, nhưng không thể nào không nuôi dưỡng chúng.
Bởi vậy chúng tôi không "ăn Tết" mà "chơi Tết", thậm chí ăn xong còn tận tình nhắc nhau một miếng bánh chưng, một lát bánh tét thì cần "đền bù" cho cơ thể bao nhiêu km chạy bộ; một chén chè đậu ngon thì cần bơi mấy vòng hồ. Lũ trẻ có dịp chơi cùng nhau và trao đổi định hướng nghề nghiệp tương lai với bạn của ba mẹ - những người mà chúng xem vừa "cool" (ngầu) trong đời sống vừa là chuyên gia có tiếng trong các ngành nghề.
Khoảng nghỉ cần thiết đó giúp chúng tôi chữa lành tâm trí trước khi điều chỉnh lại hệ giá trị, mục tiêu cho năm mới. Để rồi sau bốn ngày, 28 Tết, mỗi gia đình lại tiếp tục hành trình riêng. Gia đình bác sĩ ở Đà Lạt chọn đi về phía Nam, thăm thú Sài Gòn và sông nước miền Tây. Gia đình bác sĩ ở Sài Gòn cân nhắc đi tiếp vài giờ để về quê nội hay trở lại thành phố, kết quả là lũ trẻ nhất quyết đòi trở lại thành phố. Bởi vì đã sống cùng ông bà nội suốt 360 ngày trong năm, thậm chí 24/24h suốt nửa năm không được tới trường, bọn trẻ muốn tận hưởng những ngày không cần theo nề nếp trước khi áp lực của học kỳ 2 ập xuống. Với chúng, tự do thực sự là một món lì xì đáng giá.
Riêng anh phó tổng một tập đoàn đa quốc gia thì ngồi vào vô-lăng tiếp tục hành trình gần 700 km hướng về phương Bắc, nơi có họ hàng bên ngoại. Anh chọn đưa vợ con về ăn Tết cùng gia đình bên vợ vì ba mẹ anh đã xuống tóc xuất gia, an hưởng tuổi già trong hai ngôi chùa lớn ở phương Nam.
Hỏi, khi ba mẹ ngỏ ý xuất gia, là con trai trưởng, anh cảm thấy thế nào, anh bảo lúc đầu day dứt lắm, nghĩ ba mẹ vất vả lo cho mình cả đời, nay mình vương trưởng muốn báo đáp công sinh thành thì lại không được, nên anh quyết cản. Nhưng rồi anh cũng nhận ra đấy là ý nguyện tha thiết của hai cụ, con cháu có quây quần chăm sóc đến mấy thì niềm vui của các cụ cũng không trọn vẹn. Món quà báo hiếu lớn nhất giờ đây anh có thể gửi tới ba mẹ là đảm nhiệm luôn vai trò "ông bà nội" cho các cháu của mình, để các cụ được an nhiên tự tại không phải lo lắng việc đời.
Tôi cũng một mình lặng lẽ quay về căn hộ nhỏ ở Sài Gòn. Ba mùa xuân rồi con trai tôi đi học xa, tôi chỉ kịp nhờ người gửi cho cháu một chiếc bánh chưng nhỏ để con giới thiệu với bạn bè về Tết Việt. Cha mẹ già ở Hà Nội đều có bệnh nền và mới tiêm vaccine mũi một, tôi sợ mình không mang được tiền về cho mẹ như rapper Đen Vâu mà lớ xớ xách theo mấy em Delta hay Omicron trên máy bay thì hết sức rầy rà. Tất nhiên, đó cũng chẳng phải lựa chọn dễ dàng gì khi cha mẹ tôi đều đã ngoài 80, mẹ tôi từng trải qua những ngày gian nan trong phòng hồi sức đặc biệt, thời điểm cả nước lockdown.
Lúc trẻ khát khao đi trốn Tết, nửa đời lại nhung nhớ hơi ấm gia đình khoảnh khắc xuân về. Đó cũng là những đường xoắn ốc tất yếu trong nhận thức của con người. Khi nhận ra điều này, tất cả chúng ta đều không còn trẻ.
Đón tôi là cành mận bừng nở những chùm hoa trắng muốt. Tôi ngỡ ngàng vì lúc đi, cành mận sau cả tuần hô hấp nhân tạo vẫn chỉ giống que củi khô không có bất cứ hứa hẹn gì. Như thể thiên nhiên muốn gửi cho tôi một thông điệp ý nhị: Một mùa xuân kỳ lạ nhất trong đời chúng ta đang đến, mở ra một thế giới vĩnh viễn đổi thay.
Phạm Tường Vân