Đâu đó trong suy nghĩ mỗi người hiện đại, Tết cũng chỉ là dịp nghỉ dài ngày, chỉ khác những ngày nghỉ bình thường là có thời gian nghỉ dài hơn và được về nhà mà thôi. Đôi khi tôi còn phân vân không biết có nên về quê nghỉ Tết hay không, vì ở lại làm những ngày này rất nhàn mà lương lại cao nữa. Qua Tết, người ta đi làm lại thì tôi nghỉ bù cũng được mà. Có phải chăng tôi đã thay đổi, tôi không còn mong chờ cái ngày này như trước đây tôi hằng mong nữa? Tết sắp đến rồi mà…
Tôi còn nhớ lắm hình ảnh lúc còn nhỏ, lúc nào tôi cũng như những đứa bạn đều mong đến Tết, dĩ nhiên là rất vui vì được nghỉ học, được ở nhà ngủ nhiều và đi chơi thỏa thích. Nhưng quan trọng hơn cả là được ba mẹ dẫn đi chợ mua quần áo đẹp, cả giầy dép nữa, được đi chúc Tết và được nhận nhiều tiền lì xì, dù số tiền lúc đó cũng chẳng là bao nhưng nó khiến cho chúng tôi cảm thấy vui và hạnh phúc. Đặc biệt hình ảnh nồi bánh chưng trên bếp than hồng đêm ba mươi, hồng hồng xanh xanh, lạnh lạnh mà ấm ấm, những củ khoai chị em nướng ăn chung, cả những trái bắp nữa… Nó khiến tôi một con người trưởng thành cảm thấy như vừa để vụt mất một cái gì đó rất quan trọng.
![10968416-409743609190946-17207-6958-1128](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/05/10968416-409743609190946-17207-6958-1128-1423133256.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=aH7QSXnoXsdGrlX3SXZ_KQ)
Bây giờ nơi làng quê tôi sống không còn hình ảnh những ngôi nhà lợp ngói đỏ nữa mà thay vào đó cũng là thứ mái làm bằng gạch, nhưng người ta gọi là mái thái. Từng hàng tre, cũng như những cây dừa cũng không còn nữa mà thay cho nó là những cây cột đèn chiếu sáng về đêm. Hình ảnh yên bình trên con đường làng ngày xưa cũng không biết từ lúc nào đã được thay thế bởi sự náo nhiệt của xe cộ, sự ồn ào của những tiếng hò hét hát ca. Đủ thứ loại quán mọc lên: quán lẩu các món, quán chè xôi, chè khúc bạch, quán xiên que, đồ nướng… nhưng tôi tìm trong cả trí nhớ cũng không thể tìm thấy quán cóc bán khoai luộc hồi xưa, nơi tôi thường hay ghé đến. Có lẽ có những thứ đang xa dần với cuộc sống này.
Bất chợt, tôi nhận thấy những giọt mồ hôi rơi từ trán người mẹ đang chở con đi học, dù bà đi xe máy và thời tiết lúc này cũng không nóng. Tôi thấy trong đôi mắt người mẹ đó hình như đang ẩn chứa một sự lo lắng. Chẳng hiểu sao tôi lại nhớ đến mẹ mình, lòng tôi như đứng lại. Dạo tôi có một thói quen rất lạ, cứ mỗi lần nhìn thấy giọt mồ hôi của người lớn rơi tôi lại nhớ đến hình ảnh của mẹ. Tôi cảm nhận như là mẹ đang đứng trước mặt tôi, vội vàng đưa cho tôi túi đồ ăn với mồ hôi thấm ướt trán. Nụ cười và giọng nói nhẹ nhàng nhưng không thể che giấu được sự cực nhọc của công việc mà một người phụ nữ lớn tuổi phải đi xa nhà, xa quê đang nếm trải.
Và rồi tôi cảm thấy như có một cảm giác nào đó khiến tôi quay xe chở ngược lại phòng. Có lẽ tôi cần về nhà. Tôi nhớ mẹ, ba cũng như các em. Tôi nhớ hình ảnh ba làm việc cực khổ với từng mảnh đất, những luống rau ba chồng xanh tươi và đẹp đến dường nào. Tôi nhớ em tôi, còn nhỏ nhưng phải chịu nhiều thiệt thòi về tình cảm, tôi nhớ hình ảnh ngày đầu tiên tôi trở về khi đi học xa nhà nó đã ôm tôi mà khóc. Có lẽ nó là con út nên mít ướt vậy đó, con trai mà lúc nào chị đi cũng khóc. Tôi hay chọc nó như vậy. Nhưng có lẽ nó cũng không biết rằng tại những giây phút đó mắt tôi cũng nhòe nhòe. Chỉ là tôi lớn rồi không thể thể hiện cảm xúc tốt như nó mà thôi. Đứa em tôi yêu thương…
Tôi đã trở về bên cái nơi đã nuôi tôi khôn lớn, tôi đã trở về cái nơi đã chứng kiến sự thay đổi từng ngày của tôi. Cuối cùng, tôi đã trở về nhà. Tôi không chui vào phòng ngủ khi rảnh như mọi lần nữa. Lần này, tôi tự tay làm mứt cho cả nhà ăn Tết và mời mọi người. Tôi cùng các em gói những cái bánh tét đầu tiên, tự mình tìm lá, chẻ lạc, rồi cùng nhau ngồi trông lửa. Những tiếng cười đùa, nói chuyện khiến tôi không còn nhận thấy thời gian trôi qua nhanh như thế nào.
Quay qua quay lại đã 30 Tết, bình thường nhà tôi không có thói quen ăn tối khuya, ai muốn đi chơi đâu thì chơi nhưng về trước 11h rồi ngủ. Nhưng năm nay, chúng tôi không xin đi đâu cả, tất cả cùng nhau dọn dẹp và bày biện lên những món ăn đơn sơ, mộc mạc nhất. Vài đĩa bánh tét, dưa muối, giò thủ, củ kiệu và một chú gà hấp gừng. Tất cả đều là đồ nhà, nhưng sao tôi lại cảm thấy chúng ngon đến thế, tôi thèm được ăn vụng chúng, một miếng nhỏ thôi. Ba mẹ tôi đọc kinh kính nhớ ông bà, rồi mọi người cùng chúc nhau năm mới may mắn và bình an. Và dĩ nhiên tôi dù lớn nhưng vẫn nhận được bao lì xì màu đỏ. Tôi chợt mỉm cười. Ôi! Tiền lì xì.
Vậy là bao nhiêu kế hoạch dự định đi ăn nhậu cùng bạn bè tôi hủy hết. Tự nhiên, năm nay tôi muốn ở nhà. Tôi đi chúc Tết và chúc tuổi cùng với mẹ. Tôi lì xì bao đỏ cho từng đứa nhỏ, tôi để ý thấy chúng nhận rồi gom lại trong cái túi gì đó rồi chạy quýnh đâu mất. Tôi ngồi nghe những câu chuyện ngày xửa ngày xưa của từng người. Nghe cứ như là những câu chuyện cổ tích vậy đó. Hai vợ chồng mang những câu chuyện bí mật lâu năm ra nói cho con cháu nghe, rồi mọi người phì cười muốn đau cả bụng. Rồi hai vợ chồng già cũng nhìn nhau cười. Có lẽ họ cảm thấy hạnh phúc khi đến giờ này vẫn được ở bên nhau, cùng nhau đi gần hết một đời người.
Và rồi tôi đi thăm thầy cô, những người tôi rất muốn tỏ lòng cảm tạ nhưng lại không dám tới. Tôi thấy thầy vẫn thế, vẫn dáng vóc phong độ của ngày nào, vẫn vẻ ân cần và chu đáo. Chỉ khác có một chỗ da thầy đã xuất hiện nhiều vết nhăn và tóc thầy đã điểm sợi bạc. Và cô, người đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ, vẫn lời khuyên năm nào, vẫn là sự lo lắng và những lời dặn dò cô giành cho tôi. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi vẫn luôn được thầy cô nhớ, dù là chẳng khi nào ngày nhà giáo kính các thầy cô tôi về cả. Tôi thực sự hạnh phúc khi có thể quay lại ngôi trường xưa. Nơi đã tiếp bao nhiêu tri thức quý báu cho tôi và nơi tôi đã một thời diện tà áo dài trắng tung tăng đi học.
"Áo trắng tung bay trong chiều nắng
Có biết không ai đó tìm về
Trường xưa, lớp cũ hồn ở lại
Đượm lá nhẹ rơi lòng bồi hồi".
Và dĩ nhiên dù trốn thế nào thì tôi cũng phải bị lôi đi gặp lũ bạn thân yêu quý chứ. Chúng nó nhìn càng lúc càng khác rồi. Khác không phải bởi hình dáng thay đổi, khác không phải là do chúng nó ăn mặc sành điệu hơn. Mà khác là sự chín chắn, sự trưởng thành trong cách nói chyện và cách ứng xử trong cuộc sống. Có lẽ ai đó rồi cũng sẽ có lúc phải lớn lên và trưởng thành hơn…
Bây giờ có lẽ tôi đã hiểu. Không phải do xã hội ngày càng văn minh hiện đại thì những ngày truyền thống sẽ dần mất đi giá trị của nó mà là do cách suy nghĩ và hành động của con người. Không phải ngày Tết không còn ý nghĩa mà là do chúng ta không muốn nhận ý nghĩa nó mang đến mà thôi. Tết hay không không phải do Tết đang dần biến mất nên không còn nữa, mà là do chính mỗi người chúng ta không biết trân trọng và nắm giữ mà thôi.
Hình ảnh Tết là sự đoàn viên, Tết là sự ấm cúng, Tết là hạnh phúc đón chào năm mới của mỗi gia đình Việt sẽ không bao giờ thay đổi. Dù cho mai sau đất nước chúng ta có lớn mạnh như thế nào, nhưng khoanh bánh tét bánh chưng bên dưa hấu đỏ sẽ luôn ở mãi trong suy nghĩ và tâm hồn của người Việt Nam.
"Tết nào bằng Tết sum vầy
Người nào lại chẳng nhớ thầy nhớ me.
Ngày ngày người nhớ người mong
Người nuôi ta lớn, người mong ta về".
Nhân Tâm
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Gửi bài dự thi tại đây. |