Tết xưa. Trời se lạnh, mùi khói bếp củi cay nồng, tiếng gà gáy nhà ai báo hiệu ngày tết đến rất gần.
Mẹ tôi có 6 cô con gái, năm nào bà cũng lên thực đơn các món cho ngày tết để dạy các con làm. Từ ngày 23 đến 24 tháng chạp, mẹ dẫn tôi đi chợ lựa củ kiệu hương, hành tím… Bà dạy cho chị em tôi lột vỏ, đem phơi một hai nắng rồi đem xuống lột lại lớp vỏ lụa xếp vào hũ thuỷ tinh. Mẹ nấu nước mắm đường để nguội rồi đổ vào.
Với món bánh tổ, chị em tôi dậy đi xay bột từ buổi sớm tinh mơ, đem về để cho ráo. Chúng tôi leo lên trần nhà xắt bột phơi khô, sau khi bột khô, chúng tôi lại đem xuống giã và rây để được mớ bột mịn.
Những ngày giáp tết, bếp lửa than củi nhà tôi cứ cháy cả ngày, nào là nấu nước mắm đường làm dưa món, củ kiệu hành… Một bếp bự chảng để nấu bánh tổ, một bếp khác tranh thủ than dư làm mứt dừa, mứt tắc, mức chùm ruột... Còn ban đêm là bếp lửa nấu bánh tét.
Tủ bếp nhà tôi mấy ngày tết cứ ứ hự đủ các món. Mẹ phân công hai đứa leo lên tủ bếp cao thiệt cao để lau chùi, xếp giấy báo chuẩn bị cho những thành phẩm sắp ra lò.
Hồi đó, những ngày được nghỉ tết, chúng tôi thường bị kêu dậy sớm làm việc nhà mà chẳng ai kêu than lấy một lời. Cả nhà cứ cần cù làm việc và thưởng thức những ngày trước Tết như sợ nó qua nhanh.
Tôi thích nhất là những ngày trước giao thừa, dù bận rộn tối ngày nhưng lại rất vui. Dù phải cong lưng ra cọ rửa nhà cửa, gọt rau củ nhiều đến mức khiến đôi tay của cả mấy chị em nhăn nhúm vì ngâm nước lâu... Tết nhà tôi là vậy nên đến giờ chúng tôi mới có những hồi ức tuổi thơ đẹp khó quên.
>> Xem thêm: Bí mật động trời của nhà chồng trong những ngày giáp Tết
Chia sẻ bài viết của bạn về Tết tại đây.