Kỷ niệm thuở ấu thơ về Tết trong tôi đi liền với những mùi hương, dai dẳng, thân thương quá đỗi. Mùi nhang, mùi củ kiệu, mùi bánh chưng, mùi pháo và nhất là mùi thơm của những đồng tiền lì xì còn mới cứng, được xếp cẩn thận trong những phong bao màu đỏ tươi. Là con út trong một gia đình năm anh chị em, thường tôi chẳng được phân công làm gì nhiều.
Tôi thích được ngồi bó gối ở một góc nhà, lúc ấy còn là sàn xi măng mát rượi, ngắm bà, mẹ và chị hai gói bánh chưng. Tóc mẹ dài, đen óng mượt thơm mùi hương bồ kết, khuôn mặt mẹ nhìn nghiêng với nét thanh thản và hạnh phúc mới xinh đẹp làm sao. Những ngày ấy, chợ kế bên nhà đóng cửa. Con hẻm nhỏ ngày nào cũng đông đúc, náo nhiệt người mua kẻ bán mấy ngày ấy im ắng đến lạ. Dù được dọn dẹp sạch, vẫn còn thoang thoảng mùi bùn, mùi rau củ cũ và mùi cá khô.
Mùng một năm nào cũng vậy, cái nhà bé như lỗ mũi của tôi đông nghẹt những người là người (tính trên từng cm vuông). Toàn họ hàng ruột thịt sống trong cùng khu chợ. Khuôn mặt mấy đứa nhỏ hí ha, hí hửng, ăn mặc "bảnh" hết cỡ nhẩm đi nhẩm lại mấy câu chúc Tết quan trọng để lát nhận lì xì chúc Tết. Xem lại những tấm ảnh gia đình chụp cùng nhau hàng năm, mới thấy đứa nào cũng ốm nhách, lại mặc đồ rộng rinh lớn hơn mấy size vì khi ba mẹ mua phòng lớn, nhìn tức cười hết biết.
Ngày ấy, nhận tiền lì xì xong, anh chị em tôi lại gom lại đưa bố mẹ để trong năm mua sách vở, mỗi đứa giữ lại cho mình ít tiền để mua mấy đồ chơi con trẻ. Những khuôn mặt thân quen của gia đình, họ hàng ấy, năm nào ngày này cũng hội tụ về đầy đủ để chúc tết bà. Nhìn mọi người mà thấy thân thương, yêu thương quá đỗi.
Tiền mừng tuổi ngày ấy, có khi chỉ là năm trăm đồng, một ngàn cũng đủ làm chúng tôi sướng rơn lên rồi. Cảm nhận được tình yêu thương khi các cô, cậu trong nhà xoa lên đầu lũ nhỏ, béo má đứa này, đứa kia hỏi học hành đến đâu rồi. Những khuôn mặt rám nắng, vất vả, quanh năm tản đi tứ xứ đến ngày tết về bên nhau lại chỉ luôn cười nói, quên đi hết muộn phiền của cuộc sống cơm áo, gạo tiền. Đến trưa ăn cơm cùng nhau, cả nhà ngồi thành hai hàng dài từ bếp ra đến tận ngoài cửa gần bốn chục con người. Bà bảo, bà thích nhất cái cảnh ấy, con cháu đông đủ cả về trong một gia đình, còn hạnh phúc nào hơn.
Tôi thường thắc mắc, không hiểu sao mẹ luôn dành ngồi cạnh nồi cơm, luôn tay suốt ngày, có ăn được gì đâu? Mẹ là chị hai, nên mẹ bảo mẹ thích chỗ ấy, được tận tay chăm sóc mọi người, cũng như bà, còn hạnh phúc nào hơn? Bữa cơm ngày Tết chẳng có gì nhiều, chủ lực là nỗi thịt kho trứng to khổng lồ, dăm ba cái bánh chưng mỡ nhiều hơn thịt và chục đĩa củ kiệu tôm khô, tô canh măng. Nhưng với tôi, đó là đại tiệc. Có thể ăn thoải mái, lấy bao nhiêu trứng, bao nhiêu thịt cũng được. Lại có một điều đặc biệt, là được uống nước ngọt thả ga, nhõng nhẽo một chút cũng không bị ai la rầy.
Những năm gần đây, mấy đứa nhỏ lớn lên có đứa đi du học, có đứa lập gia đình xa, có đứa mất sớm. Mỗi lần đến Tết, cả nhà hội họp vẫn đông nghẹt nhà, lại thấy cay cay sống mũi khi thiếu những khuôn mặt thân quen tưởng như không thể thiếu. Biết bà nhớ con cháu, anh em chúng tôi mở webcam lên trong những ngày này để chúc tết bà qua mạng. Rồi thấy bà khóc, chúng nó cũng khóc, gần nhau hơn trong ngày đoàn viên gia đình. Có đứa sáng kiến hát cho bà nghe cho bà vui, để mọi người hiểu rằng dù xa nhau nhưng trái tim vẫn luôn hướng về nhau, rồi cả nhà lại hát cùng nhau "Gia đình, gia đình. Ôm ấp ta những ngày thơ, cho ta bao nhiêu niềm thương mến. Gia đình, gia đình, vương vấn bước chân gia đình. Ấm áp trái tim quay về. Gia đình, gia đình. Ôm ấp ta những ngày thơ. Cho ta bao niềm thương mến. Gia đình, gia đình. Bên nhau mỗi khi đơn độc, bên nhau đến suốt cuộc đời".
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Nguyen Bao Anh