Ngày xưa, cái Tết của những ngày xưa ấy sẽ chẳng thể nào quay lại. Thỉnh thoảng nó sẽ chỉ dội về trong tim thôi. Ngày ấy có gì để nhớ nhỉ? Chỉ đơn giản là cái tâm trạng háo hức đếm từng ngày trước khi đến Tết và chờ đợi mẹ mua áo mới.
Hơn mười mấy năm trước quê nhà vẫn thật vắng vẻ đâu có sầm uất như bây giờ. Bố mẹ ở nhà chăm lo cấy hái mấy xào ruộng và nuôi thêm đàn gà, đàn vịt. Nhà tôi chưa bao giờ nghèo nhưng cũng không dư giả gì, vì thế chỉ có khi đến Tết hai chị em tôi mới được mẹ mua quần áo mới.
Tiêu chí mua quần áo mới là phải dài hơn và rộng hơn cỡ chúng tôi mặc một chút, vì mẹ bảo hai đứa còn lớn nữa mặc đồ phải giữ gìn. Và thế là Tết nào hai đứa mặc quần mới cũng phải sắn gấu lên, áo mới rộng thì mùa đông lạnh mặc nhiều áo bên trong cũng vừa.
Năm ấy tôi mười hai tuổi và cũng như những cái tết trước tôi lại bí mật đếm từng ngày trước Tết, tôi đợi chờ bộ cánh mới năm nay mẹ sẽ mua cho mình. Những đứa trẻ khác trong xóm đã được mẹ chúng mua quần áo cho từ lâu rồi, đã khoe khắp lượt với nhau. Mẹ tôi mấy ngày lo gánh bùn về sân nhà để rắc mạ sân, ra Tết là cấy, lại bắt gà đi chợ bán, sắm sửa gói bánh chưng chẳng mua quần áo cho tôi gì cả! Hễ thấy mẹ lấy xe đạp đi đâu là lòng tôi lại khấp khởi mừng thầm, nhắc mẹ mua quần áo mới. Hai tám tết rồi tôi sốt ruột lắm vì vẫn chưa thấy gì hết. Có phải mẹ quên không nhỉ? Tôi bắt đầu... giận mẹ!
Sáng hai chín tôi hậm hực không ăn cơm, nằm lì trên giường mà mẹ chẳng để ý gì hết chỉ bận đãi đỗ xanh, vo gạo, chuẩn bị gói bánh chưng. Tủi thân, tôi bắt đầu khóc lã chã, nghĩ đến Tết lại mặc quần áo cũ trong khi mọi người ai cũng có quần áo mới tôi thấy sợ phải đi chúc tết sáng mùng một.
Cả ngày hai chín cứ lủi thủi, tôi chẳng nói gì với mẹ. Ba mươi Tết bố sắm sửa đào quất bày biện nhà cửa. Tôi cũng bận lau dọn nhưng trong lòng vẫn cứ canh cánh chuyện quần áo mới. Mẹ đang chăng lưới để gà không bổ đám mạ mới lên ngoài sân, đánh rửa hết vật dụng trong nhà, chẳng lúc nào ngơi tay. Tôi thất vọng khi thấy trời ba mươi tết càng ngày càng về chiều.
Sau bữa cơm tối, rửa bát đâu đấy mẹ gọi hai chị em tôi lại rồi đưa cho mỗi đứa một bộ quần áo mới. Năm nay mẹ mua quần bò cho tôi và cả một cái áo len hồng, ngực áo có một chú gấu trắng xinh lắm. Tất cả những dỗi hờn như tan biến hết. Mẹ đã không quên, mẹ vẫn nhớ mà! Tôi còn có cả dép mới nữa, mẹ mua cho một đôi dép quai hậu màu hồng luôn. Tết này tôi sẽ "diện" nhất trong xóm cho mà xem!
Đang hớn hở thử quần áo mới, tôi thấy mẹ ngồi khâu lại chỗ sứt chỉ của cái áo cánh trắng chỉ vào dịp quan trọng mẹ mới mặc. Chỉ một lúc là chỗ được khâu nhìn như chưa hề bị rách vì mẹ rất khéo tay. Tôi không còn nghĩ đến quần áo mới nữa. Chính lúc đó tôi mới chợt nhận ra là hình như Tết đến chỉ có hai chị em tôi là có quần áo mới thôi, còn bố mẹ không có. Có phải người lớn không lớn được nữa nên không cần quần áo mới? Không phải thế đâu, mà vì người lớn, những người lớn thân yêu trong gia đình đã dành tiền nuôi chúng tôi ăn học, lo thuốc thang khi đau ốm và năm nào cũng cho chúng tôi một cái Tết đúng nghĩa. Bố mẹ vất vả vậy mà mãi tôi mới nhận ra! Đứa bé là tôi khi ấy bỗng thấy mình cũng cần phải làm gì đó cho bố mẹ.
Đúng lúc giao thừa, tôi chạy vào buồng lôi con lợn nhựa tiết kiệm mình yêu nhất ra , khẽ khàng đặt vào tay mẹ và nói "Năm nào mẹ cũng mua quần áo cho con, con tặng mẹ con lợn tiết kiệm, con... yêu mẹ!". Mẹ chẳng nói gì cả, chỉ ôm tôi vào lòng. Gọn trong vòng tay mẹ, tôi thấy ấm áp, thấy hạnh phúc và an toàn không còn tủi thân, không còn ghen tỵ với những đứa trẻ hàng xóm. Bất chợt có mấy giọt nước không biết từ đâu rớt vào má tôi, khẽ lăn vào miệng thấy có vị mằn mặn của tình thương.
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Vũ Thị Thùy Linh