Trong khi vẫn còn mê mẩn nghĩ ngợi khi bước xuống hành lang, một anh bạn đã quen từ ngày sinh hoạt đầu năm đi bên quay sang hỏi tôi:
- Khi nào về nghỉ thế?-
Tôi trả lời anh:
- Có lẽ sáng mai tôi về! còn anh?chừng nào anh về?-
Anh cười lắc đầu:
- Tớ không về, tớ ở lại đi làm qua Tết luôn…
Anh lại cười rất lạc quan, anh kể ngày Tết ở quê anh có bánh chưng chiên mỡ hành đặc sản, từ ngày vào thành phố anh mới được về nhà có một lần. Những dịp Tết thế này anh không về mà ở lại tranh thủ kiếm tiền vì mức lương cao gấp bốn lần ngày thường, vì tiền xe đi về anh có thể mua cho bé em ở nhà một chiếc xe đạp, vì tiền học phí ngày càng tăng, vì trách nhiệm với chính cuộc đời của mình.
Tôi còn nhớ cách đây một năm, tôi được sống với các bạn sinh viên trong lưu xá, tôi được cảm nhận phần nào cái Tết rất đặc biệt của những người “trí thức nghèo”. Họ đi làm cả ngày, tối về rủ nhau ngồi nhậu, nấu mấy món bình dân hay ăn vào dịp đầu xuân như:thịt kho, dưa muối, bánh chưng…. trò chuyện thân thiết, cậu chuyện là màu sắc của nhiều văn hóa các vùng có màu hài hước của sinh viên, bạn bè lúc đó trở thành những người thân, gọi nhau bằng ba mẹ, bằng con cái, phát nhau mấy bao lì xì rồi cười phá lên,đôi ba người thấy khung cảnh ấy thì xúc động vô cùng, rồi cùng nhau xem hài táo quân cuối năm đàm tiếu hết đêm.
Thành phố lúc này đông mà không vui, nỗi buồn có khi chỉ giấu vào trong để kiếm chút mùa xuân với những người cùng cảnh ngộ. Nhiều anh chị đã chịu cảnh “xuân chê đất người” mấy năm nhưng họ chưa bao giờ "quen" với cảm xúc thế này, năm nào rồi cũng “nổi da gà” vì thèm được về nhà, gọi điện thoại về cách mấy cũng chẳng xóa nhào hết khoảng cách xa vời của họ với gia đình. Sinh viên năm nhất thì quá tội nghiệp! Cảm giác trơ trọi ra khỏi cái niềm vui của đất trời,lạc khỏi dòng người nô nức vui vẻ, nhìn bạn bè bận rộn chuẩn bị về với người thân yêu, khó mà không chạnh lòng. Tết là được về nhà, còn với số khác Tết với họ chẳng qua là kiếm được nhiều tiền hơn ngày thường mà thôi.
“Tết ơi! cứ đến Tết ơi!
Ta kiếm một mớ sang năm ta về
Chỉ cái không biết năm nào
Thôi thì cứ đợi, cứ chờ, cứ mong
Năm nay em ở lại vầy
Sang năm chớ ở, buồn nhiều hơn vui
Nhớ nhà “thúi” ruột “thúi” gan
Ham chi tiền bạc mà quên gia đình”
Đây là bài thơ của một anh trong lưu xá cao hứng làm tặng tôi.
Ai cũng mong muốn Tết đến, mong cho một ngày không xa nào đó khi cuộc sống ổn định, bớt chật vật hơn những sinh viên xa nhà lại có về với gia đình, ít là có thể ăn một bữa cơm đêm ba mươi, có thể đi thăm họ hàng vào sáng mùng một, hay đơn giản được nằm ngủ với mẹ một đêm, sửa lửa bếp bánh với cha, là điều hạnh phúc với những sinh viên phải “tá túc” ở nơi đất khách vào ngày tết thế này, nhưng ít người biết được rằng chính ước ao chừng đơn giản đón cái Tết đoàn viên là động lực thúc đẩy họ phấn đấu học tập, làm việc, cống hiến hết mình cho một tương lai tốt đẹp hơn, cho một mùa xuân sẽ được về nhà.
Vũ Thị Cẩm Đào
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". |