Tết của trẻ con
Tết của tuổi thơ tôi đến tự nhiên, bình dị. Không phải là cái cười giòn tan khi được mua bộ quần áo mới. Không phải là cùng mẹ đi đặt bánh chưng, mua quà Tết như nhiều đứa trẻ ở trên phố. Tết của tôi là những ngày háo hức khi rục rịch về quê cùng anh chị, ăn Tết với ông bà. Chúng tôi tự chuẩn bị nguyên liệu, gói bánh chưng, làm bánh giò, bó giò xào. Tết của chúng tôi là những tối quây quần bên nồi bánh kể chuyện, lửa hồng ấm nóng. Hương nếp thơm quyện mùi khói bếp ám đầy quần áo. Đêm về rúc rích cười đùa trong chăn, hơi ấm vẫn đượm nồng hương khói bếp. 20 năm, mùi hương cay cay, thôn quê ấy vẫn ám ảnh trong tâm trí tôi.
Tết của chúng tôi là chiều 30 quây quần quanh bữa cơm tất niên, sum họp đông đủ. Tết của chúng tôi là thức trắng đêm giao thừa quanh những chiếc bánh chưng đầu tiên mới vớt, xuýt xoa nóng hổi. Tết của chúng tôi là niềm vui ngây ngô khi được bố mẹ, các bác dắt đi thăm họ hàng, là sự háo hức trẻ con khi được nhận những phong lì xì đỏ...
Tết của chúng tôi - lũ trẻ con vô tư, bình dị mà hạnh phúc. Những tháng ngày ấy, chúng tôi gắn bó cùng nhau trong nỗi niềm ấm áp, và rất đỗi thiêng liêng của gia đình.
Tết của người lớn
Khi người ta lớn hơn, cuộc sống đầy đủ hơn, hiện đại, tiện nghi hơn cũng là lúc những cái Tết thêm buồn và thêm lạnh. Người lớn phải lo toan, bươn chải và mưu tính. Cuộc sống đầy đủ hơn, cũng là lúc những mối quan hệ bên ngoài, công việc chiếm nhiều thời gian hơn gia đình. Người ta bận bịu, bon chen giữa cuộc đời nhộn nhịp. Người ta chẳng còn nhiều rỗi rãi để nghĩ tới Tết. Tôi rất sợ một ngày, nhà tôi đặt mua bánh chưng thay vì quây quần, tự tay gói ghém. Tôi rất sợ một ngày, lá dong, thịt mỡ, dưa hành là những điều quá xa lạ với tụi trẻ con. Các em sẽ chẳng được biết cái thú vị, cái đầm ấm, cái không khí Tết tràn ngập trong từng hạt gạo nếp, sau từng bếp lửa hồng mà Tết tuổi thơ tôi đã trải qua. Các em sẽ chẳng đọng lại gì, chẳng còn khao khát, hay nhớ da diết một mùi vị bánh chưng, mùi vị Tết cổ truyền.
Khi người ta lớn hơn, bắt đầu gây dựng cuộc sống mới, cũng là lúc nhiều cái cũ mất mát. Không còn những Tết tuổi thơ vô tư, vui vẻ như những ngày xưa cũ. Người lớn thực dụng hơn, chăm lo cho bản thân mình hơn, cho góc tình yêu, góc gia đình mà mình mới gây dựng. Anh chị tôi dần dần tách khỏi gia đình lớn theo quy luật tự nhiên. Người viết tiếp ước mơ nơi trời Tây rộng lớn, người hòa vào không khí rộn ràng nơi tụ tập đông vui, người đã là chủ một gia đình nhỏ. Cuộc sống vẫn đều đặn trôi, nhịp đời cứ sinh sôi! Những hạnh phúc mới và một khoảng trống!
Không còn những chiều 30 quây quần bên mâm cơm tất niên như ngày thơ bé. Không còn những tràng pháo, không còn những trận cười rúc rich lúc nửa đêm, không còn những cái xuýt xoa trong giao thừa lạnh giá và không thể quay về ngày xưa ấy, những ngày tháng tươi đẹp. Giống như người lớn chẳng bao giờ bé lại để hóa thành trẻ con, để lại ngây ngô, đơn giản khi tâm hồn người ta đã chai sạn, va vấp. Tôi chẳng còn tin vào chuyện cổ tích, nhưng vẫn thèm khát một giấc mơ thần tiên. Giấc mơ được chùm trong chăn ấm bên cạnh anh chị mình như ngày thơ bé.
Khi người ta lớn hơn, địa vị, thành công, nhiều thứ cần phải toan tính, người ta vẫn lưu giữ một góc Tết trong tâm hồn mình nhưng ít nhiều Tết đã biến đổi. Một nụ cười ngây ngô, sung sướng của trẻ nhỏ trước Tết, cái cười móm mém chân thật của người già, cái đầm ấm của tình người trong không khí xuân - cái giá trị đích thực ấy người ta có thể vì lý do nào đó hoặc viện lý do mà quên, mà đánh mất.
Có một điều tôi nhận ra là trẻ con và người già là những người thưởng thức Tết thật trọn vẹn. Một tâm hồn non nớt, dễ ghi nhận, dễ yêu, dễ nhớ để những cái Tết đến trong niềm xúc động tươi mới, dồi dào. Một tâm hồn đã trải nghiệm đủ đầy để nhận ra tình người là giá trị, để biết rằng cần phải trân trọng từng phút giây gắn bó bên nhau, trân trọng Tết sum vầy. Có lẽ nhiều người biết nhưng không phải ai cũng thấm thía, hoặc thấm thía nhưng không thể làm khác. Vì khi đã vào guồng quay thì không thể đột ngột dừng lại. Người ta không muốn bị ngã hay hất văng khỏi vòng quay ấy, không muốn tự đào thải mình.
Cũng có những ý nghĩa khác khi người ta lớn. Với nhiều người, Tết không hồn nhiên, vô tư như trẻ nhỏ. Tết đến với nhiều lý trí, với trách nhiệm hơn, người ta cũng yêu Tết một cách đằm thắm, sâu sắc hơn!
Cũng có lúc tôi khát khao được đi đến một xứ xở xa xôi, nơi có nhiều điều mới lạ, nơi tôi có thể bị cuốn theo những thứ xa xỉ, hào hoa hay những cuộc sống, những con người mới. Hoặc đơn giản hơn là ước muồn bằng bạn bằng bè, muốn được công nhận, muốn một chỗ đứng. Nhưng!... Tôi biết niềm xôn xao giấc mơ trẻ thơ vẫn lưu giữ cẩn thận ở một góc tâm hồn. Tôi biết mình sẽ nhớ da diết mùi khói bếp cay nồng ám đầy mái tóc những ngày Tết gió rét. Tất cả những điều đó đến từ những cảm nhận bình yên, đơn giản từ thuở bé con, từ những ngày Tết tuổi thơ. Khoảng thời gian không dài nhưng đeo đẳng, bền vững.
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Tú Anh