Hà Nội những ngày giáp Tết, phố phường nhộn nhịp người xe, đào quất. Vậy là sắp đón cái Tết thứ 28 trong đời. 28 năm, 28 lần đón Tết, cũng từng ấy thời gian được chứng kiến sự đổi thay của những cái Tết trải qua cuộc đời mình.
Tuổi 28, đã là một bà mẹ, một người vợ với một gia đình nho nhỏ để mỗi độ Tết về phải chăm lo, vun vén. Tôi không còn là đứa trẻ ngong ngóng Tết để chờ mẹ mua cho tấm áo mới. Nhìn lại cô con gái của mình, cũng không biết là cháu đang sung sướng vì được hưởng những cái Tết no đủ hay đang thiệt thòi khi không có được những trải nghiệm Tết đáng nhớ như mình ngày xưa.
Tôi là con gái út trong một gia đình 6 anh chị em. Bố là một thương binh nặng, anh cả bị tâm thần do di chứng chất độc màu da cam rồi mất khi anh vừa 27 tuổi. Tuổi thơ của tôi là chuỗi ngày chứng kiến sự tảo tần của bố, mẹ, sự nhọc nhằn lo âu trên gương mặt người mỗi khi cái Tết đến gần.
Tết của tuổi thơ tôi không phải là mâm cao cỗ đầy với xôi gà, với thịt, giò, bánh trái. Tết ngày ấy chỉ đơn giản là một tấm áo mới mà cả năm mới có một lần, chiếc bánh chưng nhân đỗ xanh và chút giò mỡ. Ấy vậy mà không đứa trẻ nào không háo hức.
Khi đã là một người mẹ, dù không phải quá bận lòng về việc mua sắm chi tiêu Tết, nhưng có lẽ đến bây giờ tôi đã hiểu được phần nào những lo âu của mẹ với gia đình 8 miệng ăn khi ngày Tết đến gần. Rồi cuộc sống gia đình bớt cơ cực hơn, những cái Tết cũng đầm ấm hơn. Cũng đã mấy năm rồi không được về chuẩn bị Tết với bố mẹ, nhưng những cái Tết yêu thương mà bố mẹ đã cho tôi có lẽ cả cuộc đời này tôi không thể quên.
Trước khi lấy chồng và có một gia đình nho nhỏ của riêng mình, bao giờ cũng thế, cứ sáng 29 Tết là tôi có mặt ở nhà, dù công việc có bộn bề đến đâu. Về nhà để tận hưởng một cái Tết trọn vẹn yêu thương.
Chỉ cần bước chân đến đầu ngõ là tôi có thể nghe thấy tiếng cười đùa của bọn trẻ. Bố mẹ, 4 gia đình nhỏ của anh chị và 7 đứa trẻ con đang tất bật chuẩn bị Tết. Bởi các chị đều lấy chồng làng, nên năm nào cũng về cùng gói bánh, cùng chuẩn bị Tết với bố mẹ như thế. Từ tờ mờ sáng mẹ đã dậy, nhóm lửa chuẩn bị một nồi nước thật to để mổ lợn. Mổ lợn xong thì trời cũng vừa tảng sáng. Lúc ấy các chị bắt đầu lục đục kéo về. Chị vo gạo, vo đỗ. Chị rửa lá bánh. Chị rửa bát đũa. Các anh khiêng dọn bàn ghế, quét mạng nhện, chưng đào quất, rửa sân thềm.
Mẹ thì lui cui bên bếp than đỏ rực, đều tay trong tiếng lạc rang lách tách, trong những mẻ ngũ vị căng phồng giòn tan, chuẩn bị cho món kẹo chè lam đặc sản của quê hương mà Tết nhà nào cũng có. Ngoài vườn, mấy đứa trẻ ríu rít cười đùa. Đứa lớn leo trèo hái khế, hái bưởi, hái lá trầu cho bà chuẩn bị mâm thờ. Đứa bé cầm gậy chọc đàn lợn con đang nhẩy cẫng lên thích thú. Đàn gà con thấy bóng người, chạy lạc mẹ chiếp chiếp váng cả một góc vườn.
Giữa trưa, nồi bánh được bắc lên bếp. Tiếng gỗ khô nỏ nổ lách tách. Mấy đứa trẻ cầm thanh củi đã cháy dở một đầu, miết vào thân nồi cho bụi than bắn ra tung tóe rồi reo lên thích thú "Pháo hoa, pháo hoa"... trong tiếng càu nhàu của bà, của mẹ. Mẹ tranh thủ số lạc và đường còn dư sau khi mẻ kẹo chè lam cuối cùng đã xong, bắc bếp làm cho mấy đứa trẻ con mẻ kẹo lạc đường. Bếp bên cạnh nồi măng ninh chân giò sôi sùng sục. Anh Ba bắc xuống úm than nhường chỗ cho chảo thịt áp chảo vàng giòn. Bố ngồi mải miết cuộn giò xào, băm nhân miến...
Ngoài giếng, anh rể làm thịt gà chuẩn bị cho bữa cúng tất niên. Hai cô cháu gái lớn lăng xăng sửa sang bình hoa và trang trí cây đào Tết. Năm nào tôi cũng được mẹ giao nhiệm vụ đốt rơm nếp để thay chân hương cho năm mới. Bọn trẻ lại ríu rít kéo nhau ra góc vườn nhổ mấy gốc sả, mấy gốc mùi già về để bà thả vào nồi nước tắm thật to cho cả đại gia đình. Mấy chị í ới gọi mấy đứa trẻ đang ham chơi ngoài vườn vào tắm. Mùi nước thơm vảng vất quanh giếng. Mẹ tắm gội thật kỹ rồi chuẩn bị sắp mâm cúng lễ vào Tết.
Chờ cho bánh chín, chiếc bánh đầu tiên sẽ được mẹ đặt trang trọng lên ban thờ anh cả. Ấy là khi mẹ thương anh bao nhiêu mùa Tết nhà khó khăn, đến miếng bánh chưng chay anh cũng phải ăn thèm. Bây giờ một nồi đầy bánh chưng như thế nhưng anh cũng chẳng thể về mà ăn với bố mẹ, với các em. Đó cũng là một cách để mẹ nhắc chúng tôi nhớ đến anh mỗi khi Tết về.
Khi bánh đã chín, chè lam đã được cắt thành từng vuông chờ đãi khách, gà đã được thịt, măng đã nhừ, thịt áp chảo đã treo cẩn thận trên chạn bếp cũng là lúc mẹ bắc mâm cúng lên ban thờ. Các anh chị cũng tranh thủ mang phần thịt, phần bánh, phần kẹo về nhà mình, thắp hương cho ông công nhà mình rồi quay lại cùng ăn bữa cơm vào Tết.
Tôi đã trải qua bao nhiêu cái Tết tràn ngập yêu thương như thế. Giờ đã là một người mẹ với gia đình riêng cần lo toan mỗi khi Tết về, đôi khi vẫn tự trách mình không thể cho con những cái Tết yêu thương như thế. Có phải do cuộc sống bộn bề hay do mình đang vô tâm cướp đi tuổi thơ đẹp của con? Ngày mai, nhất định phải xin nghỉ sớm, đưa con về quê để có một lần con được trải nghiệm cái Tết yêu thương như mình ngày xưa...
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Thân Thị Mỹ Lan