Vậy tại sao tôi lại lấy tựa đề là Tết của những "người không quê". Vâng, tôi đã đi theo hướng thế này, không quê nghĩa là không có cảnh chen chúc, xếp hàng chờ hàng giờ để mua vé và rồi thêm hàng giờ nữa để đến một nơi không phải là TP HCM.
Gia đình tôi cả họ nội và ngoại đều đã lên thành phố sinh sống, lập nghiệp từ rất lâu. Nhà tôi có ba người, tôi và ba mẹ, nhưng khi dùng từ "gia đình" với mọi người, tôi không theo con số ba đó. Các bạn tưởng tượng, một chung cư, trong một lô là có gia đình tôi, gia đình ông bà ngoại và gia đình dì ba, còn lô kế bên là gia đình dì hai và dì út, thế là đủ hết cả họ ngoại, chúng tôi rất thân thiết. Vậy nên, đó là cái gia đình mà tôi muốn nhắc đến đấy. Mọi người được cái luôn yêu thương nhau, tuyệt đối không có sự tranh giành về quyền lực, tiền bạc hay địa vị như trên phim ảnh các bạn thường thấy đâu.
Và tôi, con trai của bà chị cả trong bốn chị em, may mắn được sinh ra trong cái gia đình lớn đó, dù thỉnh thoảng tôi vẫn có xung đột vì không hợp tính cách, tôi vẫn yêu họ, đặc biệt nhất là bốn đứa em họ, thân nhau còn hơn anh em ruột.
Mỗi năm Tết đến, khi không phải lo về việc chen chúc mua vé tàu xe. Đại gia đình chúng tôi chỉ đơn giản chuẩn bị nó theo đúng truyền thống. 23 âm lịch cúng tiễn ông Táo, các ngày cận Tết như 28, 29 thì rủ nhau đi chợ mua gà và làm các món gỏi gà, miến gà và tất nhiên không thể thiếu thịt kho trứng. Cúng giao thừa và xem pháo hoa là những truyền thống không thể thiếu, mỗi năm đúng khoảnh khắc giao thừa, ba mẹ tôi cúng, còn tôi đứng cầu nguyện, cầu cho gia đình sức khỏe, ba mẹ làm ăn phát đạt, luôn hạnh phúc, còn tôi thì học hành tấn tới, thành công với ước mơ (làm phóng viên) của mình. Tôi cũng không quên ước một chút về chuyện tình yêu (tất nhiên là chỉ cầu khi tôi đã 18, chứ trước đó, tôi khá là khờ, đơ về chuyện này, hihi).
Yêu sao cái không khí đêm giao thừa, thật tĩnh lặng, mọi nhà đều sáng ánh nến trước sân, mùi khói nhang nghi ngút tạo vẻ trầm mặc, nghiêm trang, hướng về một thế giới tâm linh mà ở đó. Chúng tôi tìm thấy sự bình yên cho chính bản thân mình sau một năm vất vả, vật lộn với sóng gió, đồng thời cũng không quên ước mơ cho một năm mới thành công mọi mặt.
Sáng mùng một, mùng hai, đại gia đình tôi tụ họp cùng nhau ăn uống, các món ăn không khác nhau mấy, nhưng vui nhất vẫn là cảm giác được quay quần, đùa giỡn và tôi thích nhất là thú đánh bài, có khi chỉ đánh vui, hoặc ván một ngàn hai ngàn. Tuy nhiên, khi thiếu nó, với tôi cùng mấy đứa em, có lẽ không là Tết nữa, đỉnh điểm là cả đại gia đình tham gia, vui cực! Không thể thiếu mất phần lì xì, năm an hem tôi xếp hàng chúc Tết ông bà, cô chú bác, nhận được lì xì, ai mà không vui, đứa nhỏ nhất nhí nhố "Em sẽ dùng tiền lì xì mua cái xe hơi mới", đứa lớn hơn thì láu cá hơn "Tiền này sẽ mua quần áo đẹp". Còn tôi thì cũng tùy năm, hồi còn nhỏ thì cho ba mẹ đóng tiền học, lớn hơn thì giữ cho mình để tự mua sắm quần áo, hay tiêu vào những mục tiêu lớn hơn như mua máy ảnh thực tập cho nghề chẳng hạn.
Nhà tôi không có thói quen ở thành phố những ngày Tết. Năm nào cũng kéo nhau đi du lịch. Chủ yếu là Vũng Tàu, có khi kéo dài tới bốn ngày ba đêm. Được ra biển, ai cũng thoải mái, những giây phút bên nhau như thế này là vô giá, cùng ăn, cùng chơi, cùng thả hết tất cả những muộn phiền của mình theo những đợt sóng, để rồi thổi về trong tâm hồn những luồng gió mới, căng phồng cánh buồm hướng đến một tương lai mới.
Đấy, cái Tết của những "người không quê" là thế. Có lẽ các bạn đọc xong, thấy cũng bình thường, vâng, nhưng tôi luôn tự hào vì có một gia đình như thế, một cái Tết như thế. Tôi nghĩ rằng, dù sao, Tết, cũng có nghĩa là gia đình, chỉ cần cùng họ, thì thử mà không trải qua cái Tết hết sức bình thường trên, có lẽ, cả năm sẽ chết vì buồn mất.
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Vũ Phan Đông Quân