Con vốn không định tiễn nó đi đâu, vì con không thích, nếu không nói là con sợ sân bay lắm ngoại à. Ba lần ra đó, đều là tiễn người thân rời xa con. Chưa một lần thử cảm giác đón ai đó phương xa trở về. Với con, sân bay là ly biệt, là rời xa những người thân yêu.
Thuở nhỏ, con vẫn hay về nhà ngoại ăn cơm, hay rủ rỉ kể ngoại nghe những chuyện lớp, chuyện trường, vẫn giả vờ già dặn lim dim mắt uống trà theo ngoại. Ba mẹ bận việc, ngày nào cũng tối mịt mới về cùng với mùi mồ hôi và đất đỏ trộn lẫn. Hiếm khi nào có bữa cơm nhà cùng nhau. Nhiều khi Tết đến, con ở nhà ngoại, cùng ngoại lau bàn thở tổ, cùng ngoại nấu mâm cơm cúng ngày cuối năm. Rón rén giở những bánh mứt ra ăn vụng rồi cột lại một cách vụng về. Ngày đó, con thích Tết đến kỳ lạ, bởi lẽ chỉ có khi Tết đến, cả gia đình ta mới đông đủ, ba mẹ, cậu dì về quây quần cùng nhau bên mâm cơm ngoại nấu đầu năm.
Ngoại biết không, trẻ con hay nói rằng Tết là vui nhất, để rồi khi lớn lên chúng lại nói rằng Tết chẳng như những ngày xưa nữa. Tết chẳng khác đi đâu, chẳng khác ở những cơm gạo áo tiền, cũng không khác ở những bánh mứt ngày càng sặc sỡ, mà là khác ở lòng người. Những người già dần mất đi, những đứa trẻ lớn lên để rồi tự đi xa trên đôi chân chúng, mang những hoài bão đi khắp chốn. Để rồi những mâm cơm đầu năm dần thưa thớt bóng người. Những thế hệ dần chẳng còn kề cận truyền hơi ấm cho nhau.
Con biết xứ lạ ấy chẳng bằng quê mình đâu, chẳng có những đứa cháu nhỏ của ông bà, cũng không có những món ăn chỉ riêng của người Việt, thế mà ngoại đã ở đó suốt bảy năm rồi, đón bảy cái Tết nơi xứ người xa lạ. Để rồi giao thừa ngoại lại mếu máo như trẻ nhỏ, xếp những bánh chưng, bánh tét gói nơi xứ người lên bàn nhìn cho đỡ nhớ quê hương. Để rồi con nghe tiếng nước mắt mẹ rơi trên những tờ tiền ngoại gửi về cho lũ nhỏ ở nhà. Có nỗi buồn nào hơn khi người trẻ ở quê hương còn người già lại tha hương xứ lạ, cũng có nỗi buồn nào hơn khi giờ đây, các cậu, các dì, và cả mẹ con đã có những ngôi nhà cho riêng mình, có cả những cái Tết đủ đầy mà lại chẳng thể nào ngâm một hũ kiệu, mua một tấm áo mừng Tết cha mẹ mình. Tết chẳng thể tròn trịa như xưa dù mâm cơm có đủ đầy món lạ. Khi những đứa trẻ sau này lớn lên thiếu mất mái tóc bạc và những câu chuyện cổ tích của người già.
Ngoại đi rồi. Những bánh chưng bánh tét chưng ngày Tết bỗng trở nên xa lạ với con. Ai cũng bận, để rồi bỏ tiền mua bánh người “lạ” gói về nhà. Đó không còn là bánh ngoại gói, không phải là bánh con cùng cậu út ngồi canh lửa nấu ở sau nhà. Hũ dưa kiệu cũng chẳng còn vị mặn đắng do tay bà ngoại ngâm và mùi nắng của những trưa bà đội nón ra đảo hành kiệu. Tết chỉ vui khi người ta quây quần chuẩn bị cho nó, chỉ vui khi những món ăn ngày Tết do chính tay mình gói, chính tay mình làm. Bây giờ, đó là Tết vội Tết vàng, Tết của người ta, chứ nào còn là Tết nhà mình nữa. Khi mọi thứ đều chẳng còn chứa đựng niêm vui và tình cảm của chính mình.
Có những bữa cơm con thấy mẹ thở dài, khi trên mâm cơm là những món ngoại thích. Có những ngày đông con thấy mẹ xoa lưng rồi ngồi ngẩn người. ở bên ấy làm gì có dưa cà mắm muối, làm gì có những ngày nắng chói nhưng ấm áp với xương cốt người già. Nỗi buồn của đứa cháu là con, chắc chỉ bằng tiếng thở dài của mẹ. Và có lẽ chẳng bằng một giọt nước mắt của mẹ hằng đêm.
Ngoại nói với con rằng, năm sau ngoại sẽ về, nhưng những cái năm sau ấy sao mà dài quá. Tóc ngoại đã rụng nhiều lắm rồi, những người bạn của ngoại có người đã nhắm mắt xuôi tay rồi, vậy mà sao ngoại cứ ở mãi nơi xứ người. Con không cần những tờ tiền hằng Tết ngoại gửi về cho con, cũng không cần những món quà mừng con thêm tuổi mới, mừng con đậu đại học, những thứ đó chẳng bằng những câu chuyện cổ tích của ngoại, cũng chẳng bằng những bữa cơm thưở nhỏ ngoại nấu. Cũng không thể bằng những ngày Tết quây quần bên mâm cơm có ngoại.
Ngoại biết không, có ngoại là có tuổi thơ, là có Tết, vắng ngoại rồi, Tết ấy chỉ là ngày cây mai trước nhà nở bông thôi. Mà Tết ấy, nào có ấm áp được như Tết của những ngày xưa?
Nguyễn Thị Tường Vi
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Xem thể lệ cuộc thi chi tiết tại đây. Gửi bài dự thi tại đây. |