Tôi đang là một chàng sinh viên năm cuối và mỗi năm chỉ về quê một lần vào dịp Tết bởi vì quê tôi ở tận Quảng Ngãi. Ở xa đồng nghĩa với việc tôi phải bỏ ra nhiều chi phí hơn mỗi dịp về quê và nghĩ lại tôi vẫn còn may mắn hơn rất nhiều những mảnh đời khác khi mà mỗi dịp xuân về họ vẫn âm thầm đội mưa, đội nắng đi làm cố gắng mưu sinh nơi đất khách quê người.

Cuộc sống cơ cực của người dân nghèo quê tôi.
Tôi được sinh ra ở một vùng quê nghèo ở khúc ruột của hình chữ S là Quảng Ngãi. Và hơn ai hết tôi hiểu được nỗi khổ của những dân quê tôi vẫn ngày ngày vát quốc ra đồng trên chiếc xe đạp cũ kỹ. Họ dầm mưa dải nắng cho cuộc sống mưu sinh của gia đình, những giọt mồ hôi đã rơi nhưng cuộc sống cơm áo gạo tiền không được đảm bảo từ gánh nặng tiền bạc trang trải hàng ngày, nuôi con ăn học.
Và rồi, khi những người nông dân nghèo thấu hiểu ra một điều: mảnh đất cằn cỗi này, mưa gió, hạn hán quanh năm này khó lòng mang đến cho họ cuộc sống no đủ sung túc cũng là lúc họ vác áo ra đi, đi vào miền Nam làm ăn.
Chuyện người dân quê tôi rời bỏ nơi họ sinh ra đến một khác làm ăn là như vậy đấy, nhưng không phải ai ra đi rồi cũng về quê vào dịp Tết, có nhiều người vì lý do khách quan là họ không có đủ tiền để mua vé cho một chuyến xe về quê ăn Tết cùng gia đình, nhưng có người vì lý do chủ quan mà họ đành phải nén lòng ở lại để làm ăn trong những ngày Tết.
Tết qua đi là lúc những cô cậu sinh viên nghèo quê tôi vào trường và kéo theo nỗi lo của nhiều ông bố, bà mẹ đang đi làm ăn xa ở tận miền Nam. Họ hiểu nếu về quê ăn Tết cùng gia đình thì vui hơn, ấm cúng hơn nhưng ngày mai khi con mình vào trường, lấy tiền đâu mà đóng học phí. Thế là những ông bố bà mẹ đành hi sinh niềm vui ấy để lăn lội, mưu sinh kiếm từng đồng bạc tích góp gửi về quê trang trải cuộc sống của gia đình và trên hết là thắp sáng tương lai của con mình.

Bán hủ tiếu ở Sài Gòn.
Câu chuyện của tôi, ngắn ngủi nhưng có lẽ sẽ đọng lại trong chúng ta nhiều suy nghĩ. Đó có thể là nỗi khổ cực của nhiều nông dân khắp mọi miền quê của đất nước, đó là sự hy sinh của cha mẹ, đó là tình phụ tử, mẫu tử thiêng liêng…
Tết đến xuân về, nếu cho tôi một điều ước, tôi chỉ mong rằng mọi người con của dân tộc cùng đoàn tụ bên mâm cơm bên gia đình vào ngày Tết, sẽ không còn là gánh nặng cơm áo gạo tiền mà thay vào đó là cuộc sống sung túc, ấm no, hạnh phúc hơn.
Đào Ngọc Pháp
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Xem thể lệ cuộc thi chi tiết tại đây. Gửi bài dự thi tại đây. |