Tết chỉ là những ngày trẻ con mong đợi để được nghỉ học, được mặc chiếc áo mới đi khắp xóm làng cùng chúng bạn, được ăn những món ngon mà thường ngày chẳng bao giờ có và được nhận những phong bao lì xì mừng tuổi.
Tết với mẹ lại khác. Mỗi khi thấy mẹ mua hành tía, ngâm với tro bếp trong chiếc chậu nhôm thường ngày dùng để giặt quần áo là tôi biết Tết đang về. Mẹ bảo, từ ngày xưa, nếu không có món dưa hành thì Tết không thể nào trọn vẹn. Mẹ ngồi bóc vỏ hành, cắt rễ, rửa sạch và xếp chúng vào cái hũ da lươn, đổ nước ấm pha đường, muối vào và nén chặt bởi hòn sỏi to nặng mà mẹ nhặt về từ suối. Tấm phên mắt cáo cũng là do tay mẹ đan. Nhà có mấy vại dưa muối bằng đủ các loại rau do mẹ tự tay trồng từ mảnh vườn rộng thênh thang. Từ rau cải đến cà muối, củ cải hay những cây bắp cải muối sổi trong bát đều do mẹ làm. Bữa ăn ngày Tết sẽ có thêm một món dưa hành mà lúc nào chúng tôi cũng bảo đủ để ăn mấy năm, nhưng rồi lúc nào cũng hết trước khi ra Giêng.
Khi thấy mẹ dựng ống giang ở góc nhà là tôi biết Tết về. Mẹ sẽ chẻ ống giang hoặc bó nứa để làm những sợi lạt mềm dẻo uốn bánh chưng. Mẹ đi cắt lá dong từ sáng sớm, trải trên chiếc mâm nhôm, dùng giẻ sạch rửa kỹ từng tàu lá để khỏi rách. Rồi mẹ trải chiếc chiếu cói trong bếp, lấy gạo nếp và đậu xanh mà mẹ ngâm từ trước với thịt ướp sẵn để gói bánh. Chiếc khung vuông cất trên tường cả năm được lấy xuống dùng.
Mẹ sẽ gấp vuông góc chiếc lá, đo cho vừa khung bằng đoạn cuống lá cắt ra trước, xếp vào khung. Một bát gạo, một bát đậu nhỏ hơn, một vài miếng thịt to bản có mùi hạt tiêu, một bát đậu rồi một bát gạo nếp. Mẹ gói thật kỹ và buộc thật chặt. Việc gói bánh và muối dưa lúc nào cũng từ tối rồi tới tận khuya mới xong. Buổi sáng chúng tôi thức giấc, mẹ đã làm xong cả rồi. Mẹ đặt chiếc nồi rất to mượn của hàng xóm lên bếp, xếp từng chiếc bánh cẩn thận rồi đổ nước. Củi để nấu bánh chưng là những cây củi to thật to mà mẹ để dành từ trước, đủ để giữ cho lửa cháy được lâu mà mẹ không phải trông chừng quá nhiều.
Mẹ dọn sạch cỏ quanh nhà ra đến ngõ và những đám lá khô của mùa đông thành đống và đốt. Mẹ quét dọn từng ngõ ngách trong nhà rồi mở cửa đón nắng vào. Trong nhà sạch tinh tươm, không còn hạt bụi. Trên vách đất của nhà, mẹ cũng đã dán những tờ báo khác thay cho những tờ báo cũ vàng ố, che đi những vết nứt cũ kỹ, bong lớp vôi trắng ban đầu. Mẹ bảo vôi đắt lắm, mấy năm mới quét lại nhà bằng lớp vôi trắng mới một lần. Nhưng với chúng tôi, lớp vôi trắng hay vách đất loang lổ không phải là điều gì thực sự có ý nghĩa. Nhà nào cũng như thế, bé nhỏ, cửa gỗ sơn xanh đã cũ, mái ngói đỏ hóa nâu bám rêu, nền đất sét nèn chặt. Nhà nào cũng nghèo nên vẻ ngoài quan trọng gì đâu.
Tết về gần hơn khi mẹ đi sắm Tết. Mẹ đi từ rất sớm, xách theo chiếc làn cói và đi cùng các cô trong xóm đến xế trưa mới về. Vài con gà cục tác mà mẹ bắt từ nhà nào đó trong xóm từ trước cũng háo hức như chúng tôi đón mẹ. Thế nào cũng sẽ có một nải chuối xanh, một quả bưởi, những quả quất màu vàng rộm, rồi hương vòng, một tập vàng mã. Thêm vào đó là hạt hướng dương, kẹo tăm vị bạc hà, nho khô, mứt dừa, mứt lạc mà chúng tôi gọi là kẹo bi. Mẹ tìm trong vườn nhà một cành đào nhiều lộc nhất, chặt mang về, cẩn thận đốt gốc rồi cắm trong chiếc xô nhôm. Mẹ rút ra túi đựng bóng bay, sai chúng tôi thổi bóng treo lên cành đào trang trí. Khi mẹ xếp xong mâm ngũ quả trên bàn thờ thì chúng tôi cũng thổi và treo xong. Thế nào, chúng tôi cũng bớt lại một quả để cầm chạy chơi trong xóm. Vậy là đã có tết.
Tết, mẹ mặc cho tôi chiếc áo mới, cho anh tôi chiếc quần mới mà cái cũ đã cộc và sờn hết cả. Mẹ mua cho bố đôi giày mới. Còn mẹ chỉ mặc chiếc áo cũ mua từ nhiều năm trước nhưng để dành, chỉ mặc mỗi khi tết về. Mẹ bảo vì mẹ không lớn thêm nữa nên không cần áo mới và người lớn không cần quần áo mới ngày Tết. Tôi mặc chiếc quần cũ từ năm ngoái, vẫn phải xắn một gấu trước khi lớn lên mặc vừa, đi đôi ủng màu đỏ năm nay đã hơi chật, nắm tay anh mặc chiếc áo khoác mà anh cũng từng mặc Tết năm ngoái, rồi cùng đi chúc Tết. Lũ trẻ cả xóm đi hết từ nhà này đến nhà kia, nhận những đồng lì xì mới cứng bằng đồng 200, hiếm hoi lắm mới có đồng 500 màu hồng. Riêng mẹ, Tết mẹ thường mừng tuổi chúng tôi một vài quả bóng bay xanh đỏ, nắm kẹo tàu bọc giấy đỏ in chữ song hỉ hoặc số kẹo tăm bằng với số tuổi.
Mâm cơm ngày tết cũng thật cầu kỳ, tốn gần hết thời gian của mẹ. Có bánh chưng, có thịt gà luộc hạ từ bàn thờ xuống, món xôi đỗ, món chè mà mẹ nấu từ gạo nếp với đường đen, bát canh miến nấu với măng khô, bánh đa nem cuốn, một khoanh giò thủ với mộc nhĩ, một khoanh giò thịt, và tất nhiên là có món dưa hành mẹ đã muối. Tết là những ngày mẹ không ra vườn, đôi tay mẹ không cầm cuốc, cầm liềm. Tết là những ngày bố trở về sau cả năm đi làm xa. Cả nhà quây quần bên nhau. Tết là như thế và hạnh phúc là như thế!
Nhiều cái Tết đã trôi qua, chúng tôi dần lớn lên và rời xa vòng tay mẹ. Tết bây giờ đầy đủ, hình thức, không thiếu thốn thứ gì nhưng lại như không có gì cả. Bởi vì Tết bây giờ không còn giống ngày xưa, chúng con đã không còn trong vòng tay mẹ. Tết trở nên lạnh lẽo và cô đơn đến vô cùng.
Từ ngày 15/01 đến hết 01/03, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Hàn Băng Vũ