Tết trong ký ức tôi là nồi bánh chưng Tày sôi sùng sục trên bếp lửa đỏ, bà tôi khều than vào chiếc chậu sành đặt dưới gầm giường nằm cho ấm mùa đông, tiếng cậu tôi khẽ khọt ngoài màn: “Bầm ơi, bầm gọi cháu dậy xem con đốt pháo đón giao thừa".
Chợt buổi chiều tan làm về nhà, ngang qua con ngõ quen thuộc gặp cô bé chạc 12, 13 tuổi lon ton xách buồng cau bên cổng nhà, bâng khuâng tự thoại:
- Ừ nhỉ! Tết rồi mà.
Qua ngày ông Công ông Táo, ra đường gặp biết bao hoa lá, cây cảnh bày bán trên khắp phố phường. Đào thắm, quất vàng rực rỡ mà mình thì cứ như kẻ vô cảm với không khí Tết cận kề...
Hình ảnh con bé loắt choắt năm xưa trèo cây cau trảy từng cành xuống cho bà cứ lung linh như giọt sương nơi khóe mắt. Dáng bà mặc quần lụa đen, lụ khụ trong chiếc áo bông tím hoa cà đang ngước mắt trông lên nói: “Con gái con đứa mà leo trèo như thằng con trai, nguy hiểm quá.”
Tiếng tôi văng vẳng đâu đây:
- Quả cau nào cũng béo ú, mai bà ghánh cau lên chợ Vĩnh bán Tết rồi về mua cho cháu cái cặp tóc con bướm bà nhé!
- Thế có muốn đi chơi chợ Tết theo bà không?
- Giờ cháu lớn, cháu nặng rồi làm sao ngồi thúng bà gánh chứ! Đợi ngày mốt cháu đi với dì.
Không lâu sau khi bà tôi mất thì điện lưới về làng xã, hàng cau phải chặt vì nằm trên đường dây điện đi qua. Tôi với nỗi oán giận của trẻ con, ích kỷ đến nỗi không mong muốn điện lưới về miền quê nghèo này.
Tôi vào đại học, những cái Tết sau này vắng bóng bà móm mém răng đen nhai trầu, những lần về quê ngoại thưa dần rồi mất hút. Khi ngoài hiên, những bông hoa đào đầu tiên dậy sắc hồng, ông tôi cẩn thận cắt đôi cành buộc phía sau chiếc xe đạp Thống Nhất đem xuống phố huyện cho con cháu cắm Tết, tôi đã nghĩ: “Ông xuống nhà mình rồi thì Tết này không phải về nhà ông nữa”.
Cái lần mẹ gọi điện cho tôi, nói ông gửi cho tôi ít chuối khô ông phơi hồi mùa nắng, cùng một xấp tiền toàn tờ một nghìn đồng, để tôi nước nôi tàu xe khi đi học… Khoảnh khắc, mắt tôi cay xè, tôi muốn về nhà, về quê ngoại ngay lập tức, cảm thấy mình thật bé nhỏ và lạc lõng giữa chốn phồn hoa đô thị này, tôi vốn dĩ không thuộc về nơi này, những ô cửa sổ lấp lánh ánh đèn nê ông không có chỗ cho kẻ đa đoan, thích hoài niệm như tôi. Vậy mà tôi vẫn ở đây, với biết bao lý do, thời sinh viên thì bận học, bận thi cử, bận đi làm tình nguyện nơi này chốn kia phải ở lại thành phố.
Tôi tự ru ngủ chính mình bằng lý tưởng sau khi tốt nghiệp sẽ về quê cống hiến, rồi sẽ dành nhiều thời gian nghe ông ngoại nói chuyện thời sự. Rồi ra trường, bận làm chính, bận làm thêm, bận bon chen đấu đá dường như chẳng có thời gian để nhớ quê nhớ cội. Ông ngoại đã ngoài 90, thời gian lặng lẽ trôi qua trên từng kẽ ngón tay. Tôi đã có những gì, xòe bàn tay ra chỉ thấy một màu trắng nhợt nhạt.
Chỉ còn chưa đầy một tuần lễ nữa thôi là tết rồi, tôi sẽ về, về nghe ông nói chuyện thời sự, chuyện về Đảng về Bác; về còn mang trầu cau ra mộ thắp hương cho bà…
Ngoài trời mưa xuân bay lất phất gọi cây tỏi xanh nảy mầm, và ai đó như đang thì thầm gọi trái tim tôi rộn rã… Tết về nhà, tết đoàn viên, Tết để tri ân những ký ức ngọt ngào…
Ngô Thị Thúy Hồng