"Tết của gia đình tôi cũng bình thường như bao nhà khác bởi ông nội sống rất giản dị", Võ Thành Trung (23 tuổi), cháu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tay rót trà, từ tốn chia sẻ.
Trung kể, ngày Tết là khoảng thời gian thật vui của gia đình khi mọi người cùng nhau trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị mâm cỗ. Mẹ Trung cùng mọi người gói bánh chưng ở sân. Anh em cậu thích nhất là ngồi bên bếp lửa trông nồi bánh. Thi thoảng từ cửa sổ tầng 2, Trung lại nghe thấy tiếng piano ông nội chơi bản "Thư gửi Elise" và một vài bài vui tươi mừng năm mới.
Ngồi trên bộ bàn, ghế đá cũ trong trong khu vườn nhỏ được treo nhiều giỏ lan, Thành Trung cho biết, đây là loài hoa mà ông nội mình yêu thích. Vào 29 – 30 Tết, ông thường cùng bà đi ngắm chợ hoa, thăm các triển lãm sách. Đêm 30, ông cùng gia đình quây quần, đón giao thừa, xem các chương trình mừng Xuân.
Đại tướng luôn mừng tuổi con cháu trước thời khắc chuyển giao năm cũ bằng những cuốn sách hay những tấm thiệp tự tay ông viết. Lời chúc của ông cũng mộc mạc, giản dị như: Chúc Hoài Nam học giỏi; chúc Bi (tên ở nhà của Thành Trung) ăn nhiều, chóng lớn; chúc mọi người năm mới sức khoẻ.
Sáng mồng 1, ông thường tiếp các đoàn khách rồi đưa gia đình thăm nhà Bác ở Phủ Chủ tịch. Ông kể cho mọi người những kỷ niệm với Bác tại nơi đây. Mỗi lần chạm tay lên những kỷ vật của Người, mắt Đại tướng lại rưng rưng. "Tôi có cảm giác tình cảm, sự nhớ nhung ông dành cho Bác Hồ là rất lớn, chưa bao giờ phai nhạt", Thành Trung tâm sự. Người cháu của Võ Đại tướng còn kể rằng, sau khi thắp hương cho Bác Hồ, chúc tết các cán bộ trông coi nhà Bác, ông luôn dừng chân ở ao cá lấy bỏng ngô cho cá ăn. Trông ông khi ấy thật thoải mái, hạnh phúc.
Ngày Tết có nhiều đoàn khách đến chúc mừng Đại tướng nhưng ông luôn ưu tiên gặp các cựu chiến binh, đồng bào, chiến sỹ từ vùng căn cứ cách mạng, từ nơi xa xôi và học sinh giỏi. Võ Thành Trung thường được theo ông gặp mọi người bởi là cháu nhỏ nhất trong nhà khi đó. Cậu còn nhớ như in nụ cười rạng rỡ của ông lúc ngồi nghe những em bé vùng cao, váy xòe hoa đồng thanh hát tặng.
Ngày đầu xuân, ông bà đi chúc Tết họ hàng, thăm hỏi những người bạn cao niên, tới hội sách và cùng chú bảo vệ, bác sỹ, cháu út Thành Trung đi dạo phố phường. Cuộc gặp gỡ hội đồng hương Quảng Bình cũng là việc Đại tướng thường thực hiện vì ông luôn quan tâm đến những thay đổi của tỉnh nhà.
Bữa cơm ngày Tết trong gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng giản đơn với bánh chưng, dưa hành, thịt nấu đông, canh măng. Có chăng mâm cỗ trở nên khác hơn khi được thêm những món cơm lam, xôi nếp nương, gạo lứt, muối vừng đồng bào vùng cao gửi tặng. Thành Trung bảo, ông rất thích thứ quà quê ấy. "Có lẽ ngày hoạt động cách mạng được nhân dân nuôi nên những món ăn giản đơn này đã trở nên thân thuộc, mang nhiều ký ức của ông với đồng bào, đồng chí".
Câu chuyện ngày Tết vui vầy bên ông nội bỗng trầm xuống khi Thành Trung nhớ về thời gian sức khỏe Đại tướng đi xuống. Tết của ông lúc ấy ở trong bệnh viện. Đêm 30 và những ngày đầu xuân, Trung cùng ba luôn vào nắn bóp chân tay, đọc báo và những lời chúc Tết mọi người gửi tới ông. Tuy mệt không nói được nhiều nhưng Trung thấy mắt ông sáng lên, miệng cười hiền hậu khi nghe những tin vui của đất nước.
Đôi mắt người cháu bỗng nhòa lệ vì hình ảnh ông bà nội thì thầm những câu tiếng Pháp tình cảm. Hơn sáu mươi năm lúc nào ông cũng yêu, quan tâm đến sức khoẻ của bà, kể cả năm tháng cuối đời. Tình cảm ấy, theo Trung là mối liên kết chặt chẽ, như cây cao bóng cả kéo mọi người trong nhà lại gần nhau, làm không khí ngày Tết đầm ấm, vui vẻ.
Trung nghẹn ngào bảo mình kính trọng và học được ở ông cách yêu thương mọi người. Ông không hay biểu lộ tình cảm qua lời nói mà bằng hành động. Con cháu làm tốt thì ông cười, làm điều không nên, ông nhắc nhẹ nhưng rất có uy chứ chẳng mắng mỏ bao giờ. Đức tính bền bỉ, không từ bỏ mục tiêu nếu thấy việc tốt và câu: "Có khó đến mấy cũng phải làm được" Đại tướng hay nói là điều Võ Thành Trung khắc cốt ghi tâm, dùng nó vượt qua khó khăn, thử thách.
Tuổi thơ gắn bó với ông, hay được ông bế ẵm, đưa đi dạo phố, giờ không còn Đại tướng nữa, Thành Trung thấy thiếu vắng điều gì thật lớn lao. Cậu cảm nhận sâu sắc nỗi mất mát khi chứng kiến cảnh dòng người bất tận cùng hướng về 30 Hoàng Diệu để thắp nhang tưởng nhớ ông.
"Sự ra đi của ông là mất mát quá lớn không chỉ với gia đình mà còn rất nhiều người trong nước. Tết năm nay dù cả nhà vẫn giữ những thói quen như khi ông đang sống nhưng chắc chắn ngày xuân sẽ khác đi nhiều, không còn được vẹn nguyên", Thành Trung mắt đỏ hoe nghẹn ngào nói.
Quỳnh Trang