Đứa bé mệt nên thiếp đi, hai vợ chồng giở gói mỳ tôm ra nhai sống, dốc cạn chai nước suối để uống cùng.
Tôi dừng lại, hỏi chuyện. Gia đình bé mọn này đã vượt 2.000 km từ TP HCM về đây. Chặng đường phía trước vẫn còn xa vì quê họ ở huyện Mường Tè, Lai Châu.
Tôi thấy chiếc xe máy cà tàng, lốp mòn, phanh vẹt đã chở ba người và tải hành lý lỉnh kỉnh kèm chiếc lồng gà. Trong lồng, một gà trống và đôi gà mái cũng xơ xác. Chẩu bảo, có những lúc hai vợ chồng kiệt sức, tiếng gáy từ chiếc lồng sắt lại giục họ đứng lên đi tiếp.
Hồi tháng 9/2021, vợ chồng Chẩu chỉ là một trong nhiều gia đình rời bỏ các đô thị phía Nam. Khoảng 2,2 triệu người hồi hương do ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư kéo dài, theo số liệu của ngành Thống kê tới 15/12/2021.
Chẩu kể với tôi, vợ chồng họ làm công nhân da giày nhưng thất nghiệp vì dịch. Cả nhà ở trọ có bảy mét vuông. Suốt bốn tháng chỉ ngồi trong phòng mái tôn nóng nực, tiền không có, việc làm không, phải nợ tiền trọ và sống nhờ thực phẩm từ thiện.
Nếu ví nền kinh tế như chiếc xe đạp, khi bánh xe ngừng quay, những lao động ráo mồ hôi là hết tiền sẽ ngã đầu tiên.
Lúc thu hành lý về quê, Chẩu buồn phát khóc khi nhận ra gần 10 năm bán sức trong công xưởng chỉ còn lại bốn tháng nợ tiền nhà, ba con gà ở góc bể nước, ít quần áo và đồ dùng cá nhân.
Vài hôm sau, Chẩu về đến Mường Tè, tôi gọi điện. Chẩu đang cuốc đất làm rẫy, y như lúc trước khi "đi miền Nam". Tài sản so với trước khi làm công nhân còn thêm món nợ gần 7 triệu.
Đại dịch xuất hiện như cơn gió lật tung bất cập của thị trường lao động. Những năm qua, Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài bằng lợi thế lao động giá rẻ. Nhưng chính đại dịch đã cho thấy mặt trái của mô hình kinh tế thâm dụng lao động giá rẻ. Trình độ thấp kéo theo thu nhập thấp.
Hàng triệu lao động đang bán sức để nhận lại đồng tiền chỉ duy trì cuộc sống tối thiểu. Đa số người nhập cư tại các trung tâm công nghiệp như Chẩu không tiếp cận được nhà ở xã hội, phải thuê trọ tạm bợ, con cái ít cơ hội vào trường công. Họ nằm ngoài vùng phủ sóng của mạng lưới an sinh, thậm chí có người không bảo hiểm xã hội, y tế.
Mấy năm trước, khi đi thực tế để viết phóng sự về cuộc thiên di của nông dân miền Trung, miền núi phía Bắc vào các tỉnh công nghiệp phía Nam, tôi nhận thấy họ ra đi chủ yếu vì lực đẩy chứ không phải vì lực hút. Sinh kế ở quê quá khó khăn mới phải ly hương. Tôi gặp nhiều lao động di cư cứ chạy vòng quanh, vì mưu sinh mà phải bỏ quê lên thành phố, rồi lại bỏ phố về quê, lăn lóc trong cái vòng luẩn quẩn. Tất cả đều tạm bợ và không thể tìm ra khâu "đột phá" để thay đổi đời mình.
Kỳ họp bất thường của Quốc hội hai tuần trước đã thông qua gói hỗ trợ để hồi phục kinh tế. Tôi chú ý đến vài kiến nghị dành ngân sách cho đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hậu đại dịch như giải pháp căn cơ cho tăng trưởng.
Một doanh nhân cũng chia sẻ với tôi ý tưởng mở trường dạy công nhân trên Internet. Ông cho rằng cách dạy truyền thống không thể chuyển đổi năng lực cho hàng triệu lao động trình độ thấp. Nhưng nếu dạy trực tuyến đại trà, kích hoạt khả năng tự học, người lao động có thể tiếp nhận nguồn kiến thức mới, kỹ năng mới, vừa có thể vừa học vừa làm.
Nếu mỗi ngày họ học hai tiếng, khoảng ba năm sẽ có kiến thức tương đương đại học, nhiều công ty sẽ tuyển dụng ngay với thu nhập cao, vị này nói. Nếu nhà nước bắt tay với các đơn vị dân doanh mở ra những "trường đào tạo công nhận giá rẻ online", thị trường lao động Việt Nam rất có thể được chuyển hóa. Cho những công nhân muốn học cơ hội, bởi ai cũng cần cơ hội và đất nước sẽ có thêm lựa chọn.
Chất lượng tăng trưởng liên quan chặt chẽ tới chất lượng nguồn nhân lực. Việt Nam không thể thoát khỏi mô hình tăng trưởng thâm dụng lao động giá rẻ khi lực lượng chính ở các công xưởng vẫn chỉ học hết cấp ba như Lý A Chẩu.
Tôi cứ nghĩ lần trở về này, Chẩu sẽ chấp nhận cuộc sống cuốc rẫy làm nương. Nhưng tôi mới nhận điện thoại của Chẩu báo tin đã trở lại TP HCM xin quay lại nhà máy vì "ở Mường Tè mấy tháng không làm gì ra hai triệu".
Chẩu đã hy vọng vào thưởng Tết. Nhưng lãnh đạo công ty vừa thông báo, thưởng Tết năm nay không có vì phải dừng sản xuất mấy tháng. Chẩu chẳng đình công phản đối như đồng nghiệp, tìm cách tăng thu nhập bằng đăng ký làm thêm giờ xuyên Tết. Tết này, Chẩu ở lại phòng trọ bảy mét vuông và công xưởng như ngày thường vì không đủ tiền về thăm vợ con.
Nghe tôi nói nếu có gói hỗ trợ công nhân hay lớp học cho công nhân sẽ báo sau, Chẩu cũng hy vọng về cơ hội của mình. Chẩu bảo muốn học để nâng cao trình độ, có lương thưởng cao hơn, "nhưng tăng ca đến 10 giờ đêm nên chưa biết thế nào".
Phùng Nguyên