Ngay từ khi cái lạnh se se, cái nắng vàng hanh hao dịu ngọt nhè nhẹ xâm chiếm Sài Gòn là trong lòng tôi đã thấy nôn nao đến lạ. Bởi đó là dấu hiệu báo những ngày cuối cùng của năm sắp trôi qua và cái Tết tưng bừng rộn rã đang đến gần, đưa tôi trở về đoàn tụ cùng với cha mẹ, anh em, với những điều quen thuộc thân thương nhất sau cả năm dài xa cách.
Nhiều người nói với tôi, tết bây giờ chả có gì vui, chẳng còn mấy ý nghĩa. Riêng tôi, tôi vẫn thích Tết, mong Tết nguyên vẹn cảm xúc như những ngày còn ấu thơ. Bởi Tết nhà tôi đông vui lắm. Ngay từ những ngày giáp Tết, cả nhà tôi sẽ cùng với gia đình các dì, các cậu tề tựu đông đủ ở nhà ngoại để cùng làm một công việc thú vị mà người lớn trẻ con ai cũng thích: gói bánh chưng. Các mẹ, các dì thì vo đậu, ướp thịt, lặt lá. Trẻ nhỏ thì ngồi phụ bóc hành, tỏi, xếp lá hay đơn giản là ngồi say mê nhìn các mẹ, các chị làm rồi chạy lòng vòng đuổi bắt nhau. Nồi bánh gói cho cả đại gia đình rồi còn biếu họ hàng, làng xóm đến cả trăm cái, bố với các cậu, các chú phải làm cật lực mà tay ai cũng thoăn thoắt, vừa gói vừa trò chuyện đùa vui, cả nhà rộn rã tiếng cười.
Tuy nhiên đó vẫn chưa hấp dẫn bằng đoạn luộc bánh chưng buổi tối, trong mắt đám con nít tụi tôi lúc đó thật là khoảnh khắc thần tiên. Đứa nào cũng viên cớ xin ba mẹ cho ngủ lại canh nồi bánh chưng để được thức chơi cùng nhau, rồi nghe ông với cậu út kể chuyện đi bộ đội, đánh giặc ly kỳ hấp dẫn xong lăn ra ngủ lúc nào không biết.
Sáng mồng 1, cả đại gia đình lại tụ tập tại nhà ông ngoại để chúc tuổi, chúc mừng năm mới lẫn nhau. Đây là màn hấp dẫn nhất với đám con nít chúng tôi. Sau khi chúc tuổi ông, bà, chúng tôi sẽ lần lươt chúc tuổi các dì, các cậu, cô, chú trong họ hàng, theo tôn ti trật tự mà ông bà đã đặt ra. Nhà ngoại đông người, chúc hết cũng gần đến trưa, sau khi nhọc óc mỏi miệng nghĩ ra những lời chúc dành cho hết thảy các bậc cao niên thì túi của đám con nít đứa nào cũng căng phồng. Sau này tôi mới biết, được nhận xấp tiền lì xì đó, chúng tôi vui 1 thì các bậc cha mẹ, cô dì chú bác của chúng tôi vui 10, vì đó là dịp để con cháu nhận biết anh em họ hàng, để tình gia đình thắt chặt với nhau và mọi người cùng yên dạ hăm hở ăn bữa cơm đầu năm sum họp đầm ấm.
Sang mồng 2, tụi tôi lại cùng với ông bà ngoại và các dì các cậu rồng rắn đến nhà bà dì, tức là em bà ngoại. Cả gia đình lớn bé xếp hàng đi hết gần con đường làng, vui như là đi trẩy hội. Nhà ngoại tôi có truyền thống rất hay là trong mấy ngày Tết, mỗi mồng sẽ đi thăm một nhà. Nhờ đó mà chúng tôi biết được họ ngoại mình còn có bà dì Biên, ông cậu Phong em ruột bà ngoại, ông Bản, ông Vũ em họ ông ngoại… Cũng nhờ đó mà đám anh chị em họ chúng tôi mới có dịp “update” tình hình của nhau, đứa này vừa được học sinh giỏi, đứa kia mới được cha mẹ sắm cho cái xe đạp, cùng tỉ tê ngồi kể chuyện trường, chuyện lớp…
Sau này ông mất, cậu út cũng phải bán căn nhà ông bà để lại lo chuyện làm ăn, không có chỗ để đại gia đình tề tựu đông đủ, mỗi nhà ăn Tết một phương. Đó cũng là cái Tết buồn nhất của họ nhà tôi. Năm sau, mẹ với mấy dì, mấy cậu bàn với nhau, mỗi ngày tết lại tụ họp ở một nhà, vậy là truyền thống ông bà đã để lại được tiếp tục cho đến bây giờ. Và chúng tôi lại được tiếp tục gặp mặt đám anh chị em họ, lại được chúc tuổi cô gì chú bác, được nhận lì xì. Chỉ ngồi hàn huyên chuyện trò năm cũ, năm mới là hết một ngày, mấy ngày Tết qua nhanh không kịp níu giữ.
Đối với tôi, Tết có thể không có áo mới, không cần giò chả bánh chưng bánh tét hay thưởng ngoạn du xuân, chỉ cần gặp gỡ trò chuyện với cô dì chú bác, anh em họ hàng, thế là đủ. Đoàn viên ngày Tết, không chỉ là tụ họp trong mấy ngày ngắn ngủi, mà còn để duy trì tình cảm, thắt chặt tình thân trong suốt quãng đời còn lại. Để đám thằng Tí thằng Tèo không quên mất bà, không nhận ra cậu. Để những con Thắm, con Hường đến khi xa quê, lên thành phố học hành, lập nghiệp vẫn còn biết chở che, giúp đỡ lẫn nhau. Hai chữ “đoàn viên” thiêng liêng lắm. Đó là điều mà chẳng cuộc điện thoại hay chuyến du lịch ngày Tết nào có thể thay thế được.
Nguyễn Thị Hằng
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Gửi bài dự thi tại đây. |