4 năm sinh viên, 2 năm cao học, là khoảng thời gian tưởng chừng như vui nhất, nhưng cũng đánh dấu sự nhớ nhà khôn tả. Con luôn làm cho mình bận rộn, năng động nhất có thể để sống quãng đời thanh niên tươi trẻ, đầy nhiệt huyết, và xây dựng tương lai. Nhưng vẫn không tránh khỏi mỗi dịp cuối tuần hay đặc biệt là những dịp lễ, Tết, khi bạn bè nườm nượp về bên gia đình. Con cũng có bạn để theo về. Nhưng không thể xóa bỏ được mong mỏi trở về nhà. Con không ngừng suy nghĩ, và thèm khát không khí gia đình mình, chứ không phải gia đình bạn, đến nao lòng.

Những suy nghĩ cứ chợt thoáng qua, là sau này, nếu con của con cũng phải trải qua những hoàn cảnh này, thì thật tội nghiệp. Nếu không có bản lĩnh, thì bọn trẻ rất dễ sa ngã. Có bản lĩnh và tâm hồn như con, thì trái tim lại đau đớn lắm. Không ai được quyền chọn bố mẹ khi sinh ra. Và con không bao giờ có ý nghĩ trách hờn bố mẹ. Được con thì mất mẹ, được mẹ thì mất con. Phải làm sao đây?
Là hàng xóm, anh từ sự thương cảm, đến yêu mến và luôn đồng hành cùng con trong những năm tháng ấy, không cho con được trong thái thái rảnh hay một mình để áp đảo cảm giác nhớ nhà. Mặc cho ngăn cản từ gia đình sợ lấy vợ xa sẽ khổ, và bản thân con cũng sợ lấy chồng xa, nhất lại là chồng Bắc, nên luôn từ chối, nhưng anh luôn kiên định quyết tâm là người đàn ông che chở cho con. 4 năm ròng rã, nhìn thấy sự quyết tâm của anh trong tình cảm, và sự vươn lên trong công việc, cuộc sống, con đã quyết định ở lại, làm dâu xứ Bắc.
Bởi anh ở tỉnh, 2 vợ chồng lại lập nghiệp nơi thủ đô, nên khó khăn không ít, mặc dù biết bảo nhau làm kinh tế, nhưng ngặt nỗi cũng không mấy khi về quê nội, lại thêm anh là con trưởng duy nhất trong nhà với 3 cô em gái. Lại thêm công việc tư nhân, Tết nhất cũng chỉ được nghỉ ít ngày. Vợ chồng làm ăn tuy không đến nỗi, nhưng đi lại cả 2 nơi là phương án không thể. Cố gắng lắm, cả năm vợ chồng cũng cho con về ngoại được một lần, thường là dịp 30/4. Nên đến giờ này đã 4 mùa xuân trôi qua, Tết đến là cả nhà lại kéo nhau về quê nội. Giấc mơ Tết quê ngoại cứ xa dần. Mỗi khi đông về, gần như là mùa con mất ngủ. Nửa đêm, nhìn qua ô cửa sổ có ánh đèn nhà máy xa xa, nước mắt cứ chảy đầy mộng mị. Giá như anh tệ bạc, giá như gia đình anh hăt hủi, có lẽ thật dễ dàng để tuyệt tình và con có thể đem con bỏ về ngoại và sống cuộc đời vui tươi, mặc kệ tương lai.
Đằng này, anh cứ lăn lóc ra làm, đi sớm về khuya, từ bỏ công việc nhẹ nhàng, thu nhập ổn, nhưng phải đi công tác, để ở nhà tự làm, phải mang vác nặng, cốt được ở gần vợ con, vẫn chia sẻ việc nhà với vợ, cùng vợ chăm con, chọc cười vợ, khuấy động không khí để làm vui vợ, rồi chỉ biết ôm vợ mỗi khi vợ nhớ nhà. Ông bà nội có con gái đi lấy chồng gọi là xa, nhưng là 60km so với hơn 1.000km của vợ, nên ông bà và các em cũng tâm lí, không để vợ phải khổ. Nhưng điều đó không nguôi được cảm giác nhớ nhà mỗi khi Tết về. Đúng là câu “chiều chiều ra đứng ngõ sau, trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”. Tết, nhà anh là trưởng, mọi người đến dâng hương, không có con, có cháu thì không được. Nếu gia đình nhỏ chia đôi nội ngoại, thì vợ nhớ chồng, con nhớ bố. Mà đi cả về một bên ngoại thì nội lại không đành.
Thế nên, mong lắm một cái Tết đoàn viên, đi xa mới thấu hiểu 2 từ sum họp hay đoàn viên quý giá đến nhường nào. Mọi người, hãy trân trọng điều đó khi còn có thể nhé.
Trần Thị Minh
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Gửi bài dự thi tại đây. |