Thứ ba, 19/3/2024
Thứ sáu, 24/1/2020, 18:26 (GMT+7)

Lễ cúng tất niên của một gia đình người Huế

Thừa Thiên - HuếGia đình ông Trần Văn Án (58 tuổi, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà) thịt gà, chuẩn bị mâm cỗ cúng tất niên, ngày 30 Tết.

Khoảng 8h sáng 30 Tết, ông Án đưa chiếc bàn ra sân, trước bàn thờ gia tiên để chuẩn bị lễ cúng tất niên.

Bà Phạm Thị Mến (vợ ông Án) đi chợ mua thực phẩm, nấu nướng còn ông tranh thủ ra sau nhà làm thịt gà. Theo phong tục người Huế, trong mâm cỗ tất niên phải có con gà trống.

Cụ Nguyễn Thị Ngắn (84 tuổi) ngồi têm trầu, gọt cau. Theo phong tục của người Việt Nam cũng như của người Huế, các gian thờ trong nhà đều phải có cau trầu trong những ngày Tết.

Anh Trần Văn Sửu (22 tuổi) con trai thứ ba của ông Án có nhiệm vụ lau dọn bàn thờ gia tiên. Một năm qua, anh làm thợ hàn ở TP HCM, mới về Huế chiều 28 tháng Chạp.

Như người xưa, ông Án sắp xếp bàn thờ gia tiên với mâm ngũ quả, hương hoa, đèn. Mâm ngũ quả thờ ông bà ngày Tết phải có nải chuối, tượng trưng cho sự quây quần, đoàn viên, sung túc.

Mâm cơm cúng tất niên của gia đình ông Án gồm các món ăn đặc trưng xứ Huế như nem chả, thịt rim tôm, dưa món, bún, xôi chè...

Trên bàn thờ, ngoài các loại áo binh, vàng mã, gia đình cũng chuẩn bị khoai sắn, bỏng gạo (hột nổ) cúng cho những cô hồn vất vưởng không gia đình thờ tự.

Cũng như các gia đình người Huế, ông Án cũng đặt con gà luộc, có dao gác ngang, muối trắng, xôi chè ở mâm thượng.

Sau khi sắp xong mâm cỗ ngoài trời và trong bàn thờ gia tiên, ông Án mặc áo dài đen, thắp ba nén hương, bắt đầu lễ cúng tất niên, mời ông bà, tổ tiên cùng về ăn Tết với con cháu.

Sau lễ cúng, đại gia đình ngồi với nhau ăn bữa cơm sum họp. "Nhiều gia đình ở trong xóm cúng tất niên rất sớm, riêng gia đình tôi năm nào cũng cúng vào ngày 29 hoặc 30 Tết để con cháu, anh em làm ăn xa về đông đủ nhất" ông Án nói.

Võ Thạnh