Gần 4 giờ chiều, nhưng cả khu trọ 10 phòng gần Chợ Đầu mối Bắc Thăng Long, yên tĩnh, vắng vẻ đìu hiu đối lập với khung cảnh ngoài đường người đi lại tấp nập. Người trọ ở đây chủ yếu từ những tỉnh xa đến, làm việc trong khu công nghiệp. Cuối năm nhưng không có việc, người về quê, người đắp chăn ngủ ở nhà, chỉ một số ít còn đi làm.
Còn một tháng nữa mới đến Tết nhưng Biên đã rục rịch khăn gói về quê, vì công ty không có việc. Anh làm việc ở Công ty Takara, chuyên về linh kiện điện tử, đã được một năm nay.
"Lương trung bình tháng cũng được 1,4 triệu, thế nhưng tháng vừa rồi ít việc, thứ 7, chủ nhật nghỉ suốt, tôi lại nghỉ ốm mấy ngày nên lương chỉ được 800.000 đồng. Tiền thuê nhà mất 600.000, chỉ còn 200.000 để sống", anh Biên kể.
"Đã mấy tháng nay công ty làm ăn khó khăn, Tết Dương lịch cũng chẳng được đồng nào, năm ngoái còn được 200.000 đồng. Mọi người phải luân phiên nhau nghỉ, mình tạm thời thôi việc một tháng, ở đây cũng chẳng kiếm thêm được đồng nào lại mất thêm chi tiêu nên đành về quê sớm. Đồ đạc trong phòng không có gì quý giá, nên cũng chẳng phải lo đi gửi", Biên nói.
Cũng trong tình cảnh như Biên, chị Minh (quê Nghệ An) làm cho Công ty Sumitomo, chuyên vi mạch dẻo cũng không biết được Tết năm nay sẽ sống như thế nào. Chị đang nghỉ đẻ, dự kiến tháng 1 đi làm trở lại, định cố gắng làm nốt tháng cuối năm dành dụm tiền về quê ăn Tết. Nhưng ra Hà Nội, chị nghe mọi người nói công việc không có, nên lo lắng không biết mình đi làm trở lại thì sẽ thế nào.
Chị Minh đã đặt tên cho con là Hữu Phước như một điều mong ước cho cuộc sống của cậu bé sau này sẽ tốt hơn anh chị. Ảnh: N.P. |
"Năm nay, cái gì cũng đắt. Tiền phòng năm ngoái là 400.000, năm nay tăng lên thành 600.000. Ngay cả cậu con trai mới 4 tháng tuổi của mình, tưởng không mất tiền điện nước nhưng chủ nhà cũng đòi 20.000 đồng. Ăn cũng phải rất dè xẻn nhưng đang nuôi con, dù có thế nào cũng phải cố gắng cho có chất. Bữa thì rau cải nấu mì tôm, quả trứng tráng...", chị nói.
Thanh, em gái chị làm cùng công ty, cũng nghỉ tuần nay rồi, đang ở nhà chờ việc. Cô cho biết năm nay thưởng Tết nghe mọi người nói là sẽ ít đi, chỉ được bằng lương cơ bản, chứ không được 130% như mọi năm.
Bên cạnh phòng của chị em Minh là phòng của con gái bà Miên (50 tuổi, Hà Tây). Con gái bà cũng đi làm cho một công ty ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long, chồng đi làm công trình suốt nên bà phải lên đây trông cháu gái mới gần 8 tháng tuổi.
"Tiền lương thì ít, mặc dù đang cho con bú nhưng bữa cơm của nó cũng chỉ có rau, đậu phụ và lạc vừng, nghĩ mà tội cho hai mẹ con. Nhiều lúc nó đưa cho mình 50.000 - 100.000 đồng nhưng tôi cũng chẳng dám cầm, vì biết chúng nó kiếm đồng tiền vất vả thế nào", bà chia sẻ.
Con rể bà đi công trình dăm bữa nửa tháng lại vắng nhà, người gầy giơ xương. Cả hai vợ chồng lương tháng trung bình được gần 3 triệu, nhưng tháng nào hết tháng nấy, nhiều khi còn âm.
5 giờ chiều, trời mùa đông đã chập choạng tối thế nhưng trong căn phòng trọ nhỏ, chỉ có lẻ tẻ vài món đồ không đáng giá của hai chị em Minh vẫn chưa bật điện. Nhờ em trông con đang ngủ, chị lục đục đi nấu cơm. Nói là nấu cơm nhưng thực chất chỉ là cắm nồi cơm, có nắm lá mơ bà chủ nhà vừa cho, băm nhỏ tráng với trứng, thế cũng xong bữa tối.
Không riêng gì Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, ở một số khu công nghiệp khác cũng có tình trạng một số công ty làm ăn khó khăn, công nhân một phần thì bị sa thải, tạm thời nghỉ việc hoặc là đi làm nhưng không có việc.
Loan (21 tuổi, Hà Tây) làm cho một công ty chuyên về dây điện, lắp ráp ôtô, thuộc Khu công nghiệp Sài Đồng được hơn 1 năm nay, cho biết, ở công ty của cô năm nay công việc giảm nhiều. Có dây chuyền cơ khí nghỉ hơn nửa tháng, chỗ thì giải tán, không thì cũng nghỉ vài ngày trong tuần.
"Tổ mình cũng có 2 người bị cho thôi việc rồi, mình cũng đang sợ bị cho về hưu non. Thời gian này năm trước còn bận túi bụi, mải tăng ca để làm xong hàng. Nhưng năm nay thì nghỉ suốt. Tết Dương lịch, mọi người ở chỗ mình được nghỉ hẳn 10 ngày luôn", cô nói.
Xuân bị tinh giản biên chế vào những tháng cuối năm này. Ảnh: Nam Phương. |
Xuân (24 tuổi, Hà Nam) làm việc cho Công ty Pentax chuyên sản xuất ống kính máy ảnh, thuộc Khu Công nghiệp Sài Đồng được 11 tháng. Công ty tinh giản biên chế, một số người bị cho thôi việc và trong đó có cả cô. Trước kia đi làm, cô còn dành dụm được tiền để học tại chức tại trường Kinh tế quốc dân nhưng giờ mất việc, cô cũng chưa biết liệu mình còn tiếp tục học được nữa không.
"Trung bình một tháng, mình cũng chỉ được hơn 1 triệu, trừ tiền phòng thì chắt chiu cũng đủ tiền học, tiền ăn. Giờ thì việc không còn, chẳng nhẽ lớn bằng từng này rồi lại về nhà xin mấy cụ tiền đi học", cô nói.
Anh Cường (23 tuổi, Phú Thọ) làm cùng công ty Pentax, được 2 năm cũng cho biết: "Mọi năm thời điểm này, công việc nhiều, mọi người toàn phải tăng ca. Nhưng năm nay lại chơi suốt. Một số thì nghỉ hẳn, người tạm thời nghỉ, tổ của tôi cũng có 4 người bị cho nghỉ hẳn rồi. Cả hai người phòng bên cạnh làm cùng cho Pentax cũng đã đóng gói đồ đạc về quê".
Nam Phương